Vừa sợ vừa muốn “chữ X thứ ba”, nữ sinh phải làm sao?

(Dân trí) - Tâm sự thật lòng của nữ sinh gửi tới bác sĩ tâm lý Lương Cần Liêm được ông trả lời dựa trên góc nhìn khoa học.

Trong buổi giao lưu với sinh viên mang tên "Tình yêu, tình dục dưới góc nhìn tâm lý, tâm thần" vừa qua do báo SVVN phối hợp tổ chức, bác sĩ tâm lý Lương Cần Liêm đã trả lời những thắc mắc thầm kín của bạn trẻ trong vấn đề nhạy cảm này.

 

Rất đông sinh viên đã đến dự buổi giao lưu và gửi câu hỏi được gửi tới bác sĩ theo dạng trực tiếp hoặc viết ra giấy, giấu tên. Hầu hết các câu hỏi tập trung vào những vấn đề khó nói trong chuyện tình dục giới trẻ và một số khúc mắc "oái oăm" trong tình yêu.
 
Bác sĩ tâm lý Lương Cần Liêm trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên
Bác sĩ tâm lý Lương Cần Liêm trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên

 

Bạn Hoàng Nam hỏi: "Cháu có thói quen khi ở một mình thường hay thủ dâm, xem phim XXX. Sau đó cháu cảm thấy rất ân hận, tự hứa với mình sẽ không làm thế nữa nhưng lại tái phạm, tới nay đã hai tháng rồi. Cháu phải làm sao thưa bác sĩ?".

 

Bác sĩ Lương Cần Liêm trả lời: "Hành vi thủ dâm là hành vi tương đối bình thường trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Nói là tương đối bình thường vì nó chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định, thể hiện nhu cầu sinh lý tự nhiên của nam giới. Tới khi có gia đình thì hành vi này sẽ mất đi, tuy vậy ở thời điểm hiện tại cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

 

Bạn Mai Lan đặt câu hỏi thú vị: "Khi người yêu muốn làm chuyện ấy, mình vừa sợ vừa muốn thì cháu phải làm sao? Sau đó, nỗi sợ hãi thường chiến thắng nhưng người yêu giận thì giải quyết như thế nào?"

 

Bác sĩ trả lời: "Nếu như xem bạn trai - bạn gái như là thứ để thoả mãn nhu cầu của mình thì không khác gì dụng cụ tình dục. Cần xác định rõ người đó yêu ta hay yêu dụng cụ làm thoả mãn nhu cầu.

 

Vì văn hoá phương Đông, người phụ nữ có tư tưởng phải phục vụ, chiều lòng người đàn ông, cho nên khi không làm vừa lòng người đàn ông thì vướng phải mặc cảm có lỗi.

 

Các bạn gái cần phải loại bỏ đi mặc cảm tội lỗi vì không đáp ứng nhu cầu tình dục của người yêu. Vì tình dục phải là tự nguyện của cả hai người. Nó không phải là đổi chác".
 
SV Hà Nội chăm chú theo dõi chia sẻ của bác sĩ

SV Hà Nội chăm chú theo dõi chia sẻ của bác sĩ

 

Bạn Phạm Kim Chung, SV CĐ Y tế Hà Nội hỏi: "Khi là người trưởng thành (đi làm) liệu có thể yêu thực sự được không vì cuộc sống có quá nhiều vấn đề ta phải tính toán?".

 

Trả lời: "Tình yêu có nhiều giai đoạn, lứa tuổi. Khi hai người tay trắng yêu nhau thì giống như là hai người cùng nhau mua một chiếc ô tô rồi cùng chạy xe, đi đến nơi hạnh phúc.

 

Khi đã có điều kiện vật chất mà yêu nhau thì giống như mỗi người đi một chiếc xe riêng của mình. Khi anh này chạy 100km thì cô kia cũng phải chạy 100km. Hai chiếc xe khác nhau sẽ có chất lượng và tốc độ khác nhau, việc hoà hợp khó hơn.

 

Theo tôi, hai người yêu nhau nên đi cùng trên một chiếc xe sẽ đi được xa hơn".

 

Bạn Hân Ngọc, SV ĐH Kinh doanh công nghệ thắc mắc: "Nếu hai người yêu nhau thực sự thì nên chia sẻ tình phí như thế nào để hai người thoải mái?".

 

"Đời sống đưa đến những suy nghĩ về vật chất quá nhiều nên tình yêu bị thương mại hoá. Nhưng tình yêu là trao đổi tình cảm trước khi nghĩ tới trao đổi tiền tệ.

 

Về việc chia sẻ tình phí, bạn nên nghĩ như thế này. Dù là trai hay gái, cần biết yêu là cho đi. Nếu sợ mất trước, sợ thiệt nên tính toán khi yêu thì biết tính đến bao giờ cho hết. Cứ nghĩ làm sao để sòng phẳng hoặc mình thiệt ít hơn, lời lãi một chút thì khó yêu.

 

Yêu là phải cho trước, nhận sau. Khi nhận trước mới cho là ích kỉ, đề cao tự ái của mình", bác sĩ Lương Cần Liêm đánh giá.

 

Mai Châm

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm