Vào phòng khám tâm thần

Áp lực cuộc sống khiến cho nguy cơ mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Hiện nay, các phòng khám tâm thần ở các đô thị lớn như TP HCM rất đông bệnh nhân. Trong số đó, xuất hiện nhiều bạn trẻ hiện đang là sinh viên, với những dấu hiệu của bệnh tâm thần.

Câu chuyện gánh nặng

 

Trung tâm Giám định pháp y tâm thần ở TP HCM mỗi ngày có rất đông bạn trẻ đến chờ khám. Theo ghi nhận của phóng viên, cứ một đợt 5 số thứ tự liên tiếp được mời vào ngồi đợi, lại thấy có ít nhất 2 – 3 gương mặt trẻ.

 

Khi quan sát, những bạn trẻ này, ngoài việc ngồi đơ, nhìn về một chỗ và ít nói, thì vẻ ngoài chẳng khác gì người khỏe mạnh bình thường. Cô Thu (nữ y tá lấy phiếu tại phòng khám của Trung tâm) cho biết: “Các bệnh nhân này thuộc mức độ mới bắt đầu, đến để xác minh, nên nhìn chung vẫn còn là dạng nhẹ″.

 

Chúng tôi lân la làm quen với bác T. (Q. 9), dẫn con trai (tên A.) đến thăm khám. Anh bạn vẫn đeo thẻ sinh viên của trường ĐH Kinh tế TP HCM. Bác T. chia sẻ: “Con trai bác dạo trước rất bình thường, vui vẻ và chăm học. Nhưng mấy tháng gần đây, bác thấy con trai mình lúc nào cũng trong tình trạng bất an quá mức.

 

Tìm hiểu qua bạn bè nó, bác biết A. đang lo lắng vì nghe mọi người bảo ngành Kinh tế đang bị quá tải, học ra không kiếm được việc. Đến năm thứ tư thì con trai bác bắt đầu thức trắng nhiều đêm, hay nói chuyện một mình”.

 

Theo bác sĩ khám, anh bạn này đang giai đoạn đầu bệnh tâm thần phân liệt, có dấu hiệu hoang tưởng nên phải lấy thuốc về uống.

 
Bác sĩ đang tư vấn cho một bạn trẻ khám bệnh tâm thần.
Bác sĩ đang tư vấn cho một bạn trẻ khám bệnh tâm thần.
 

Thùy T. (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) thì được chị gái đưa đi khám bệnh. Ngồi cạnh chị gái mà cô bạn cứ khúm núm, sợ hãi và bấu lấy tay chị khi y tá gọi đến tên vào phòng gặp bác sĩ.

 

Chị gái của T. cho biết, gần đây, T. có những biểu hiện bị ám ảnh thi cử rất lạ, cô bạn sợ hãi các không gian phòng kính. Khi vào bất cứ phòng kính nào yên tĩnh, cô bạn lại liên tưởng đến không gian phòng thi và có các biểu hiện sợ sệt, hồi hộp, cơ thể run lên bần bật.

 

Tại phòng khám, còn rất nhiều những trường hợp tương tự như A. và Thuỳ T.. Nguyên nhân chủ yếu thường là quá lo lắng cho công ăn việc làm và những áp lực thi cử, bài vở.

 

Ai cũng có thể mắc bệnh

 

Trước khi vào phòng khám tâm thần, các bệnh nhân thường được làm một trắc nghiệm nhỏ để đo độ tỉnh táo. Những dấu hiệu mà chúng ta xem là bình thường nhưng lặp lại nhiều lần cũng có khi là một dạng bệnh tâm thần, chẳng hạn như ngủ nhiều, u uất, rối loạn cảm xúc, vui buồn thất thường, đái dầm ở người lớn…

 

Anh Phước, nhân viên tư vấn ở Trung tâm trực tuyến Giải đáp tâm thần (TP. HCM) chia sẻ về chứng “rối loạn tic”, hiện khá phổ biến ở các bạn trẻ, những người được sự bảo bọc quá kỹ của gia đình. Các bạn trẻ này thường có dấu hiệu nháy mắt, nháy các cơ trên mặt. Các hành vi này khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp, sợ người lạ.

 

Trong danh sách bệnh nhân mới được tư vấn có bạn M. Đ. (năm thứ nhất, trường ĐH Y Dược TP HCM). Học được một học kỳ thì bạn bỏ dở để vào viện điều trị “rối loạn tic”. Người thân của M. Đ. cho biết, từ khi học trung học đến khi thi đại học, bố mẹ của M. Đ. luôn theo sát, hạn chế không cho cô bạn giao lưu bạn bè, chỉ biết học và… học. Khi lên đại học, gặp người lạ, M. Đ. rất sợ hãi và thấy không được an toàn.

 

Đau lòng hơn, có những bạn trẻ bị tâm thần do chính bản thân tự đầu độc. BS Đức (Trung tâm Giám định pháp y tâm thần) chia sẻ: “Những thể loại phim kinh dị, phim khiêu dâm… xem nhiều có thể khiến bạn bị rối loạn hoảng sợ. Dấu hiệu là tim đập nhanh, ngộp thở.

 

Cơn hoảng sợ kịch phát làm người bệnh phải đi cấp cứu nhiều lần. Những biểu hiện này rất giống những bệnh về tim mạch nhưng khi khám tim mạch thì bình thường”.

 

BS Đức cũng cho biết, mới đây, ông khám cho cô bạn H. A. (trường ĐH Sài Gòn). Cô bạn này ngày nào cũng xem phim bạo lực. Gần đây, cô bạn luôn có cảm giác bị người lạ theo dõi, lúc nào cũng phải vào nhà tắm rửa tay nhiều lần và cơ thể thường xuyên đổ mồ hôi lạnh.

 

Theo BS Đức, bệnh tâm thần là một dạng dồn nén tâm lý, đến mức độ nhất định sẽ bùng phát. Đáng lo nhất là các trường hợp stress lâu ngày, áp lực học hành, sự kỳ vọng thái quá từ gia đình… tích tụ lại. Không ít trường hợp, thí sinh ngất xỉu, co giật và sùi bọt mép ngay trong kỳ thi. Đó là dấu hiệu của bệnh động kinh do stress.

 

Bệnh cần phải điều trị

 

Không đơn giản như nhiều loại bệnh khác, chữa trị tâm thần là một quá trình lâu dài và tốn kém. Bác K. (mẹ của một bệnh nhân 20 tuổi, từng là sinh viên, bị bệnh tâm thần hoang tưởng) cho biết: “Mỗi tuần, con bác phải uống thuốc chống hoang tưởng tốn cả trăm ngàn đồng, chưa kể hằng tháng đều phải tái khám định kỳ″. Nhiều gia đình kém hiểu biết, lại xem bệnh tâm thần của con em là do bị “ma ám”, đi chạy chữa thầy cúng tốn cả trăm triệu đồng.

 

BS Minh, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, bên cạnh những biểu hiện của chứng rối loại tâm thần, những bạn trẻ khi mắc phải những căn bệnh này sẽ có hành vi bộc phát, biểu hiện mãnh liệt, gia tăng hành vi khi bị xúc động hay kích động, rất dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như có suy nghĩ muốn tự tử.

 

Nhìn chung, các bệnh tâm thần không chỉ cần điều trị bằng thuốc mà còn cần có sự quan tâm của gia đình và cộng đồng. Các lớp trị liệu trầm cảm dành cho bạn trẻ, với các chương trình trợ giúp các bạn hòa nhập cộng đồng là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, các trung tâm sức khỏe tâm thần còn mở các lớp tập huấn, giúp gia đình có người thân mắc bệnh biết cách chăm sóc bệnh nhân.

 

Nhận ra bệnh muộn cũng là một trong các lý do khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Theo y tá Thu (Trung tâm Giám định pháp y tâm thần), có rất nhiều trường hợp khi bệnh đã nặng, người nhà mới nhận ra, vì trước đó, họ chỉ xem các biểu hiện bệnh là “cá tính” hay “hành động lập dị”.

 

Người nhà bạn K. H. (22 tuổi) thấy con trai hay thì thầm một mình thì chỉ cười đùa, không để ý. Đến khi bạn bè của K. H. kể lại những cư xử bất thường của K. H. như hay đi lang thang nhặt lá sân trường, dễ mất bình tĩnh, cào cấu bạn bè, thì gia đình mới hoảng hốt, tức tốc đưa con đi khám.

 

Trường hợp của M. A. (18 tuổi, đang học ở một trường đại học thuộc tỉnh Đồng Nai) thường xuyên bị đau đầu nhưng gia đình không đưa đi khám mà tự mua thuốc cho con uống, đến khi bệnh chuyển nặng sang động kinh phải nhập viện, gia đình mới biết con mình mắc tâm thần từ lâu.

 

Dấu hiệu bệnh tâm thần ban đầu:

 

- Bệnh tâm thần phân liệt: Nghe thấy tiếng nói trong đầu, hoang tưởng.

 

- Bệnh trầm cảm: Buồn rầu, chán chường, u uất…

 

- Rối loạn cảm xúc: Vui buồn thất thường.

 

- Bệnh động kinh: Ngất xỉu, co giật, sùi bọt mép…

 

- Đau đầu: Đau đầu liên tục và không kiểm soát được hành động lúc đau.

 

- Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều trong nhiều ngày liên tục.

 

- Rối loạn hoảng sợ: Tim đập nhanh, ngộp thở, cơn hoảng sợ kịch phát làm người bệnh phải đi cấp cứu nhiều lần.

 

- Đái dầm ở người lớn. 

 

Theo Mỹ Linh – Hà Chi

Sinh viên Việt Nam