Vẽ trên cơ thể - Nghề chơi cũng lắm công phu

(Dân trí) - 3 năm làm mẫu body art, Vũ Huyền Trang nhớ như in một lần không ăn, không uống suốt 8 tiếng đồng hồ, phiêu theo từng nét vẽ của họa sỹ Đức Phạm. Cô người mẫu trẻ kì vọng dư luận sẽ đón nhận body art với cái nhìn khách quan và toàn diện hơn.

“Bạn trẻ muốn theo đuổi body art, cần đam mê thực sự”

PV gặp Vũ Huyền Trang (SN 1989) - top 20 Elite Model Look Vietnam qua lời giới thiệu của họa sỹ Đức Phạm (SN 1977) - người đã có 15 năm theo đuổi body art (Nghệ thuật vẽ trên cơ thể người).
 
Anh Đức Phạm cho biết, Huyền Trang là mẫu ruột của mình và nếu xét theo chuẩn riêng của nghề người mẫu body art thì cô là một gương mặt tiềm năng vì cô biết diễn, tâm huyết với nghề, đặc biệt là khả năng tương tác, nắm bắt ý tưởng của nghệ sỹ.

Huyền Trang hóa thân trong tác phẩm Sơn son thếp vàng của nghệ sỹ Đức Phạm.
Huyền Trang hóa thân trong tác phẩm "Sơn son thếp vàng" của nghệ sỹ Đức Phạm. (Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú chụp). Body painting là một nhánh của body art.

Trang kể, cô đến với bộ môn nghệ thuật này khá tình cờ khi show thời trang cô tham dự cần người mẫu body art. Những nét vẽ ban đầu khiến cô ngượng ngùng và cảm thấy nhột.
 
“May mắn là tôi được làm việc với những nghệ sỹ tôn trọng người mẫu, nhẹ nhàng hỏi han chia sẻ khiến tôi thoải mái nên chỉ 30 phút sau tôi đã quen dần với cảm giác từng nét cọ lướt trên cơ thể mình”.

Ở Việt Nam, body art giờ đây đã không còn xa lạ nữa nhưng rào cản về cái nhìn chưa đầy đủ của công chúng dường như vẫn còn tồn tại.

“Bạn bè tôi, có người nhìn ảnh khen đẹp đấy nhưng có người lại nhìn bằng ánh mắt dè chừng. Họ cho rằng để đàn ông vẽ lên cơ thể nữ giới thì kì quá. Để cháy hết mình với đam mê, người mẫu phải vượt được lên cái nhìn khắc nghiệt của những người xung quanh.

Tôi hi vọng công chúng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn, chiêm ngưỡng những tác phẩm body art đích thực trước khi phán xét. Đối với những bạn trẻ muốn theo đuổi nghề mẫu body art, điều cần thiết đầu tiên là phải thực sự đam mê và dám bộc lộ bản thân mình. Nếu chỉ coi đây là trào lưu, chạy theo như mốt thì sẽ không trụ được với nghề”, Huyền Trang trải lòng.

Huyền Trang mong muốn công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về body art.
Huyền Trang mong muốn công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về body art.

Kỉ niệm nhớ nhất đối với Huyền Trang là chuyến đi Cát Bà cùng êkip của họa sỹ Đức Phạm. “Tôi còn nhớ khi đó không gian thanh tịnh, yên ắng đến mức nghe được tiếng lá, tiếng gió, và cứ thế êkip chúng tôi làm với tâm lý vô cùng thoải mái hệt như đang lạc giữa một hoang đảo”, Trang kể.

“Chúng tôi ra đảo với một đống thiết bị và nhiếp ảnh, make-up đi cùng. Khi tôi bắt đầu vẽ, phía xa xa còn có 2 ông lái đò đang nhìn lại. Mặc dù Trang nude hoàn toàn nhưng cô ấy không ngần ngại diễn. Đấy là cảm xúc, là sự phiêu linh với nghệ thuật”, họa sỹ Đức Phạm nhớ lại.

Theo Trang, ngoài sự khắt khe của dư luận, người mẫu body art phải sẵn sàng tâm lý diễn trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc thời gian làm mẫu kéo dài từ 3-8 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy việc rèn cho mình một thể lực tốt là điều cần thiết.

“Body art không đơn thuần là đưa màu vẽ lên người”

Để đến gần hơn với body art, PV theo chân anh Đức Phạm tham dự một buổi sáng tạo nghệ thuật. Trong một căn phòng khoảng chừng 15m2, hơn chục mẫu nam trẻ tuổi đứng xếp hàng chờ được họa sỹ vẽ lên người.
 
Công việc của anh Đức Phạm hôm nay là vẽ cho một chương trình thời trang sinh thái để Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới. Chính vì thế anh chọn cây tre - cũng là chất liệu đã được ứng dụng vào ngành công nghiệp thời trang làm ý tưởng chủ đạo cho bộ sưu tập.

Huyền Trang mong muốn công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về body art.
Họa sỹ Đức Phạm với những nét vẽ lấy ý tưởng từ cây tre cho đêm trình diễn thời trang Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

Rất ít khi “khoe” với công chúng các tác phẩm của mình nhưng trong giới, tên tuổi của anh được rất nhiều nghệ sỹ và người mẫu biết đến. “Không phải tôi muốn giấu nghề hay kiêu, tôi nghĩ đây là một bộ môn nghệ thuật khá kén người xem.
 
Với body art, người nghệ sỹ thường dùng tác phẩm để nói ra cái tôi của mình. Nên lựa chọn công chúng, đầy đủ điều kiện thì công chúng sẽ hiểu và cảm được”, anh chia sẻ.
 
Thuận theo tự nhiên, ngẫu hứng và không chủ định trước là chất rất riêng của người nghệ sỹ đã có 15 năm gắn bó với body art. Rất phiêu, các tác phẩm body art của Đức Phạm thường khác rất nhiều so với phác thảo ban đầu.
 
“Thật khó để diễn tả cho bạn hiểu, nhưng đúng là có khi tôi rơi vào trạng thái “hôn mê” trong sáng tạo nghệ thuật. Ngẫu hứng quá, vẽ xong đến khi mẫu của mình bước ra sân khấu mình cũng không nhận ra nữa. Chính môi trường, sự tương tác giữa họa sỹ và người mẫu biến tác phẩm trở nên bất ngờ”, vừa trò chuyện cùng tôi, họa sỹ không quên nhắc các người mẫu nam không vận động mạnh để giữ chất lượng tác phẩm.

Với body art trình diễn, họa sỹ phải tính toán nhiều hơn việc kết hợp màu sắc với ánh sáng.
Với body art trình diễn, họa sỹ phải tính toán nhiều hơn việc kết hợp màu sắc với ánh sáng.

Anh Đức Phạm nhấn mạnh, chất màu không rạn và phải co giãn được với cơ thể, tiếp xúc được với mồ hôi, không gây phản ứng da, không làm bít lỗ chân lông là nguyên liệu thích hợp sử dụng trong body art. Màu sắc này được kết hợp chính từ các loại mỹ phẩm.

Từ đề tài ban đầu, anh sẽ triển khai nhiều mẫu phác thảo trên giấy, chọn màu, mua các nguyên vật liệu. Có nhiều tác phẩm, anh tận dụng cả lá cây, giấy, xơ mướp, dùng để đính hoặc chấm lên. “Body art không đơn thuần chỉ là đưa màu lên người. Quan niệm làm nghề của tôi là kết hợp nhiều nghệ thuật trong một nghệ thuật”, anh nói.

Bộ sưu tập ngũ hành.
Bộ sưu tập ngũ hành.

Có một lần, khi thực hiện Bộ sưu tập ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, anh đã cố công tìm hiểu về múa đương đại để hướng dẫn người mẫu. Anh tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể, cách chuyển động của từng mẫu nữ, tận dụng điều đó để mẫu vận động theo cách riêng của họ.

Thước đo thành công là đánh giá của công chúng

Họa sỹ Đức Phạm cho rằng, cái hay của body art vượt ra ngoài ranh giới của bố cục chặt chẽ, sự đúng màu, đúng tông, cảm xúc đọng lại mới là điều quan trọng. Tiêu chí thành công chính là sự đón nhận của công chúng.

Về họa tiết body art, có người thích hoa lá, người thích trừu tượng, người lại thích nét vẽ chấm phá, bản thân anh thích sử dụng các họa tiết cổ.

Thông thường, cơ thể con trai có nhiều diện tích vẽ hơn nhưng nét vẽ đa phần ít hơn phụ nữ, cơ thể người phụ nữ ít diện tích vẽ hơn, nhưng nét vẽ nhiều hơn. Ở nam giới cần tôn vẻ mạnh mẽ, cường tráng, không cần thiết phải dùng họa tiết nhiều. Tùy chủ đề sẽ có những phá cách nhất định. Có những lúc vẽ kín cơ thể, có lúc chỉ dùng một tông màu.

Sự tập trung cao độ là yêu cầu quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Sự tập trung cao độ là yêu cầu quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

“Trong mỗi công việc phải đối mặt với những câu hỏi và thử thách khác nhau, phải bình tĩnh giải quyết trước khi làm. Đôi lúc khi đi sáng tác xa, một mình tôi tự chuẩn bị cho cả êkip từ đạo cụ, thức ăn, chỗ nghỉ cho đến tâm lý và các bạn ấy làm một việc là tư duy nghệ thuật. Và cứ thế chúng tôi cười với nhau và đắm chìm vào sáng tạo”, họa sỹ khẳng định.

Body art là một ngôn ngữ riêng để nghệ sỹ gửi gắm một ý tưởng, một câu chuyện, một dụng ý nghệ thuật. Body art thực hiện trong studio khác hoàn toàn với khi trình diễn. Để trình diễn, họa sỹ phải dùng màu rất mềm để tạo sự uyển chuyển và phải tính toán nhiều hơn việc kết hợp với ánh sáng. Có những hệ đèn dành riêng cho màu, có những màu phải có ánh sáng mới làm được, ví dụ như màu phát quang. Đôi lúc cơ thể có thể kết hợp với ánh sáng để tạo một màu mới, một cảm giác khác.

Phương Nhung
Ảnh NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm