Vì sao càng lớn người ta càng “sợ” Tết?
(Dân trí) - Mỗi mùa Tết đến, người ta lại tự hỏi, rốt cuộc vì sao càng trưởng thành chúng ta lại càng “sợ” Tết? Có chăng bởi vì khi bước chân vào thế giới người lớn, mọi thứ không còn mang màu sắc đơn thuần như trong ký ức trẻ thơ? Hay bởi mỗi năm qua đi, thấy vết chân chim hiện lên trên khóe mắt mẹ, thấy tóc bạc pha màu mái tóc cha, chúng ta lại sợ thời gian tàn nhẫn, sợ quy luật nhân sinh nghiệt ngã cướp đi những thứ quan trọng?
Hồi còn bé dường như đứa trẻ nào cũng đều mong ngóng và háo hức mỗi bận năm hết Tết đến. Đó là khi được mẹ dắt tay đi mua quần áo mới - những bộ quần áo rực rỡ màu sắc, phẳng phiu và đẹp đẽ. Tết là quãng thời gian không phải làm bài tập, được vui chơi thoải mái và nhận lì xì trong những chiếc phong bao tươi thắm. Tết trong mắt trẻ thơ vốn dĩ đơn thuần vô ngần.
Thế nhưng, khi đã lên chuyến tàu rời bến tuổi thơ để đến với sân ga mang tên người trưởng thành, dư vị của Tết có lẽ cũng có sự thay đổi nhất định.
Chúng ta tất bật với guồng quay cuộc sống, với những toan tính mệt nhọc, để rồi chẳng biết từ bao giờ chúng ta cũng đánh rơi mất sự hồn nhiên từ ngay trong ánh mắt.
Ai cũng mong lớn thật nhanh, nhưng lớn rồi chỉ mong bé lại. Bởi thế giới của người lớn quá chật chội và vội vã.
Mỗi khi nói lời giã từ với một năm tháng cũ, tôi thường có thói quen ngoái đầu nhìn lại, để nhớ một chút rằng rốt cuộc ở đoạn đường đó tôi là ai và đã trở thành ai?
Tất nhiên, có những điều nuối tiếc, những dự định dù nhỏ nhoi thôi nhưng cũng chưa kịp thực hiện. Và thế là một năm trôi vèo đi như chớp mắt, nhanh đến nỗi có khi người ta còn chưa kịp thích nghi.
Người ta “sợ” Tết có chăng vì Tết nay đã khác Tết xưa hay bởi bản thân chúng ta đã không còn là những đứa trẻ năm nào, vô tư, hồn nhiên để cảm nhận trọn vẹn niềm vui của ngày Tết?
Với những cô dâu mới về nhà chồng, ngày Tết cũng có phút yếu lòng, tủi thân và nhớ nhà. Hay những người con xa xứ, vì cuộc sống mưu sinh mà đành lòng đón Tết xa quê. Phút giây đón năm mới ở một nơi xa rất xa vô cùng tủi thân và cô đơn. Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta rồi sẽ trải qua cảm giác chông chênh như thế.
Và đôi khi Tết cũng là lúc chúng ta có những nỗi sợ vô hình khi nhìn thấy dấu vết thời gian in hằn lên mắt mẹ, lên vai cha. Chúng ta vẫn luôn hiểu quy luật tuần hoàn của nhân sinh, nhưng chỉ cần nghĩ đến cũng đủ để sợ hãi. Chúng ta chẳng thể làm gì khác ngoài chấp nhận và trân trọng những gì đang có ở thực tại.
Dù “sợ” Tết nhưng không ai có thể phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng khi được sum vầy bên những người thân yêu. Tết là dịp chúng ta cùng nhìn nhận những gì đã làm được, những gì còn dở dang để tiếp tục hành trình phía trước. Tết cũng là khi con người ta xóa bỏ mọi lỗi lầm và hy vọng về những điều tốt đẹp.
Tết sẽ vẹn nguyên hơn khi mỗi chúng ta đón chờ với một trái tim nồng ấm và gạt bỏ hết muộn phiền để cười vui bên gia đình, trao cho nhau những câu chúc năm mới.
Và chắc chắn, khi ấy bạn sẽ không còn cảm thấy Tết “nhạt” nữa đâu…
Thi Thi