Võ Thị Trân Châu - Cô gái phá cách

Trẻ tuổi, say nghề, bền bỉ, kiên nhẫn, táo bạo, phá cách… có lẽ hơi quá khi nói về Trân Châu - một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài của ĐH Mỹ thuật như thế.

Nhưng tính cách ấy đã được chứng minh cụ thể qua những thể hiện của nghệ sĩ trẻ này trong lĩnh vực nghệ thuật ở mảng đương đại ngay từ khi chưa rời ghế giảng đường.

 

Ngã rẽ từ ngành học sơn mài để trở thành một nghệ sĩ sắp đặt nghệ thuật đương đại có lẽ là một sự phá cách, một bước chuyển trong lĩnh vực nghệ thuật được Trân Châu chia sẻ.

 

Theo học chuyên ngành sơn mài vốn thường được quan niệm nặng về chất liệu và cách thể hiện mang tính truyền thống, điều gì khiến bạn chuyển hướng sang mỹ thuật đương đại?

 

Đương đại là một thế giới cuốn hút tôi để tìm tòi những cái mới, việc chuyển hướng sang mỹ thuật đương đại thực chất vẫn là một sự bổ trợ. Tuy những tác phẩm đương đại mà tôi thể hiện chưa có mối liên hệ với chất liệu sơn mài nhưng trong từng tác phẩm ấy vẫn ẩn chứa nét truyền thống, không xa lắm với sơn mài, chẳng hạn là việc chọn lựa những chất liệu lấy từ tự nhiên để thể hiện thành các tác phẩm nghệ thuật. Tôi vẫn đang trong quá trình đi tìm và khám phá những cái mới, nhưng tôi nghĩ trong tương lai, các tác phẩm đương đại của tôi sẽ có lúc là sự gặp nhau giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại.
 
Võ Thị Trân Châu - Cô gái phá cách
(Ảnh: Hải Đông)

 

Võ Thị Trân Châu - Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM chuyên ngành sơn mài (2011). Các triển lãm nghệ thuật đương đại đã tham gia: - Bolero (2010) - Chị tôi (2010) - Từ đất sinh ra (2011)

Tham gia vào lĩnh vực đương đại khá sớm, vậy yếu tố truyền thống mà bạn đề cập được thể hiện một cách cụ thể thông qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại như thế nào?

 

Tôi học sơn mài truyền thống, các chất liệu dùng trong sơn mài hầu hết đều lấy từ tự nhiên, trong các tác phẩm sắp đặt đương đại của tôi cũng vậy, tôi không thích những gì thuộc về công nghiệp như nhựa, kim loại… có thể do tôi là phụ nữ, nên tôi thấy thân phận mình gần gũi hơn với tự nhiên so với những khô cứng của chất liệu công nghiệp. Hầu hết các tác phẩm đương đại tôi thể hiện đều nổi bật bản chất nữ tính, người xem dễ thấy ở đó sự cần cù, tỉ mỉ, một tố chất thường thấy ở người phụ nữ Việt Nam.

 

Sự tỉ mỉ và nữ tính có phải là thế mạnh của bạn trong con đường nghệ thuật đương đại?

 

Tôi đi vào lĩnh vực nghệ thuật đương đại dựa trên những nền tảng cơ bản của ngành học sơn mài. Khi cho ra đời một tác phẩm, có nhiều cách để thuyết phục và làm hài lòng khán giả, có người chú trọng vào ý tưởng, có người chú trọng vào sắp đặt và thuyết phục người xem theo ý mình. Tôi không lấy tỉ mỉ, cầu kỳ trong tác phẩm để cuốn hút người xem, mà với tôi, một tác phẩm khi ra đời phải được đầu tư kỹ, cái kỹ ấy bao gồm sự tỉ mỉ, công phu, hết mình với tác phẩm, tốn rất nhiều thời gian thực hiện, và với tôi đó là một cách tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng người xem.

 

Có trong tay ba cuộc triển lãm đương đại ở những đề tài khác nhau, kinh nghiệm tích luỹ từ các cuộc triển lãm ấy đem lại cho bạn những gì trong lĩnh vực nghệ thuật?

 

Tôi đam mê khám phá chất liệu, cuộc triển lãm đầu tiên tôi sử dụng chất liệu là các tờ giấy báo, đến triển lãm thứ hai tác phẩm là một dòng thác cao hơn 3m được kết thành từ các sợi chỉ cotton lần lượt nhúng qua sáp để tạo hình, đến tác phẩm thứ ba là một cuộc tập hợp hơn 100 loại chất liệu gồm các loại hạt tự nhiên, các vị thuốc bắc… dùng chất kết dính đóng thành một khuôn bằng nhau, phải mất ba tháng trời ròng rã để thực hiện việc này, và càng làm tôi đam mê hơn bởi đã học được rất nhiều từ các chất liệu tự nhiên ấy. Ví dụ có những loại hạt khó dính keo, có loại hạt như hướng dương dính keo tốt nhưng lại dễ bị ăn mọt… mỗi ngày trực tiếp chạm tay vào chất liệu, tìm hiểu cách xử lý, tựa như một hành trình khám phá thế giới gần gũi quanh mình. Điều này thực sự bổ ích giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý và thể hiện chất liệu mới ở các tác phẩm về sau.
 
Võ Thị Trân Châu - Cô gái phá cách

 

Tác phẩm sắp đặt trong triển lãm “Từ đất sinh ra” của bạn là một sự tung hứng phong phú của chất liệu, bạn gửi gắm điều gì trong tác phẩm ấy?

 

Tác phẩm này được hình thành từ các chất liệu chủ yếu là các loại đậu, hạt và thuốc bắc đổ cùng một khuôn như gạch, giống như mọi người thường tự đóng mình vào những chuẩn mực, định kiến có sẵn. Tổng số hơn 400 viên gạch này nói lên sự phong phú và đa dạng của xã hội. Các viên gạch này xếp thành hình tròn như cái giếng, một hình ảnh gần gũi với người phụ nữ Việt Nam, giếng tròn như chiếc vòng luẩn quẩn, khó tìm được hướng giải thoát.

 

Các tác phẩm đương đại mà bạn thể hiện tốn khá nhiều thời gian, công sức để thực hiện, điểm gì khiến bạn hài lòng nhất với các tác phẩm của mình?

 

Mỗi khi hoàn thiện một tác phẩm, tôi hay nghĩ rằng nếu làm lại tôi sẽ làm tốt hơn nữa. Còn điểm khích lệ duy nhất mà tôi dành cho mình đó là tôi đã làm hết sức, và đó cũng là điều khiến tôi hài lòng nhất khi nhìn lại các tác phẩm đương đại mà tôi thể hiện.
 
Theo Nguyễn Đình
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm