Vì sao ta không đành lòng từ bỏ người bạn xem ta như nơi xả giận?

Lê Nga

(Dân trí) - Khi rơi vào một tình bạn "độc hại", có những người chọn dừng lại, có những người vẫn cố gắng giữ mối quan hệ.

Là người nhún nhường để giữ tình bạn

Bạn Cẩm Tú (21 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ: "Mình nghĩ tình bạn nào cũng có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, có lúc "ríu rít" bên nhau cả ngày, có lúc lại dành cho nhau những khoảng lặng riêng. Quan điểm về tình bạn của mình là như vậy nhưng với Hà - bạn thân của mình lại khác, Hà luôn muốn hai đứa lúc nào cũng phải dành thời gian cho nhau.

Có những lúc mình muốn dành thời gian riêng cho bản thân, không muốn kết nối với bất cứ ai. Nhưng Hà lại nghĩ mình mệt mỏi với việc đi học, đi làm nên có hỏi thăm, nhưng sự quan tâm ấy với mình có hơi quá trớn.

Hà cứ gặng hỏi cho ra nhẽ, ép mình phải trả lời bằng được. Thú thật, dù tâm trạng của mình đang bình thường cũng trở nên căng thẳng khi đứng trước sự "tra khảo" đó. Mặc dù mình đã giải thích rõ là muốn dành không gian riêng cho bản thân. Nhưng Hà không tin và áp đặt cho mình là bị trầm cảm, mình vô cùng khó chịu với cách hành xử đó".

Vì sao ta không đành lòng từ bỏ người bạn xem ta như nơi xả giận? - 1
Cả hai cố gắng gìn giữ mối quan hệ vì vẫn còn tiếng nói chung (Ảnh minh họa: Freepik).

"Một điều khiến mình cân nhắc xem có nên tiếp tục tình bạn này nữa hay không là khi mình đã dành đủ thời gian cho bản thân và muốn quay lại kết nối thì Hà lại lôi chuyện cũ ra để "xâu xé" mình.

Một tính cách của Hà khiến mình vô cùng khó chịu, đó là khi cô ấy gặp phải vấn đề tiêu cực sẽ kiếm cớ để xả giận lên người khác. Dù mình không phải là người gây ra vấn đề, mình chỉ muốn hỏi thăm xem bạn ấy đang gặp phải chuyện gì nhưng cũng bị cho là vô tâm, không quan tâm đến bạn ấy.

Đó là kiểu người luôn muốn được quan tâm một cách sát sao, muốn được làm cái "rốn" của vũ trụ. Luôn nghĩ vấn đề của mình là lớn, còn vấn đề của người khác là nhỏ", Tú nói.

Chia sẻ về lý do không thoát ra khỏi mối quan hệ đó, Tú nói: "Ngoài những điểm xấu đó thì Hà có rất nhiều điểm tốt. Hơn nữa, chúng mình đã chơi với nhau từ nhỏ, mình muốn giữ gìn mối quan hệ lâu dài này.

Vậy nên mình đã đưa ra giải pháp: Khi thấy Hà có biểu hiện trên mình sẽ không nói chuyện, vì mình biết những lúc như thế không gì có thể làm Hà nguôi ngoai. Chơi với nhau lâu nên mình hiểu rằng những cảm xúc ấy của Hà chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đến ngày hôm sau khi mọi thứ qua đi, Hà sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Chúng mình vẫn cố tìm giải pháp để duy trì mối quan hệ, vì vẫn còn tiếng nói chung. Trở thành bạn bè với nhau rất khó, cái gì không quá đáng quá mình vẫn có thể chấp nhận được. Nếu phải lựa chọn thì mình vẫn chọn là người nhún nhường hơn so với đối phương, vì mình có thể làm được để giữ lại tình bạn này".

Nói chuyện thẳng thắn với nhau để xem xét nên tiếp tục hay dừng lại

Bạn Tố Nga (21 tuổi, đến từ Hà Giang) cho biết: "Điều quan trọng nhất với mình trong một mối quan hệ là sự thoải mái, nên nếu ai đó khiến mình cảm thấy "độc hại" mình sẽ tự khắc coi người đó không còn quan trọng trong cuộc sống của mình.

Nhưng với chị gái mình lại không như vậy. Mình đã đôi ba lần nghe chị than vãn về chuyện tình bạn. Nhóm chị chơi chung gồm ba cô gái, hai bạn kia có điều kiện gia đình tốt hơn chị mình. Nên khi hai bạn rủ nhau mua đồ gì đó, chị mình đã không tham gia cùng được.

Những món đồ đó thường là quần áo hàng hiệu hay mỹ phẩm đắt tiền, một chiếc áo phông tiền triệu là "quá sức" đối với chị mình. Vậy nên khi nhìn vào, mọi người chẳng ai biết là nhóm chơi ba người, vì hai cô gái kia luôn mua đồ đôi để mặc cùng nhau, chị mình luôn là người bị bỏ lại".

Vì sao ta không đành lòng từ bỏ người bạn xem ta như nơi xả giận? - 2
Cô gái phát hiện bị bạn thân nói xấu (Ảnh minh họa: Freepik).

Có lần Nga thấy chị gái chạy về nhà khóc nức nở, hỏi ra mới biết hai cô gái kia có nhắn tin riêng với nhau để "bình luận" về chị cô. "Chị mình vừa khóc vừa kể rằng, hai bạn đó nói là chị thái độ khi nhìn thấy cả hai luôn mặc đồ đôi, do chị không đủ điều kiện để mua những món đồ đó.

Sau đó ba người đã có một buổi gặp mặt nói chuyện, chị mình nói ra hết những điều bức xúc và ấm ức bấy lâu. Chung quy lại trong chuyện này chị mình cũng có cái sai, chị không nên tỏ thái độ vì vài món đồ đôi đó mà quên mất tình cảm của cả ba người vẫn rất tốt đẹp.

Chị mình nói rằng, chuyện này không đáng để từ bỏ mối quan hệ. Vì là bạn bè, không thể lúc nào cũng hòa hợp được, nhưng mọi chuyện qua rồi thì nên cho qua", Nga kể.

Từ bạn "đồng cam cộng khổ" đến khó nhìn mặt nhau

Bạn Việt Hùng (21 tuổi) chia sẻ câu chuyện: "Mình là sinh viên tỉnh lẻ nên việc tìm trọ và bạn cùng phòng vẫn luôn là vấn đề nan giải. Mình từng có những lúc không có nơi nào để đi do một số trục trặc với chủ trọ. May mắn là lúc mình khó khăn nhất, lại có người dang tay giúp đỡ mình. Mình vô cùng trân trọng người đó, nhưng cũng không ngờ được rằng, đó lại trở thành người mà mình muốn từ bỏ nhất.

Mình và bạn ấy là đồng hương, có nhiều trải nghiệm cùng nhau "đồng cam cộng khổ" tại môi trường mới nên chúng mình coi nhau như tri kỷ. Người đó đã đưa mình đến một tập thể, là cầu nối đưa mình đến ở cùng mọi người.

Khi ở chung phòng, mình phát hiện bạn ấy rất khó tính và hay bắt bẻ các bạn trong phòng nên có vẻ không được lòng mọi người. Có lần, bạn ấy quyết định rời phòng trọ, nhưng một thời gian sau lại thông báo quay về phòng trọ cũ. Khi nhận được thông tin ấy, chẳng ai muốn bạn ấy quay về, riêng mình vẫn niềm nở đón tiếp bạn.

Vì sao ta không đành lòng từ bỏ người bạn xem ta như nơi xả giận? - 3
Bạn trẻ cảm thấy buồn bã khi bị mọi người xa lánh (Ảnh minh họa: Freepik).

Sau khi bạn ấy về phòng, mình cảm thấy mọi người bắt đầu xa lánh mình. Mãi về sau mình mới biết bạn ấy đã cô lập mình bằng cách "thêu dệt" những câu chuyện không đúng về mình để kể với mọi người. Lúc biết được sự thật, mình rất buồn vì người mà mình từng yêu quý hết lòng lại quay ra đâm sau lưng mình".

Sau những lần quá ngột ngạt với nhau, Hùng và người bạn đã có một cuộc trò chuyện để giải quyết vấn đề. Giải pháp tạm thời là cả hai đều không hợp tính thì nên hạn chế việc giao tiếp, chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày. Cả hai bạn đều không quyết định dừng lại hay đi tiếp, mà chỉ đơn giản là không còn coi đối phương là tri kỷ nữa.