Vai nhỏ chống đỡ cả gia đình

Trong 350 bạn nhận học bổng “Vươn lên” dịp này, nhiều bạn chưa một lần nhìn thấy mẹ cha, nhiều bạn vành khăn tang còn trên đầu, trên ngực. Đang ở độ tuổi vui chơi, học hành, những gương mặt trẻ ấy đã thật sự trở thành trụ cột chống đỡ cả gia đình...

Cha mẹ đã ra đi

 

Gặp Nguyễn Minh Chương (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) khi Chương đang loay hoay nấu chè cúng mẹ nhân mùa lễ Vu lan. Sáu tháng trước, mẹ Chương, một cựu nữ TNXP, đã vĩnh viễn ra đi vì chứng ung thư, để lại ba con trẻ côi cút. Mẹ mất, dượng bệnh nặng phải về quê, căn nhà trở nên lạnh lẽo quá. Phải lo cho cuộc sống của ba con người, ước mơ đại học của người bạn trẻ này càng xa vời hơn...

 

Ở ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh), chúng tôi cũng gặp Trần Văn Nguyên vừa đi bán vé số về. Đầu trần, chân đất và hằn lên những vết chai vì đi bộ. Hàng xóm gọi nhà Nguyên là “nghèo đặc biệt”.

 

Cha mất lúc Nguyên lên 8, để lại mẹ và cô em gái mắc hội chứng Down lúc khóc lúc cười. Ngay trí nhớ của chính người bạn trẻ này cũng lúc nhớ lúc quên. Có những đêm mưa lớn, ba mẹ con vừa chống dột vừa khóc trong cái chòi lá có thể sập bất cứ lúc nào. Nơi Nguyên ở thuộc vùng kháng chiến cũ với di chứng chất độc da cam nặng nề.

 

Ngay TPHCM không phải chỉ toàn phồn hoa. Ngôi nhà cũ kỹ của Nguyễn Đức Hiếu (HS lớp 6 Trường THCS Đoàn Thị Điểm) nằm trong con hẻm sâu ở quận 3, TPHCM diện tích 12m2 quá nhỏ đối với bốn con người. Hiếu vừa đi học về, người nhỏ thó so với tuổi 13 của em.

 

Người anh trai của Hiếu bị nhiễm chất độc da cam, lỗ rò thực quản có vấn đề nên mỗi lần ăn uống là trào ngược ra. Người cha - một cựu trung đội phó đặc công miền, chính trị viên phó đại đội trinh sát trung đoàn 205 - đã mất cách đây sáu năm vì tai biến mạch máu não.

 

Chống đỡ cả ước mơ

 

Vai nhỏ chống đỡ cả gia đình - 1

Nguyễn Văn Lý thay mẹ chăm sóc em gái.

“Hồi đó, mẹ bảo mai mốt học thú y về làm chung với mẹ rồi mẹ truyền nghề, nhưng bây giờ thì...” - Nguyễn Minh Chương kể. Mười hai năm miệt mài đèn sách, giữa lúc bạn bè hăm hở “lều chõng” thì cậu học trò tội nghiệp phải dang nắng đạp xe lang thang đi tìm việc. Thấy một quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng (Phan Thiết, Bình Thuận) treo bảng tuyển người, Chương bậm môi bước vào.

 

Mấy ngày đầu, Chương dù xớ ra xớ rớ nhưng kịp nghĩ “phải ráng, miếng ăn cho cả ba anh em”. “Lương 600.000 đồng/tháng, cộng với tiền trợ cấp 100.000 đồng/tháng của cơ quan mẹ (Trạm thú y TP Phan Thiết), rồi chú Hiệp (trưởng trạm), cô giáo Hoa Phượng (Trường THPT Phan Bội Châu), cô Hương hàng xóm, người vài chục ngàn đồng, người ký gạo...

 

Với người bạn trai mới học lớp 8 Trường THCS Tân Xuân (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) Nguyễn Văn Lý cũng thế. Em của Lý chào đời với thân hình dị dạng của di chứng chất độc da cam. Ba của Lý bỏ đi biệt tăm, người mẹ làm thuê ở lò giết mổ gia súc.

 

Từ năm học lớp 5, Lý đã biết chăm lo cho người em bất hạnh. Hầu như đêm nào em cũng khóc, Lý bồng dỗ em đi vòng vòng khắp nhà. Mùa thi, đêm Lý vừa bồng em vừa học bài. Hai mùa hè qua Lý theo người cậu vào nhóm nhạc đám ma. Ngồi gõ trống, giữ em, người bạn nhỏ này mong mình thật mau lớn để đi làm, mơ ước thành kiến trúc sư.

 

Ước mơ thuộc về tương lai, còn bây giờ những gương mặt ấy đang lần mò những bước chân đầu tiên cho ước mơ của mình. Như bước chân trên đường phố mỗi ngày cùng xấp vé số trên tay của Trần Văn Nguyên, 13 tuổi: đi cho ước mơ của mình, của gia đình, em gái mình...

 

Theo Tuổi Trẻ