Văn trẻ - 2006: Phía trước và hy vọng

Trong văn chương trẻ và già nhiều khi khó rạch ròi phân biệt là bởi có người cầm bút ở tuổi đôi mươi mà cảm xúc đã chóng cạn và xơ cứng như đứa trẻ không có tuổi thơ.

Trái lại có người đã vào tuổi thất thập mà vẫn luôn giữ được con mắt xanh và trái tim chưa nguội lạnh để lắng nghe nhịp đời thao thiết chảy.

Nhà văn Nguyễn Khải đã hóm hỉnh viết “Chúng tôi là gừng già cả đấy, gừng già đâu đã là thứ bỏ” (Chuyện nghề). Nhà văn Đoàn Tuấn trong bài Nhà văn Sơn Nam lần đầu ra Hà Nội (Văn nghệ trẻ số 20 năm 1998) kể lại một chi tiết đáng nhớ và xúc động:

“Từ trên máy bay nhìn xuống thấy dòng sông Hồng uốn lượn như dải lụa đỏ giữa mênh mông cánh đồng đỏ, ruộng như bàn cờ, ông Sơn Nam đã khóc.

Những giọt nước mắt quý hiếm của một ông già ngoài bảy mươi lần đầu tiên được ra Bắc, được tận thấy dòng sông Cái – dòng sông Mẹ, cội nguồn của nền văn minh lúa nước, khiến hậu sinh cũng phải xúc động theo. Những giọt nước mắt của ông khiến tôi tâm niệm một điều: Nhà văn có thể bị mất rất nhiều thứ nhưng không bao giờ được mất cảm xúc của mình”.

Nhiều năm do công việc của mình tôi đã dành nhiều tình cảm để viết về văn trẻ – những người viết văn độ tuổi dưới bốn mươi, đã là hoặc chưa là hội viên Hội Nhà văn việt Nam.

Họ là đội hậu bị hùng hậu, là những đợt sóng mới tạo nên những cao trào văn chương trong tương lai gần và xa. Văn trẻ sẽ tạo nên tính liên tục phát triển văn chương theo quy luật “tre già măng mọc”.

Trước hết tôi muốn nói về lực lượng viết văn xuôi trẻ hiện nay – là bởi nhìn rộng ra trong toàn bộ đời sống văn chương thì văn xuôi có nhiều thành tựu hơn so với thơ, kịch, phê bình và dịch thuật.

Phải nói ngay rằng trong lĩnh vực văn xuôi các cây bút nữ đang chiếm lĩnh văn đàn – đó là Đỗ Thị Thu Hiên, Phong Điệp, Nguyễn Thị Minh Hoa, Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Mỹ Nữ, Kha Thị Thường, Dương Nữ Khánh Thương, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Ngọc Tư.

Đặc biệt là trường hợp Nguyễn Thị Châu Giang (sinh 1975) đã in hơn 10 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký. Lại qua một khóa học viết văn ngắn ngày ở Hoa Kỳ, cây bút này đã đến độ chín tỏ rõ nội lực và tự tin vào mình - Khi viết chị luôn tự do “những cái cảm giác được tự do bay bổng trong thế giới của mình đã theo tôi suốt một thời gian dài.

Bây giờ ở đây, khi mọi thứ đã hiện ra trước mắt, con người vẫn ngồi đếm từng ngày chờ đến năm hai ngàn,  tự nhiên mà tôi thấy như nuối tiếc một điều gì đó” (Cảm xúc mùa thu).

Viết tự do, vắt kiệt mình khi viết, chỉ nhằm thể hiện cho hết cảm xúc mãnh liệt, không câu nệ vào hình thức như là những niêm luật sáng tác – đó chính là nét chung của các cây bút nữ trẻ viết văn xuôi.

Phái nam có Lưu Sơn Minh (sinh 1975) bỏ nghề thuốc viết văn. Người đọc biết đến cây bút kỹ lưỡng này từ độ anh đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội cách đây đã hơn mười năm với Bến trần gian.

Lâu nay anh dùi mài đèn sách viết truyện lịch sử như một thứ lao động khổ ải. Nhưng anh tin vào “đứa con tinh thần” của mình sẽ khỏe mạnh.

Gần đây xuất hiện một lớp cây bút trẻ mặc áo lính như Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phan Đình Minh, Nguyễn Hồng Thái... Đỗ Tiến Thụy đang là học viên Đại học Văn hóa (Khoa Lý luận – Phê bình – Sáng tác; khóa VII).

Tập truyện ngắn đầu tay Gió đồng se sắt của anh được đón chào nồng nhiệt vì người đọc kỳ vọng. Phan Đình Minh (sĩ quan công an) có tập truyện ngắn Ra phố với lối viết dí dỏm và hoạt.

Nguyễn Hồng Thái có tập truyện ngắn Đối mặt và tiểu thuyết Đất nóng (Vừa qua Nguyễn Hồng Thái nhận giải thưởng của Bộ Công an với tập Đối mặt).

Nguyễn Thế Hùng chưa có tập truyện in riêng nhưng trên các báo, tạp chí tên anh đã trở nên khá quen thuộc với độc giả. Phùng Văn Khai (công tác ở Truyền hình Quân đội) đã cho in liền hai tập truyện ngắn Đêm trăng thiêngHương đất nung.

Đặc điểm chung của các cây bút trẻ viết văn xuôi trong lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an) là sự trong sáng, điềm tĩnh và có trách nhiệm trước người đọc.

Họ ít tung tẩy, phá cách như là Nguyễn Vĩnh Tiến hay Nguyễn Một (một cây bút đang nổi lên ở phía Nam với tập truyện ngắn in 2004 có tiếng vang: Như là cổ tích).

Tôi muốn nói đến Nguyễn Thế Hoàng Linh như một hiện tượng văn học đáng chú ý. Năm 2005 anh cho ra mắt tiểu thuyết Chuyện của thiên tài (tác phẩm được Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2005).

Tiểu thuyết của Nguyễn  Thế Hoàng Linh khá mới mẻ về kỹ thuật (trong đó pha trộn thơ – ký – triết học). Có vẻ như là những mảnh vỡ ghép lại kỳ công do bàn tay của một thợ chữ bậc cao, nhưng hóa ra là chặt chẽ và có cốt lõi – đó là tư tưởng về đời sống hiện đại và lớp trẻ “đời sống là một trò chơi và con người là một chủ thể hiện sinh trong trò chơi đó”.

Ý kiến khen chê tác phẩm này dĩ nhiên là rất ngược chiều nhau. Nhưng nếu cần cổ vũ cho sự tìm tòi nghệ thuật (kể cả những thể nghiệm táo bạo mà bất thành) thì tôi thuộc số người cổ vũ cho Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Lĩnh vực phê bình, tình hình có vẻ không lạc quan. Vấn đề chính là ở chỗ sáng tác trẻ không có  người phê bình của thế hệ mình. Là bởi sau khi in sách (Từ cõi ảo) và vào Hội Nhà văn, Chu Thị Thơm đã tự coi mình là không trẻ nữa.

Nguyễn Thanh Sơn sau khi viết Phê bình của tôi được coi là chủ lực quân của phê bình trẻ hiện nay. Nhưng anh còn lo toan bao nhiêu việc ở một công sở làm ăn lớn, giờ viết chỉ là “viết chơi”.

Hoàng Xuân Tuyền ở Văn nghệ trẻ thì nghề báo làm anh túi bụi công việc. Anh xuất hiện khá đều nhưng nghiêng về “luận chiến” hơn phê bình. Mà phê bình thì phải chuyên tâm, chuyên nghiệp.

“Các cụ như Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Ngô Thảo, Nguyễn Văn Lưu... giờ có tuổi và còn lo nhiều việc đại sự cuộc sống của họ. Thành thử trận địa phê bình cơ bản là thiếu vắng những cây bút tâm huyết và có nghề.

Nói như câu ca “Đành lòng vậy/Cầm lòng vậy” nếu trên các trang báo, tạp phí văn học thiếu vắng phê bình văn chương.

Năm mới mà lôi chuyện cũ ra nói là không vui nhưng biết làm sao được, đôi khi chúng vẫn cứ phải “ngoảnh lại” để biết rõ chúng ta là ai và đang ở đâu. Làm thế cũng là cách để rút kinh nghiệm tiến tới với một quyết tâm và hy vọng: Văn chương và văn trẻ sẽ gây men niềm hy vọng của độc giả.

Theo Bùi Việt Thắng
Văn hóa