Vụ "rocker Anh Khoa bị tố quấy rối tình dục" vào nội dung hùng biện của sinh viên

(Dân trí) - Khảo sát của Plan International Việt Nam năm 2013 cho thấy 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt, 45% người trả lời khảo sát không làm gì cả khi thấy sự việc ở nơi công cộng. Đó cũng là chủ đề của cuộc thi hùng biện “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” diễn ra tại ĐH Giao thông vận tải.

Cuộc thi hùng biện với chủ đề “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội, Vụ bình đẳng giới – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đang thực hiện tại Hà Nội từ năm 2014 và ở cấp quốc gia năm 2017.

Tham gia cuộc thi là ba đội chơi đến từ ba trường: Đại học Giao thông vận tải, Học viện ngân hàng và Đại học Ngoại thương. Mỗi đội có 5 thành viên và phải trải qua ba vòng thi để tìm ra quán quân của chương trình.

Ba đội chơi tham gia cuộc thi.
Ba đội chơi tham gia cuộc thi.

“Cứ 4 trẻ gái thì có 1 em bị xâm hại tình dục”

Sau phần thi giới thiệu, ba đội đã thể hiện mình là những màu sắc vô cùng riêng biệt, hứa hẹn những phần hùng biện tranh tài gay cấn. Bước vào vòng Hùng biện, các đội lần lượt đưa ra những con số biết nói như ở Việt Nam, có đến gần 7.000 vụ bạo hành mỗi năm, trong đó 80% là các bé gái, trung bình cứ 4 trẻ gái lại có 1 em từng bị xâm hại, 31% trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt, 67% phụ nữ và em gái không phản ứng gì khi bị quấy rối tình dục,...

Gần đây, dư luận vẫn chưa hết xôn xao về về vụ án bé Nhật Linh bị xâm hại tình dục và vứt xác bên bờ sông tại Nhật Bản, thầy giáo dâm ô nhiều học sinh tại trường Tiểu học An Thượng A, vụ án Nguyễn Khắc Thủy ấu dâm hay lùm xùm Rocker Phạm Anh Khoa bị tố quấy rối tình dục,... Đó chẳng phải điều mới mẻ gì khi chúng ta dù không muốn cũng vẫn thấy với những thông tin về "ấu dâm" trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ, nữ sinh bị quấy rối ở nơi công cộng.

Theo đội Đại học Ngoại thương: “Hậu quả của những sự việc không chỉ là đau đớn về thể xác mà là cả tổn thương tinh thần – nỗi đau khó lòng bù đắp nổi, nó đã gieo rắc cho các em sự sợ hãi, ám ảnh suốt đời. Còn gì đau đớn hơn khi thấy chính con em mình mỗi đêm trong cơn mơ vẫn thốt lên trong nước mắt “Xin mẹ hãy cứu con”, “Xin đừng chạm vào con?”

Đội thi đến từ Học viện Ngân hàng lại cho rằng: “Điều đáng sợ nhất đó là thủ phạm hầu hết là nam giới và có quan hệ họ hàng hoặc quen biết với nạn nhân từ trước, chỉ một số ít là người lạ. Xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại về thể chất, tinh thần, sự thờ ơ không quan tâm, không ngăn chặn những hành vi ấy cũng tồi tệ chẳng khác gì hành động kia”.


Đội Học viện Ngân hàng.

Đội Học viện Ngân hàng.

Trong khi đó, đội thi trường ĐH Giao thông vận tải lại có cách truyền tải thông điệp vô cùng sinh động bằng một tiểu phẩm hài hước: “Hãy lên tiếng để bảo vệ mọi người, cũng là cách bảo vệ chính mình”. Đa số mọi người đều im lặng khi bị quấy rối bởi tâm lý lo sợ bị đánh giá nên hầu như không phản ứng gì.

“Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, đó chỉ là câu nói dùng để bao biện, dung túng cho hành vi quấy rối tình dục của những kẻ xấu. Vì lẽ ấy, nhiều người đàn ông tự cho mình quyền nghiễm nhiên trêu ghẹo, quấy rối phụ nữ mà không sợ bị lên án. Hãy tự bảo vệ chính cơ thể của mình và những người xung quanh nhằm xây dựng một môi trường đô thị tươi đẹp hơn”, đội ĐH Giao thông vận tải truyền thông điệp.

“Hãy lên tiếng, đừng im lặng”

Nói về nguyên nhân của vấn nạn này, cả ba đội chơi đều đưa ra quan điểm khá tương đồng khi chia thành các nhóm nguyên nhân:

Thứ nhất, gia đình đã không cho các em đầy đủ tình cảm, chuẩn bị tâm lý vững vàng cũng như là chỗ dựa tinh thần an toàn nhất.

Thứ hai, nhà trường không trang bị kiến thức về giáo dục giới tính, những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh.

Thứ ba, chính bản thân nạn nhân yếu thế, dễ tổn thương, không có khả năng tự bảo vệ, e ngại, sợ hãi trước những lời đe dọa.

Cuối cùng là cộng đồng, những người luôn im lặng trước hành động của kẻ xấu – một sự tiếp tay vô hình cho chúng. Sự im lặng của cộng đồng, sự im lặng của chính nạn nhân và gia đình họ đã để lại hậu quả khôn lường.

“Xâm hại tình dục để lại vết sẹo tâm lý các trẻ em gái phải chịu đựng. Điều đáng sợ nhất là gia đình, xã hội chỉ biết khi trẻ em gái mang thai hay tự tử bất thành. Nhiều em có khả năng vô sinh, nhiễm trùng nặng bộ phận sinh dục và tâm lý thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, đại diện đội thi Học viện Ngân hàng bày tỏ quan điểm.

“Hãy lên tiếng, đừng lặng im”, đó là thông điệp của Đại học Giao thông vận tải mang tới cuộc thi. Bởi sự im lặng của người tốt còn đáng sợ hơn hành động của kẻ xấu.

Vậy làm thế nào để xây dựng được một môi trường an toàn cho các em gái? Mỗi đội đã đưa ra những giải pháp của mình. Nếu đội ĐH Ngoại thương cho rằng nhà trường cần trang bị nhiều hơn kiến thức về giới tính cũng như đưa các bộ môn tự vệ vào chương trình giảng dạy, lắp đặt hệ thống theo dõi thì đội Học viện Ngân hàng lại đưa ra sáng kiến xuất bản những bộ truyện tranh, bộ phim liên quan đến việc bảo vệ trẻ em gái, xây dựng một kênh kín nhưng chính thống để gia đình các em có thể được tư vấn về pháp luật và một kênh để họ tâm sự, giãi bày và giải tỏa những vấn đề tâm lý.

Và quan trọng nhất vẫn là sự lên tiếng của cả cộng đồng. Như vụ việc của Rocker Phạm Anh Khoa, khi nữ vũ công lên tiếng, cả cộng đồng cùng lên tiếng đã tạo ra sức ép khiến Phạm Anh Khoa không thể im lặng mà phải cúi đầu xin lỗi.

Vụ bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo về tội Dâm ô trẻ em tại phiên phúc thẩm ngày 11/5, đã có rất nhiều phản ứng trong dư luận.

Cuối cùng, TAND Cấp cao tại TP. HCM phải ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô, đồng thời yêu cầu TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác đối với chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện.

Hai vụ việc trên cho thấy, tiếng nói của cộng đồng có thể tại ra sức mạnh, thứ vũ khí chống lại kẻ xấu. Vậy nên đừng im lặng, im lặng lúc này không phải là vàng nữa, mà là sự thỏa hiệp với cái ác.

“Để thành phố an toàn cho trẻ em gái không chỉ là mơ”

Bước vào vòng thi cuối – vòng thi Tình huống, ba đội chơi lần lượt xem những video tình huống do ban tổ chức cung cấp và bày tỏ quan điểm cũng như trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo và khán giả tại hội trường.

Đại học Ngoại thương với câu chuyện đề bài “Mảnh trời của Mây” đã chia sẻ về vấn đề bảo vệ những trẻ em gái không may mắn khiếm khuyết về trí tuệ. Theo đội này, chúng ta cần tạo điều kiện cho những người khuyết tật một môi trường an toàn để họ sống và làm việc như những người bình thường.

Đội Học viện Ngân hàng lại vô cùng sắc sảo khi phân tích video tình huống “Chuyến xe buýt cuối cùng” và đưa ra những giải pháp thông minh để các bạn nữ có thể bảo vệ mình trong các tình huống nguy cấp. Đặc biệt, đội còn đưa ra được sáng kiến lắp chuông báo động tại các điểm dừng xe buýt và được Ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi.

Cuối cùng là đội Đại học Giao thông vận tải với video đề bài “Một cái chạm nhẹ”. Đội khẳng định rằng những hành vi như trong video chính là sự xâm hại tình dục. Dẫn chứng cho quan điểm này là vụ việc Rocker Phạm Anh Khoa phát ngôn: “Trong showbiz, vỗ mông nhau là cách chào hỏi” và nhận được vô vàn chỉ trích và phản ứng tiêu cực cả từ dư luận lẫn giới nghệ sĩ.

“Tôi hy vọng rằng, tất cả những thông điệp mà các bạn mang tới cuộc thi ngày hôm nay sẽ được làn tỏa rộng rãi để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thủ đô Hà Nội thật đáng sống, để thành phố an toàn cho trẻ em gái không chỉ là mơ”, bà Lê Quỳnh Lan – đại diện Plan International Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ.

Đại học Giao thông vận tải xuất sắc giành ngôi Quán quân.
Đại học Giao thông vận tải xuất sắc giành ngôi Quán quân.

Sau những màn hùng biện đỉnh cao, ngôi vị Quán quân của cuộc thi hùng biện “Thành phố an toàn với em gái” đã gọi tên Đại học Giao thông vận tải với giải thưởng 5.000.000 đồng cùng giấy chứng nhận.

Các danh hiệu tiếp theo lần lượt là Học viện Ngân hàng và Đại học Ngoại thương với giải thưởng 3.000.000 đồng và 2.000.000 đồng cùng giấy chứng nhận.

Khánh Như