“Xấu xí” nhân danh nói thật
(Dân trí) - Không ai có thể phản bác được sự thật nhưng không phải lúc nào sự thật cũng đúng khi mà nó được cố tình “khơi” ra để hạ bệ người khác. Và thực tế, những người “khơi” sự thật kiều này trở nên xấu xí hơn cả những người nói dối.
Nói thật kiểu “bóc mẽ”
Linh, cô bạn cùng lớp đã “cạch” mặt Thảo. Chả là hai người cùng đi thực tập ở một công ty truyền thông. Thảo thủ thỉ với Linh chuyện về chị giám đốc điều hành như: “Tớ thấy chị ấy chỉ có nhan sắc. Nói chuyện với các anh thì... như mật ấy!”. Linh cũng hưởng ứng: “Tớ cũng thấy thế, chuyên môn chẳng thế nào, được cái “liếc mắt” là tài”.
Rõ là câu chuyện chỉ giữa hai người. Thế mà vài hôm sau, trong một lần đi ăn trưa cùng cả phòng, mọi người nhắc đến chị giám đốc thì Thảo chỉ thẳng vào Linh, “bồi” ngay: “Đây này, hôm trước Linh nói chị ấy được cái liếc đàn ông là giỏi”. Tất cả mọi người đều nhìn chằm vào Linh, Linh đơ người, chỉ mong có một lỗ để chui xuống đất.
Linh tức giận: “Thế mà sau đấy cậu ấy vẫn tỉnh bơ: “Tớ chỉ nói sự thật thôi mà, có thêm bớt gì đâu”. Mình thật không ngờ có người chơi xấu bạn bè đến thế. Thà cậu ấy nói với mọi người sau lưng chứ như thế khác nào bôi tro trát trấu vào mặt mình. Cũng tại mình ngây ngô quá”.
Ngọc, cô bạn cùng phòng trọ với Thảo cũng ấm ức kể: “Có dạo trong phòng mình mất đồ đạc liên tục. Hôm mình mất điện thoại, mình nói với Thảo là có nghi ngờ một người. Ai ngờ chiều hôm đó, cô ta bô bô giữa phòng: “Huyền lấy điện thoại của Ngọc phải không, Ngọc nói với tớ thế!”. Ngọc và cô bạn “nghi phạm” tên Huyền đều chết lặng vừa xấu hổ, vừa ngại... Sau lần đó, Ngọc đã phải chuyển đi chỗ trọ khác. Còn Thảo dù chỉ công bố sự thật như lời cô biện mình thì bạn bè vẫn tránh cô.
Không nói dối nhưng không ít người thường lợi dụng sự thật để hạ nhục người khác. Họ bao biện mình không thích“nói xấu sau lưng”. “Nhiều người mắc bệnh nói thật kiểu này lắm. Họ thừa biết rằng như thế còn độc ác hơn là đâm sau lưng. Nhưng cái gì gây ra cho người khác cũng phải trả giá vì chẳng ai muốn dây với loại người này” - Ngọc bày tỏ.
Thật quá hóa vô duyên
Không biết có mục đích “hạ bệ” người khác hay không nhưng cũng có những người nói đúng sự thật mà người nghe không đỡ nổi.
Nói đến đó, Lan im bặt vì biết mình lỡ lời. Xuân bật khóc tức tưởi rồi ngay chiều đó, cô đưa bố ra bến xe... Mọi người trong phòng đồng loạt lên tiếng trách Lan vô duyên quá thể. “Bố bạn ấy già, quê mùa thì có làm sao. Mọi người cũng thấy, cớ gì phải “toạc” ra như thế”. Một cô bạn tròng phòng bày tỏ.
Có thể liệt kê ra hàng loạt kiểu nói thật nhưng lại hóa vô duyên của người trẻ. Người đối diện mặc một chiếc áo không đẹp mắt thì bốp chát ngay là “Cậu mặc gì cũng xấu”. Ai làm hỏng việc gì đó thì: “Đúng là đồ vô tích sự, chẳng làm gì ra hồn”... Hoặc lôi các vấn đề nhạy cảm, tế nhị trong gia đình người khác ra như là một “trò đùa”. Chưa bàn đến hậu quả họ gây ra cho người khác từ sự thật của mình nhưng chính những người này mới là kẻ vô duyên, xấu tính.
Mạnh, ĐH Xây dựng kể về cậu bạn trong lớp: “Về nhà một người bạn trong lớp chơi, hôm sau cậu ta bê tất cả các thông tin nói với mọi người nào là nhà cậu ấy nghèo lắm, mẹ đi bán bành mỳ, bố thì say mèn suốt ngày... Cứ cho là cậu ta nói thật, nhưng người bạn kia đã muốn tránh thì khơi ra làm gì. Nếu không biết nói một lời an ủi, động viên thì tốt hơn hết là im lặng”.
Đừng nhân danh sự thật để “hạ bệ” người khác vì như thế chính bạn sẽ trở thành một người xấu xí vì không phải sự thật lúc nào cũng được xem là đúng. Những lời nói dối ý nghĩa mang đến niềm vui mà không gây tổn hại đến ai hơn nhiều lần khi thốt lên những sự thật không nhất thiết phải nói ra.
Hoài Nam