"Xả rác là... tạo nghiệp": Khẩu hiệu gây tranh cãi

(Dân trí) - Tết năm nay, chiến dịch tuyên truyền "Xả rác là tạo nghiệp" được lan truyền mạnh trên mạng xã hội hội. Đặc biệt, khẩu hiệu "Xả rác đêm giao thừa là tạo nghiệp" được nhiều người hưởng ứng nhưng cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.

Tuyên truyền theo khẩu hiệu "Xả rác là tạo nghiệp"được nhiều nghệ sĩ và hàng ngàn bạn trẻ thông qua trang cá nhân, các diễn đàn để lan tuyền, trở thành một chiến dịch hết sức mạnh mẽ chống lại việc xả rác bừa bãi. Nhiều người thêm câu khẩu hệu vào ảnh bìa, ảnh đại diện... thể hiện sự ủng hộ của mình cùng mong muốn nhiều người sẽ hưởng ứng chiến dịch.

"Xả rác là... tạo nghiệp": Khẩu hiệu gây tranh cãi - 1

Theo các bạn trẻ, chiến dịch nhằm kêu gọi tính tự giác của cộng đồng giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng, nhất là sau khi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa, vui chơi những ngày Tết đừng tự ý bỏ lung tung bao nilon, ly nhựa, hộp đựng thức ăn... ra đường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chung mà sẽ làm cho đội ngũ lao công thêm vất vả. Nhiều người xả rác, nhiều công nhân vệ sinh môi trường phải tăng ca, làm việc xuyên đêm... không có thời gian nghỉ ngơi và thời gian cho gia đình, con cái.

"Một chút ý thức của mỗi người là có thể giữ gìn vệ sinh chung, giúp tất cả mọi người đều có thể đón Tết và ý nghĩa Vì thế, mình lồng khẩu hiệu "Xả rác là tạo nghiệp" lên ảnh bìa hy vọng sẽ truyền được thông điệp đến với nhiều người để cùng nâng cao ý thức", Chi Linh, sinh viên năm hai Trường ĐH KHXH&NV, TPHCM chia sẻ.

Nhiều nghệ sĩ trẻ, lồng khẩu hiệu này vào ảnh bìa và kêu gọi hưởng ứng, đã có hàng ngàn lượt người bấm like và chia sẻ liên tục.

Theo nghị định 155/2016 của Chính phủ, từ ngày 1/2/2017, vứt rác bừa bãi có thể bị phạt từ 3.000.000 đến 7.000.000 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh hưởng ứng, ủng hộ thì cũng có những ý kiến chưa thật hài lòng với khẩu hiệu "Xả rác là tạo nghiệp" đang được chia sẻ mạnh mẽ.

Một bạn trẻ ở TPHCM giải thích, nghe "tạo nghiệp" có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực tế, nếu mỗi cá nhân cứ vô tư xả rác, rác tràn ngập thì chẳng những làm khổ các cô chú lao công mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của cả toàn nhân loại. Vì thế, khẩu hiệu này sẽ phần nào đánh vào ý thức để mọi người sống văn minh, nói không với hành vi xả rác.

Bạn Đinh Thái An bày tỏ, việc xả rác đã được tuyên truyền, nhắc nhở rất nhiều từ trong trường học, qua các tổ chức, cá nhân... Nhưng hình như tình trạng xả rác bừa bãi, nhất là các dịp lễ chưa bao giờ thấy có những tín hiệu tích cực. Thế nên, theo An, cần những câu khẩu hiệu tuyên truyền mạnh mẽ hơn để "đánh thẳng" và ý thức và có thêm một chút gì đó vào cả tâm linh, nỗi sợ hãi của mỗi người để mọi người nghiêm túc với hành vi của mình hơn.

Ủng hộ việc tuyên truyền, kêu gọi ý thức mọi người không xả rác, sống văn minh hơn nhưng anh Khắc Thi, một người công tác trong lĩnh vực truyền thông bày tỏ quan điểm, anh thấy hơi "rùng mình" khi thấy nhiều bạn trẻ để avatar có dòng chữ "Xả rác đêm giao thừa là tạo nghiệp" trên trang cá nhân.

Bản thân anh đồng tình tạo nên một phong trào để phê phán, từ đó nâng cao ý thức và góp phần góp phần thay đổi một thói quen xấu như xả rác là cần thiết. Nhưng dùng từ "tạo nghiệp" để tuyên truyền về ý thức anh thấy không thỏa đáng.

"Nó nặng nề và âm tính, kiểu như đang nguyền rủa. Dùng một khái niệm âm tính và tiêu cực để kêu gọi mọi người hướng đến điều tích cực tôi thấy không ổn", anh Thi nói.

Khẩu hiệu Xả rác là tạo nghiệp đang được lan truyền mạnh mẽ và tạo ra những ý kiến trái chiều
Khẩu hiệu "Xả rác là tạo nghiệp" đang được lan truyền mạnh mẽ và tạo ra những ý kiến trái chiều

Chị Trần Ngọc Diệu cho biết, ban đầu theo bạn bè chị cũng lồng ghép khẩu hiệu này vào ảnh bìa, nghĩa đơn giản đây là một hoạt động cần ủng hộ với mong muốn lan truyền đến mọi người. Sau đó, chị nhận thấy để tuyên truyền, kêu gọi mọi người nhận ra hành vi chưa đúng, hướng đến lối sống văn mình hơn lại như đang rủa ráy, như đang mong họ gặp những điều xui xẻo, không may mắn... thì hơi quá, nhất là vào dịp năm mới, nói như vậy với nhau quả thật không hay. Khi đó, chưa biết ai mới là người tạo nghiệp.

Ngoài ý thức của người lớn, theo chị Diệu, cũng cần nhớ nhiều bé nhỏ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, hành vi... Các bé có thể có hành vi chưa đúng, có bé sẽ xả rác rất cần được giáo dục ý thức, uốn nắn từ từ. Đây là cả một quá trình dài không phải ngày một ngày hai. Nếu như cứ dùng "tạo nghiệp' ở đây thì... quá tàn nhẫn.

Theo chị Diệu, việc tuyên truyền luôn cần một quá trình và cộng hưởng rất nhiều yếu tố. Ý thức của mọi người là quan trọng nhất, bên cạnh đó còn đòi hỏi công tác quản lý cũng cần tích cực như có có đủ thùng rác cho người dân, hạn chế sử dụng túi nilon, ống nhựa... trong kinh doanh. Việc miệt thị, nguyền rủa bất cứ ai trong việc truyên truyền ý thức đều không cần thiết, có thể gây phản cảm. Thế nên, chị đã sớm gỡ câu khẩu hiệu đó khỏi trang cá nhân của mình.

Lê Đăng Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm