Vị đắng Sa Pa

Bỏ học đi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, tối đến tham gia những phiên chợ tình với những điệu khèn và vòng nhảy để kiếm tiền... Nhiều trẻ em trên đất du lịch Sa Pa đang bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền hơn là đến trường.

Thầy đi tìm trò

 

Thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một lòng chảo được bao bọc bởi núi non trùng điệp quanh năm mây trắng phủ bồng bềnh. Con đường lên điểm du lịch nổi tiếng này đã được tráng nhựa ngoằn ngoèo theo sườn núi.

 

Vừa đến cổng bản, đập vào mắt du khách sau tấm biển “Bản Cát Cát, làng văn hóa” là hơn chục trẻ em dân tộc Mông đứng trước cổng bản tay cầm những khăn, áo, vỏ gối, chăn, vòng bạc… chào hàng.

 

Cô bé tên Mái theo riết tôi năn nỉ bằng tiếng Kinh trọ trẹ “mua đi, mua đi, đẹp lắm mà!”. Mái năm nay 12 tuổi, đang học tiểu học nhưng “đi học không có tiền, đi bán đồ được nhiều tiền hơn”.

 

Cùng đi với Mái là cô bé nhỏ tuổi hơn tên Ải. Nhìn cô bé đen nhẻm, mái tóc vàng vì cháy nắng và người nhỏ thó, tôi không nghĩ năm nay em đã lên 10. Tiếng Kinh của Ải chỉ đủ để chào mời khách mua hàng. Em chưa đến trường buổi nào cả!

 

Lớn tuổi nhất trong nhóm đi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch là Mễ. Tiếng Kinh khá sõi, Mễ giới thiệu từng em một trong nhóm bán hàng của mình. Mái 12 tuổi, Ải 10, Sang 15... Tất cả đều chưa học qua tiểu học. Mễ đang học lớp 3 Trường tiểu học Lao Chải nhưng chỉ hôm nào nhớ được thì đến lớp, còn không thì… quên luôn!

 

Trường tiểu học xã Lao Chải lác đác vài em học sinh. Thầy giáo Dương Văn Tài và các sinh viên thực tập tiếp chúng tôi trong văn phòng trường. Thầy tâm sự: “Mùa hè hầu hết các em đi bán hàng cho khách du lịch. Vào năm học mà không đến nhà nhắc có khi các em quên luôn.Thỉnh thoảng có em lại xin phép nghỉ mấy ngày đi thu hoạch ngô và hoa hồi giúp bố mẹ. Xin phép thế là tốt lắm rồi chứ không cho các em cũng vẫn cứ nghỉ”.

 

Lê Văn Toàn, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai lên thực tập, tâm sự: “Lúc đầu lên đây cũng nản lắm. Trường thì rộng rãi nhưng học sinh phải vận động mãi mới chịu đi học. Trang thiết bị thiếu, học sinh hầu hết chưa sõi tiếng Kinh nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn”.

 

“Dưới xuôi thì học sinh tìm đến nhà thầy để học thêm. Còn ở đây thầy muốn dạy phải tìm đến nhà học sinh vận động!” - giáo sinh Ngô Đức Thành cười nhưng nét mặt buồn buồn.

 

Trở về chợ Sa Pa trong buổi chiều muộn, theo sau chúng tôi vẫn là những bé gái với trên tay là vòng bạc, vòng thổ cẩm. Bước xuống bậc tam cấp cổng chợ, thấy em bé Mông xinh xắn trong trang phục thổ cẩm, tôi định đưa máy ảnh lên chụp thì nghe tiếng nhắc: “Muốn chụp hình phải cho tiền chứ!”...

 

Rời lớp đến chợ tình

 

Đợi mãi cuối cùng cũng đến phiên chợ tình tối thứ bảy hằng tuần. Khí hậu Sa Pa vào đêm mùa nào cũng lạnh. Khoác thêm áo, chúng tôi xuống đường nhập chợ tình. Ngày xưa, chợ chỉ họp mỗi tháng một phiên. Bây giờ theo nhu cầu của khách du lịch, chợ họp mỗi tuần một phiên vào thứ bảy.

 

Không như những gì chúng tôi mong đợi, chợ tình bây giờ không còn là dịp để trai gái Mông tỏ tình với nhau nữa. Trên vỉa hè của con phố nhỏ, hơn mười cậu bé Mông tuổi từ 11-12 đang lúi húi nhảy điệu khèn trong vòng quây của khách du lịch. Những tiếng vỗ tay tán thưởng, những đồng tiền được thả vào chiếc mũ của cậu bé đi vòng quanh...

 

Cậu bé 11 tuổi tên Chinh, gương mặt nhìn sáng sủa và thông minh được nhiều người chú ý hỏi chuyện: “Rủ bạn gái mày múa một bài khèn với mày rồi tao cho tiền”... Người đàn ông trung niên dúi vào tay cậu bé người Mông tờ 50.000 đồng để cậu ra kéo một cô bé mà cậu bảo là bạn gái vào hát và múa theo tiếng khèn. Những tiếng vỗ tay hò hét vang lên huyên náo cả một góc chợ.

 

Cạnh vườn hoa thị trấn Sa Pa, năm thiếu nữ Mông tuổi chừng 12-15 đang trò chuyện rất rôm rả với khách. Thiếu nữ Mông bây giờ dùng son phấn, nhiều em mặc quần bò, váy bò xuống chợ tình. Đêm trời lạnh, sương rơi - những giọt sương mang vị đắng của tuổi thơ miền du lịch trứ danh Sa Pa.

 

Theo Phan Kiền
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm