“Xanh” giữa trùng khơi

Người sinh tồn được trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã khó, trồng cây phủ xanh đảo còn muôn vàn khó hơn. Thậm chí, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Nhưng, từng mầm xanh vẫn ngày qua ngày rẽ cát san hô bật lên với sức sống mãnh liệt. Cây như người lính, nơi đây vẫn hiên ngang, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

“Xanh” giữa trùng khơi
Chiến sĩ đảo An Bang chăm bẵm cành bàng vuông mới chiết, chậu và đất đều được đem từ đất liền ra. Ảnh: Lê Hữu Việt

 

“Ruồi vàng, bọ chó, gió An Bang”

 

Chúng tôi lên tàu HQ-561 rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Với những người lần đầu ra Trường Sa sợ nhất say sóng. Cái say khó lòng diễn tả, say sóng Trường Sa mới thấy say tàu xe vẫn chưa thấm vào đâu.

 

Trước hôm lên tàu, chỉ huy Vùng 4 Hải quân dặn kỹ anh em mới lần đầu ra đảo, tư trang cần nhất là túi nilon, bánh mỳ và đường. Thậm chí, lấy dây buộc chặt bụng để dạ dày không lắc sẽ đỡ say phần nào. Có người đi trước còn khuyên nên uống rượu thật say trước khi lên tàu, dù sao, say rượu vẫn sướng hơn say sóng.

 

Tàu kéo hồi còi dài rồi nhổ neo, dần xa những cánh tay chào, nhiều người lính quay mặt, vội giấu giọt nước mắt chợt rơi. Người trên cầu cảng cứ mờ dần, đất liền mờ xa phía chân trời ửng đỏ. Con tàu trọng tải hàng nghìn tấn chỉ như lá tre lướt sóng giữa biển khơi nghìn trùng.

 

Dù đã uống thuốc, dán thêm miếng chống say, chúng tôi - những người lần đầu đi đảo vẫn say như thường. Mỗi khi tàu chồm lên ngọn sóng rồi dốc xuống là nôn, mà sóng biển cứ con sau rượt con sóng trước liên hồi. Ngày đầu, chúng tôi nằm bẹp một chỗ. Khi dần quen hơn với sóng, anh em chuyển từ nôn liên tục, sang nôn định kỳ ngày 3-4 lần.

 

Giờ Trường Sa đã không còn xa, chỉ với 24 giờ tàu chạy đã tới đảo Đá Lát - đầu gần đất liền nhất của quần đảo Trường Sa. Dấu hiệu đầu tiên nhận biết đảo là sóng điện thoại (vài năm nay các điểm đảo đều phủ sóng Viettel). Trước khi ra đảo, tôi mường tượng các đảo sẽ là những đỉnh núi nhô cao giữa mặt biển, xanh mướt rừng cây nhiệt đới như trong các bộ phim Hollywood. Nhưng, không phải vậy.

 

Đá Lát là đảo chìm, thoắt ẩn thoắt hiện, với bãi san hô chỉ lộ khỏi mặt biển 2-3 giờ đồng hồ khi triều xuống, còn phần lớn thời gian nằm sâu dưới mặt nước 2-3 mét. Điểm đảo chỉ có tòa nhà kiên cố bằng căn nhà 3-4 tầng ở thành phố. Cách đó vài trăm mét là ngọn hải đăng không khác mấy cột sóng truyền hình địa phương. Trên chiếc xuồng truyền tải được một xuồng máy kéo vào đảo.

 

Khi xuồng vào bãi san hô, nước trong xanh nhìn rõ đáy, từng đàn cá nhỏ lao vút qua khi bị đánh động. Chúng tôi có 3 giờ đồng hồ trên đảo để trao quà và tác nghiệp. Khoảng thời gian quý giá giúp người tạm hồi sức, để trở lại tàu và tiếp tục say.

 

Sau Đá Lát là Trường Sa lớn, Đá Tây, rồi Thuyền Chài. Trong các đảo chìm ở Trường Sa đảo Thuyền Chài là dài nhất, khi điểm B cách điểm C tới hơn 15 hải lý (gần 30 km).

 

Điểm xa nhất của hành trình là đảo An Bang - đảo nổi gần xích đạo nhất của Việt Nam. Cũng vì vị trí nằm gần xích đạo, nên thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt. Vào mùa gió Bắc, sóng mạnh đưa nước biển trùm toàn đảo, mọi đồ vật, lá cây lúc nào cũng phủ lớp muối mỏng. Sóng gió An Bang mạnh và xoáy. Vì sóng to, gió lớn, thuyền cập An Bang là khó nhất trong tuyến đảo Trường Sa.

 

Không ít chuyến tàu từ đất liền ra neo cách đảo vài trăm mét cả tuần đợi sóng lặng mới lên được. Thậm chí văn công trên tàu hát cho lính đảo nghe qua bộ đàm. An Bang có cấu tạo khá lạ, đảo như cây nấm mọc giữa biển khơi, phía trên nở ra, còn trụ nhỏ lại, phía dưới là các dòng hải lưu chảy xiết. Bãi cát rộng vài trăm mét vuông thường “chạy” quanh đảo theo chiều kim đồng hồ tùy vào mùa gió.

 

“Xanh” giữa trùng khơi
An Bang là đảo có sóng to, gió lớn quanh năm, nên việc đưa hàng và người lên đảo luôn là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất trong tuyến đảo Trường Sa

 

Con xuồng đưa chúng tôi từ tàu vào đảo đúng ngày gió Bắc mạnh, từng con sóng cao 5-6 mét, sóng đánh vào mạn làm xuồng chao đảo. Tôi chợt nhớ câu hát “Sóng Trường Sa dập dồn như giông bão/Muối trùm lên mặn cả chỗ nằm”, trong bài thơ của đại tá Đoàn Vũ Vinh. Có lẽ câu thơ được ông viết khi cập bến An Bang. Khi còn cách đảo khoảng 6-7 mét, xuồng máy kéo phía trước tung dây để 2 chiến sĩ bơi từ đảo ra kéo vào.

 

Phải mất 2 lần tung dây chiến sĩ đảo mới túm được. Nhưng như thế đã là may mắn, chiếc xuồng trước đó đã phải mất tới 5 lần tung dây. Sau mấy lần đầu bắt hụt dây, xuồng máy phải vòng quay ra để tránh sóng, sau đó vòng lại và tiếp tục tung dây. Những lúc đó, anh em trên xuồng im bặt, toàn bộ tập trung giữ chặt mạn xuồng. Hai chiến sĩ có nhiệm vụ bơi ra bắt dây xuồng được đào tạo riêng, bơi và lặn giỏi, có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Vì vậy, trong báo cáo công tác hằng năm chỉ An Bang có chiến công kéo xuồng đưa người và hàng lên đảo.

 

Trồng cây trên “lò vôi”

 

Theo lời các chiến sĩ, đảo An Bang giờ đã khác xưa nhiều lắm, đặc biệt là màu xanh cây lá. Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, nguyên Chỉ huy trưởng đảo An Bang kể, đảo trước đây được ví là “lò vôi”, bởi lớp cát san hô trên đảo trắng đục như vôi, được đốt nóng bằng nhiệt độ có khi tới 40 độ C vào mùa khô (từ tháng 2 tới tháng 5 hằng năm). Nói đoạn thiếu tá Nam chợt buông câu hát: “Nắng Trường Sa đốt cháy thịt da/Đốt lá phong ba, lá bàng thành màu hoa gạo”, hai câu trong bài Giữa trùng khơi sóng. Chỉ hai câu hát đủ diễn tả cái nắng Trường Sa. Với thời tiết đó, người sống trên đảo đã là kỳ tích nói gì tới cây.

 

Thời kỳ đầu khi Hải quân ta đặt chân lên đảo chỉ có 1 cây dừa độc nhất trơ gan cùng sóng gió. Tới nay, cây dừa cũng chỉ cao khoảng 4 mét, lá nửa xanh nửa khô đen vì nước mặn. Cây thứ 2 sống trên đảo là bàng vuông. “Khoảng 25 năm trước, một hạt bàng vuông khô dạt vào đảo, anh em nhặt về ươm, hơn 2 tháng sau hạt nảy mầm. Đầu tiên cây trồng trong chậu, mỗi khi gió đổi mùa lại phải bê cây chạy quanh đảo để tránh nước mặn, sau đó mới trồng cây ra đất”, thiếu tá Nam nhớ lại.

 

“Xanh” giữa trùng khơi
Mùa gió mạnh, nước biển trùm khắp đảo An Bang, khiến cây trên đảo trụi lá. Cây cũng không thể cao vì gió mạnh

 

Từ cây bàng vuông đầu tiên đó, các chiến sĩ chiết, ươm hạt và trồng dần. Để cây sống được, các chiến sĩ phải trồng trong chậu đất được đem từ đất liền ra, khi cây lớn, khỏe mạnh mới trồng ra đảo. “Một trong những nhiệm vụ của chiến sĩ ở đây là phủ xanh đảo. Mỗi người lính ra làm nhiệm vụ phải trồng và chăm một cây. Hàng trăm cây đã được trồng, nhưng tới nay trên đảo chỉ có khoảng 90 cây còn sống sót, trong đó nhiều nhất vẫn là bàng vuông”, thiếu tá Nam nói. Cây xanh không chỉ là lớp bảo vệ, che chắn cho đảo, còn giúp “lò vôi thế kỷ” dịu mát hơn.

 

Chiều mỗi ngày, thiếu úy Hoàng Xuân Tuấn lại xách xô nước tưới cho những gốc bàng, phong ba đã được chiết và trồng trong chậu. Khu vườn ươm được đặt ngay dưới tán cây bàng vuông cổ thụ nhất đảo. Thiếu úy Tuấn giải thích, mùa này gió Bắc thổi mạnh, tạt nước biển trùm khắp đảo nên phải để dưới bóng cây để tránh nước biển. “Cây non nếu chỉ ngấm ít nước muối là chết ngay, nên anh em chiến sĩ trên đảo phải lựa gió, căn sóng, bê cây tránh”, thiếu úy Tuấn giải thích. Thoáng chút mơ màng, anh tâm sự, mỗi khi ngắm hoa bàng vuông cảm giác cứ lâng lâng. Hằng ngày thấy cây lớn lên, rồi ra hoa, kết trái thấy công sức của anh em được đền đáp.

 

Đặc biệt, góc phía Tây đảo An Bang có một lớp phân chim sâu dưới mặt đảo khoảng 50cm, đào lấy lớp đất đó trộn với đất đem từ đất liền ra trồng cây rất tốt. Cũng nhờ lớp phân chim trên đảo, nên rau trên đảo An Bang là tốt và nhiều nhất khu quần đảo Trường Sa. Hết mùa gió Bắc rau trên đảo ăn thoải mái.

 

Không chỉ An Bang, các đảo khác ở Trường Sa đều xem phủ xanh đảo là một nhiệm vụ hàng đầu. Trên đảo Trường Sa lớn, nhờ thổ nhưỡng, cây phát triển tốt hơn, với đủ loại, như bàng, bàng vuông, phong ba, tra… “Ngoài trồng và chăm sóc cây, mỗi chiến sĩ khi nhặt được vỏ chai, lon nước dạt vào đảo đều đem về cắt thành cốc đựng nước ngọt và treo lên cây để cho chim uống. Có nước uống hy vọng chim sẽ ở lại với đảo”, thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa nói.
 

Trồng cây trên đảo cũng phải theo từng lớp, gần biển là lớp cây phong ba vì chịu mặn tốt, lớp sau mới tới bàng, bàng vuông, tra… “Ở Trường Sa có món đặc sản lá tra non quấn thịt ba chỉ, nếu ai có cơ hội ra nơi đây không nên bỏ qua”, nói rồi thiếu tá Hòa ra cây tra gần đó bứt lá non đưa chúng tôi ăn thử. Lá tra non có màu phớt tím, to tròn, ăn bùi bùi như lá lộc vừng, xen lẫn vị chát và hơi mặn của muối biển. “Người bụng yếu ăn thịt mỡ với lá tra thì khỏi lo”, thượng tá Hòa giới thiệu về công dụng của món ăn đặc biệt này.

 

Giờ các đảo ở Trường Sa đã được đầu tư nhiều, xen lẫn hệ thống đèn điện, pin mặt trời, tuabin gió là những tán lá xanh che kín đảo.

 

Rời đảo, câu kết trong bài Giữa trùng khơi sóng cứ mãi ngân lên: “Ra đảo về khỏi cần hẹn lần sau/Bởi Trường Sa đã gần lắm lắm/Các anh giữ gìn lá cờ đỏ thắm/Là hồn thiêng dân tộc ở Trường Sa”.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong