Vì sao thanh niên nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng?

Trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS phát hiện được ở Việt Nam, thanh niên từ 20 đến 29 tuổi chiếm tới 62%. Nhiều chàng trai nhiễm HIV vẫn “vô tư” cưới vợ, có con. Đến khi phát bệnh, đi xét nghiệm mới đau đớn nhận ra cả nhà cùng nhiễm virus quái ác này...

Vì sao thanh niên nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng? Câu hỏi ấy luôn day dứt những người có trách nhiệm và các bậc phụ huynh mỗi khi đọc được thông tin về tình trạng HIV/AIDS mỗi ngày, mỗi tháng và mỗi năm lại tăng lên một nhiều hơn.

Từ năm 2000 lại đây, trung bình mỗi năm cả nước có thêm 10.000 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, và con số chưa phát hiện, chưa được quản lý gấp nhiều lần con số đó. Cần giải quyết thế nào đây để giảm thiểu tốc độ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng lại là cả một vấn đề cần phải bàn.

Trong Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ đã xác định: “Việc làm, phòng chống HIV/AIDS và ma túy là những vấn đề mà thanh niên phải đối mặt”. Trong những năm qua, rất nhiều chương trình, dự án phòng chống căn bệnh này đã triển khai đến tất cả các địa phương trong cả nước - thanh niên cũng có riêng những dự án, chiến dịch truyền thông về HIV/AIDS.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thanh niên ở các vùng sâu vùng xa, thậm chí cả các tỉnh thành phố chưa từng nghe nói về HIV/AIDS! Họăc những kiến thức về HIV/AIDS của họ rất mơ hồ...

Theo tài liệu điều tra về Vị thành niên và thanh niên do Bộ Y tế, Tổng cục thống kê, UNICEF và WHO công bố gần đây, thanh thiếu niên Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thử thách nhằm thích ứng với môi trường kinh tế xã hội đang ngày một biến chuyển. Trong đó đặc biệt họ phải đối mặt với công ăn việc làm, rất nhiều người phải chấp nhận việc làm không phù hợp, lương thấp dù cho đã học xong ĐH hoặc CĐ.

Thậm chí có cả những người đã từng có bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về cũng không có việc làm phù hợp. Thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên ở những địa bàn được giải tỏa để làm khu công nghiệp, trình độ học vấn thấp, không có tay nghề nên không được tiếp nhận vào làm công nhân nên không có công ăn việc làm, phải chạy lên thành phố kiếm bất kỳ công việc nào để có thu nhập đủ trang trải cuộc sống hàng ngày...

Bên cạnh đó, lại có không ít thanh niên học sinh, sinh viên, gia đình có kinh tế khá giả, không chịu học tập, lao động, ăn chơi sa đà, đi bụi đi hoang... Số này là là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn phát triển, dễ dàng bị lôi kéo vào với ma túy, mại dâm và đây chính là con đường ngắn nhất để họ bị đại dịch HIV/AIDS cuốn hút. Trong số người nhiễm HIV/AIDS có gần 70% là từ ma túy.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng số người nhiễm từ ma túy cao hơn các tỉnh thành phố khác. Số người này lây truyền bệnh cho nhau nhanh nhất vì họ dùng chung bơm kim tiêm! Tại các trại giam ở tỉnh Quảng Ninh, số phạm nhân nhiễm HIV/AIDS bằng con đường ma túy là chủ yếu. Trong tù họ vẫn tiếp tục chuyền nhau bơm kim tiêm và để rồi cùng nhau chung cảnh ngộ bị “con ết” dày vò cho đến chết!

Một nguyên nhân khác, quan hệ gia đình thời kinh tế thị trường phát triển đã trở nên lỏng lẻo, sự quan tâm của mỗi người trong gia đình nhỏ không còn bền chặt như trước đây. Quy mô gia đình thu nhỏ, chủ yếu sống hai thế hệ - giữa hai thế hệ không có tiếng nói chung.

Cha mẹ coi trọng quyền tự do của mình. Con cái cũng muốn được làm chủ cuộc đời của mình. Thế là giữa họ không có sự ràng buộc, gắn bó về tình cảm và trách nhiệm, có chăng chỉ là trách nhiệm của cha mẹ phai cung cấp tiền để cho con sống.

Tại Trung tâm giáo dục lao động số 2 của Hà Nội, nơi tập trung cải tạo lao động đối với gái mại dâm hoặc nghiện ma túy, trong số 850 học viên thì 30% đã nhiễm HIV/AIDS, 100% học viên mắc các bệnh xã hội. Nguyên nhân dẫn các em sa ngã chủ yếu do gia đình tan vỡ, cha mẹ ly hôn, bất hòa trong gia đình.

20 trong số 850 học viên của trung tâm dưới 17 tuổi vậy mà các em đã có thâm niên 2 năm làm gái mại dâm. Và điều đáng buồn nhất là 70% số học viên tại trung tâm không có người thân thăm nuôi - số này cho biết họ đã bị gia đình chối bỏ! Chính vì vậy, không ít người sau khi được trở về nhà đã tình nguyện xin ở lại trung tâm sống và làm việc. Còn lại 90% số đã được trở về lại đi theo con đường cũ để rồi một thời gian ngắn sau lại trở lại ...

Hiện nay, đã có không ít thanh niên trong các cơ quan nhiễm HIV/AIDS. Hầu như số này đều đã có ít nhiều hiểu biết về HIV/AIDS, nhưng không kiềm chế được mình khi sa vào các “ổ nhện” là các quán bar, caphê đèn mờ, karaoke ôm, bia ôm và đã có quan hệ tình dục với tiếp viên nhà hàng, bị lây truyền bệnh lúc nào không rõ! Đã có những chàng trai nhiễm HIV cưới vợ, có con, khi phát bệnh, cả gia đình đi xét nghiệm mới đau đớn nhận ra cả nhà nhiễm HIV. Người chồng đã uống thuốc tự vẫn, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ nhiễm HIV không nơi nương tựa...

Để giảm thiểu việc lây truyền HIV/AIDS trong lứa tuổi thanh niên và vị thành niên cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa gia đình và xã hội. Việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của mỗi gia đình và từng thanh niên và vị thành niên với đại dịch HIV/AIDS là hết sức cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên liên tục và đến với tất cả người dân từ thành phố đến nông thôn, vùng xa, vùng sâu.

Theo Ngọc Bích
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm