Vì sao ngày càng nhiều Gen Z không muốn sinh con?
(Dân trí) - Tại Singapore, nhiều người trẻ thú nhận, họ không muốn có con vì những lý do khác nhau.
Tại sao tỷ lệ sinh con tại Singapore lại thấp? Có phải vì các cặp đôi trẻ muốn tập trung vào cuộc sống của họ? Hay họ không muốn trở thành cha mẹ sau khi thấy cuộc sống khó khăn mà trẻ em hiện đại phải trải qua?
Ngày 23/8, trong một video trên YouTube được đăng bởi kênh "You Got Watch", 3 người dẫn chương trình là Joie Tan, Nicholas Yeam và Yun Qian thảo luận về chủ đề ngày càng có nhiều người trẻ Gen Y (những người sinh năm 1980-1996) và Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) không còn muốn có con.
Theo người dẫn chương trình, việc có con dường như gây ra nhiều mặt trái hơn mặt lợi. Một trong số đó là chi phí sinh hoạt, mong muốn tự do và những thiệt thòi của trẻ em khi không được chăm sóc tốt.
Không có con vì muốn được tự do
"Nếu có con, tôi sẽ không thể đi du lịch một cách thoải mái", Nicholas chia sẻ trong cuộc trò chuyện và giới thiệu thuật ngữ "DINK".
Theo Asia One, "DINK" là từ viết tắt cho "double income, no kids" - nghĩa là "gấp đôi thu nhập, không có con cái". Đây là thuật ngữ nói về các cặp đôi đang thành công trong sự nghiệp, có thu nhập tốt và lối sống thoải mái mà không cần lo lắng về con cái.
Nicholas thừa nhận, anh và vị hôn thê của mình thích cuộc sống "DINK", nhưng không hoàn toàn loại bỏ khả năng sinh đẻ. "Thật khó để nói rằng chúng tôi không bao giờ có con cái. Tuy nhiên, bạn đời của tôi sẽ là người quyết định, bởi mang thai không phải là điều dễ dàng", anh nói.
Trẻ em đang phải "vật lộn"?
Joie - giáo viên mỹ thuật - cho rằng, sức khỏe tinh thần của cô là quan trọng nhất: "Tôi thà hối hận vì không có con còn hơn là làm cha mẹ. Khi kết hôn, tôi sẽ bắt đầu làm tâm lý trị liệu bởi không muốn truyền tải bất kỳ kỷ niệm đau thương nào cho con cái của mình".
"Chấn thương thế hệ" là thuật ngữ tâm lý và tinh thần, chỉ các thói quen xấu, niềm tin hoặc trải nghiệm mà các thế hệ trước truyền cho các thế hệ tương lai và không được giải quyết theo cách lành mạnh, ví dụ như thông qua tâm lý trị liệu.
Joie suy nghĩ rằng, trẻ em đang phải "vật lộn" khi thời khóa biểu chật kín những lớp học phụ đạo.
"Thế giới hiện nay rất cạnh tranh đối với trẻ em. Xã hội của chúng ta phát triển, vì vậy hệ thống giáo dục cũng phải tiến bộ.
Ví dụ, trẻ em sử dụng máy tính để tính toán ở trường tiểu học (trong khi chúng ta thì không). Ngay cả những đứa trẻ thông minh cũng cần học thêm để theo kịp các bạn", Joie chia sẻ.
Bên cạnh đó, áp lực là một phần nguyên nhân khiến người trẻ không muốn có con. "Thế hệ chúng ta tự đặt rất nhiều áp lực lên chính mình với tư cách là cha mẹ", Nicholas chia sẻ.
Theo CNA, tổng tỷ suất sinh của người dân Singapore đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 1,05 vào năm 2022, giảm xuống dưới mức kỷ lục trước đó là 1,1 vào năm 2020 và 1,12 vào năm 2021.