Xây những lâu đài tí hon
Nhặt nhạnh những thứ vứt đi, như: Ống hút, nút chai… cô bạn Nguyễn Hoàng Hiền (trường ĐH Tài nguyên và Môi trường), đã biến chúng thành những chiếc hộp nội thất vô cùng dễ thương và sống động.
Suýt mù vì “room box”
Hiền từng bị “hớp hồn” bởi những thiết kế bé tí, lung linh trong phim ảnh và trò chơi điện tử. Lên mạng tìm hiểu, Hiền mới biết, đây là “room box”, mô hình thu nhỏ của các thiết kế nội thất.
Cô bạn cho biết: “Hồi bé, mình ước mơ được sống trong lâu đài như công chúa. Và giờ mình đã có thể tự tạo ra những lâu đài, những ngôi nhà xinh xắn như trong giấc mơ ngày đó”.
Mất một thời gian dài, Hiền mới học được cách thiết kế “room box”. Cô bạn bắt đầu từ những mô hình DIY (do it yourself), những “room box” có sẵn mọi thứ, người chơi chỉ cần mua về, lắp ráp theo hướng dẫn. Tuy nhiên, loại này khá đắt tiền và không thể hiện được dấu ấn cá nhân.
“Room box” thường được thiết kế từ gỗ. Hiền sử dụng miếng fomex vừa rẻ vừa dễ thao tác. Vật liệu làm “room box” nhiều vô kể nhưng phải có “con mắt nhà nghề” thì mới có thể nhìn ra, thu lượm các vật liệu đó.
Hiền “bật mí” cách làm một “room box”: “Với “room box” hand-made, đầu tiên, mình phải kiếm một cái khung. Đó có thể là một cái hộp cứng, hoặc có thể tự làm một cái hộp bằng cách lắp ghép các miếng fomex với nhau.
Sau đó, mình chia phòng và làm cửa, nếu đó là một bộ “room box” lớn. Có phần khung, mình bắt tay vào làm các đồ nội thất, như: Giường tủ, bàn ghế… bố trí sao cho hợp lý. Mình còn thiết kế chỗ lắp đèn. Tiếp đó là trang trí. Mình thường trang trí giường bằng cách may một bộ ga, gối thật lộng lẫy.
Trang trí bàn ăn với chiếc khăn trải bàn, những đĩa hoa quả mini làm từ cúc áo và hạt cườm hay một lọ hoa xinh xắn cắt từ ống hút. Trên ghế là một vài quyển sách hoặc một em mèo từ đất sét đang nằm cuộn mình…”.
Với mỗi thiết kế “room box”, Hiền mất 2 ngày hoàn thành. Với các “room box” lớn, nhiều chi tiết, cô bạn cần khoảng một tuần. Ý tưởng lấy từ những chuyến du lịch. Đến đâu, Hiền cũng chụp lại những kiến trúc, thiết kế lạ mắt để làm nguồn.
Khó khăn nhất khi thiết kế “room box” là các chi tiết nhỏ. Biến những chi tiết đó trở nên sống động như thật là thách thức của người làm “room box”. Ban đầu, Hiền thử dùng keo 502 để đính chi tiết lên khung hộp.
“Một lần, mình bị keo bắn vào mắt, suýt mù. Mình rất sợ. May mắn là mình không bị quá nặng. Giờ mình đã tìm được loại keo chuyên dụng cho mô hình nên không còn lo gặp phải những tai nạn tương tự”, Hiền kể.
Không phải trò trẻ con
Từ thiết kế “room box” đầu tiên, Hoàng Hiền đã tạo được sự chú ý từ cộng đồng hand-made. Đến nay, cô bạn đã thiết kế hàng trăm mẫu. Những mẫu “room box” của Hiền đều được hoàn thành lúc nửa đêm.
Do yêu cầu tập trung cao độ nên cô bạn chỉ làm khi mọi người đã ngủ. Nhiều bạn của Hiền còn không tin những mẫu ấy do chính Hiền thiết kế. “Khi mang “room box” cho ông bà nội xem, mình bị mắng vì lớn rồi còn lấy tiền mua đồ chơi. Mình phải giải thích rất lâu, ông bà mới tin đó là nghệ thuật!”, cô bạn kể.
“Room box” thể hiện cá tính, khiếu thẩm mỹ và sự khéo léo của người thiết kế, từ sắp xếp các chi tiết sao lôgíc đến việc “bày binh bố trận” hài hòa tổng thể.
Ở nước ngoài, người ta có những cửa hàng chuyên về “room box”, nơi một bộ “room box” có thể được bán với giá cả ngàn đôla. Ở Việt Nam, “room box” còn mới mẻ nên việc kinh doanh mặt hàng này khá khó khăn.
Với “room box”, Hoàng Hiền xem là “niềm đam mê dữ dội nhất từ trước tới giờ” nên cô bạn quyết tâm theo đuổi. Hiền chia sẻ: “Mình có thể ngồi cả ngày chỉ để làm sản phẩm. Mọi người sẽ thấy, ở Việt Nam, nghệ nhân “roombox” cũng có thể sống tốt bằng nghề này.
Mình không ngừng tìm kiếm, học hỏi những kiểu kiến trúc đẹp hay những mô hình của các bạn nước ngoài để nâng cao tay nghề. Mình không ngại đem sản phẩm đi khắp các hội chợ lớn nhỏ để giới thiệu cho mọi người biết và yêu nghệ thuật “room box” đầy thú vị”.
Theo Thuận Tùng
Sinh viên Việt Nam