Vì sao giới trẻ Hàn đổ xô đến thủ đô Seoul chật chội và đắt đỏ?
(Dân trí) - Hơn 50% dân số Hàn Quốc sống ở Seoul và các thành phố lân cận vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là quá nửa dân cư tập trung tại 11% diện tích đất của quốc gia này.
Tỷ lệ dân cư sống ở khu vực Seoul mở rộng tăng dần kể từ những năm 1970, khi ngành công nghiệp chính của Hàn Quốc chuyển từ sản xuất. Statistics Korea dự đoán, con số này sẽ tăng tới 53% vào năm 2030.
Theo Korea JoongAng Daily, nhiều người, đặc biệt là thanh niên, háo hức chuyển đến Seoul với hy vọng có công việc và cuộc sống tốt hơn. Nhưng số khác lại cho rằng, đây không phải sự lựa chọn mà là con đường duy nhất để sinh tồn.
Ít cơ hội việc làm
"Hầu hết bạn bè của tôi đến Seoul sau khi tốt nghiệp đại học", một nhân viên văn phòng 26 tuổi, chuyển từ thành phố Gongju (tỉnh Chungcheong Nam) đến Seoul từ năm 2020, cho biết.
Người này từng nghĩ kiếm việc ở quê, nhưng ngoại trừ các vị trí trong cơ quan công quyền, cô không còn lựa chọn nào khác.
"Nếu ở Gongju và các thành phố lân cận có nhiều cơ hội việc làm hơn, tôi đã không phải lặn lội lên thủ đô", cô nói.
Theo Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS), 25,4% sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Seoul chuyển đến khu vực Seoul mở rộng vào năm 2022 để kiếm việc làm.
Công việc ổn định (có thể làm việc lâu dài) là yếu tố quan trọng nhất mà giới trẻ cân nhắc khi chuyển đến thủ đô. Họ ưu tiên ứng tuyển vào vị trí có lương thưởng và phúc lợi tốt.
Hiện nay, nhiều người cũng quan tâm đến các ngành liên quan đến công nghệ, như IT và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thay vì sản xuất.
Giáo sư Kim Dong Hyun, công tác tại Đại học Quốc gia Pusan (PNU), nhận định: "Mọi người đang chuyển đến Seoul và các thành phố lân cận để tìm kiếm những công việc có tầm nhìn, có thể giúp họ học hỏi và phát triển".
Hầu hết người trẻ ở Hàn Quốc đều thích làm việc tại các tập đoàn lớn. Samsung Electronics, Kakao, Naver và Hyundai Motor là những nơi làm việc được ao ước hàng đầu. Do các công ty tư nhân lớn hầu hết đều đặt trụ sở tại Seoul, họ chỉ có thể chuyển đến đây để có việc làm như mong muốn.
Thiếu cơ sở giải trí, giáo dục chất lượng
Theo nghiên cứu do KRIHS và Hankook Research thực hiện năm 2021, khoảng 45% đối tượng khảo sát sống bên ngoài khu vực Seoul mở rộng không hài lòng với việc thiếu chỗ vui chơi, giải trí.
"Thanh niên Hàn Quốc thích những khu vực có cuộc sống hài hòa, nơi họ có thể làm việc, vui chơi và sinh sống", giáo sư Woo Myung Je (Đại học Quốc gia Seoul) cho biết.
Bên cạnh đó, khoảng cách giáo dục là vấn đề khác ngày càng sâu sắc giữa những người sống ở khu vực Seoul mở rộng và bên ngoài thủ đô.
Lee Kyeong Won - nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20 - thừa nhận có sự chênh lệch rất lớn khi học tập và luyện thi đại học ở thành phố Daegu (quê hương của cô) và Seoul.
"Ngay từ khi tôi học tiểu học, cha mẹ đã luôn nhắc nhở tôi sau này nhất định phải học đại học ở Seoul", cô nói.
Thực tế, các trường đại học top đầu đều nằm ở Seoul, bao gồm SKY (Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei) nên thế hệ trẻ càng muốn chuyển đến thành phố.
Mối lo ngại
Dân số tập trung đông ở thủ đô là hiện tượng tự nhiên trên toàn thế giới, nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này cũng gây ra nhiều vấn đề.
Giáo sư Woo Myung Je (Đại học Quốc gia Seoul) chỉ ra đó là giao thông quá tải và giá nhà tăng cao. Tại Seoul, giá khoảng 80% căn hộ chung cư tăng hơn 100% từ năm 2016 đến 2021.
Khoảng cách giá giữa các căn hộ chung cư ở Seoul và các khu vực khác tăng lên hơn 1 tỷ won (hơn 18,2 tỷ đồng) trong 3 năm qua, tăng gấp đôi so với năm 2017.
"Vấn đề thực sự nghiêm trọng là nó dẫn đến tình trạng mất dân số ở các khu vực bên ngoài Seoul, khiến những nơi này có nguy cơ biến mất trong tương lai", giáo sư Woo cảnh báo.
Bên ngoài khu vực Seoul mở rộng, hơn một triệu ngôi nhà bị bỏ trống vào năm 2022, trong đó 15% ở Jeolla Nam, 13% ở Jeju và 12% ở Gangwon.
Thư An