Uyên Ly và hành trình làm “sống lại” Đặng Thuỳ Trâm
(Dân trí) - Đầu năm 2006, tại lễ trao giải thưởng báo chí toàn quốc, nhóm nhà báo đoạt giải Nhất về hành trình làm sống lại nhân vật Đặng Thuỳ Trâm đã nhận được sự mến phục của đông đảo độc giả. Một trong số đó có nhà báo thuộc thế hệ 8X - Trương Uyên Ly, năm nay 26 tuổi.
Nhân dịp ngày 21/6, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà báo trẻ này về hành trình lặn lội làm sống lại nhân vật Đặng Thuỳ Trâm, mà giờ đây Đặng Thuỳ Trâm đã trở thành một một huyền thoại có sức lay động lớn lao với giới trẻ.
Tôi muốn lý giải sự trái ngược
Động lực nào “thúc” chị bước vào cuộc hành trình 14 ngày (đầu tháng 10/2005) đi tìm bí mật cuộc đời người Mỹ làm “sống lại” nhân vật Đặng Thuỳ Trâm?
Nó xuất phát từ sự xúc động của tôi trước những nỗi đau, bài học chiến tranh còn lại sau 30 năm. Đặc biệt là sự cảm phục của tôi trước nhân cách của liệt sỹ Nguyễn Văn Giá - người có 48 bức ảnh nằm trong hành trang của ông cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Mỹ cùng với cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”.
Tôi đã viết về câu chuyện của anh - một nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim hết lòng say mê nghề và dũng cảm. Anh đã hi sinh tại chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi khi viên đạn của kẻ thù xuyên thẳng qua ống kính máy ảnh, xả vào ngực.
Vì cảm động trước câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Giá mà chị muốn tìm hiểu thêm về những số phận kỳ lạ khác?
Sau khi viết bài về liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, ban biên tập giao cho tôi theo dõi toàn bộ vụ việc liên quan đến sự kiện “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy hậu quả của chiến tranh thật tàn khốc và đau đớn. Nỗi buồn đau đó hiện diện trong suy nghĩ, tình cảm của những người sống sót trở về.
Khi nói chuyện với anh em nhà Frederic Whitehurst, tôi nhận ra họ là những người đặc biệt, biết trân trọng những giá trị tinh thần dù chỉ là cuốn nhật ký mong manh giữa mịt mù súng đạn. Trên đời này, không phải ai cũng có con mắt, có tấm lòng như vậy. Nhưng đã từng có những khoảnh khắc trong chiến tranh, họ bắn vào người khác. Tôi đi, một phần cũng để lý giải về những điều trái ngược đó…
Cuộc đời vẫn còn nhiều điều đáng sống
Khi người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu năm xưa đã ngăn Fred đừng đốt cuốn nhật ký từ chối không gặp gia đình của Đặng Thuỳ Trâm ở Mỹ, chị đã quyết định một mình đến tìm ông ta. Ngồi trên taxi từ khách sạn ở California đến nhà Nguyễn Trung Hiếu, cảm giác của chị ra sao?
Lúc quyết định đi một mình tôi cực kỳ quả quyết, đến khi gọi taxi, ngồi sau người tài xế rồi mới cảm thấy mông lung kinh khủng. Con đường hun hút dài và vô cùng xa lạ, người lái xe đưa tôi đi qua những dãy trúc đào, tường vi rực đỏ và những dãy núi hùng vĩ… Cảm giác lúc ấy giống như mình bước vào một cái túi rỗng không. Tôi không biết kết quả chuyến đi của mình ra sao, ông Hiếu có chịu gặp tôi không?
Chị không sợ lời của ông Hiếu có thể trở thành sự thật - rằng “người ta sẽ bụp cô”?
Tôi cũng có lo ngại đến an nguy của bản thân nhưng tôi tin rằng tôi được luật pháp nước Mỹ bảo vệ. Vả lại, ước muốn được trò chuyện và nhìn ông Hiếu tận mắt mạnh mẽ hơn mọi nỗi sợ hãi. Tôi vẫn nói chuyện qua điện thoại với ông Hiếu hàng đêm từ trước khi sang Mỹ nhưng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy ông ấy. Tôi chỉ muốn gặp để chứng tỏ rằng tôi bằng xương bằng thịt đây, tôi từ Việt Nam đến và tôi thực sự muốn làm bạn của ông.
Chị thử tưởng tượng xem, một người trẻ, lạc quan, yêu đời như mình bỗng gặp một người bạn từ thế hệ trước, tâm sự rằng ông ta không tin vào ai hết kể cả tình cảm gia đình, ông cô đơn, lạnh lẽo, hàng chục năm nay ông không có bạn. Tôi đau xót trước những suy nghĩ cay đắng đó. Tôi muốn chứng tỏ cho ông thấy vẫn còn niềm tin và những điều đáng sống…
“Người đã gặp được người…”
Chị đem theo bên mình những thứ gì khi đến gặp ông Hiếu?
Trước khi đi, tôi chỉ mang bên mình một số giấy tờ tuỳ thân, máy ghi âm, máy ảnh. Máy ghi âm tôi để sẵn trong túi áo để đi đến nơi là bật lên luôn không cho ông Hiếu biết. Tất cả những thứ đó, tôi cho vào balô, khoác trên lưng như một khách du lịch. Ngoài việc cố tình tạo cho mình một hình thức không quá khác biệt, tôi còn chuẩn bị một gương mặt thân thiện, dễ mến…
Cái cảm giác của chị khi gặp được người đàn ông đó có khác gì cảm giác lúc chị ngồi trên taxi?
Lúc ngồi trên taxi, cảm giác của tôi thật sự căng thẳng. Ngay từ lúc gặp Nguyễn Trung Hiếu (ngày 11/10/2005), cảm giác của tôi đã rất nhẹ nhõm. Sau đó, tôi lại nghĩ sang nhiệm vụ mới là làm cách nào chuyển tải câu chuyện này để người đọc cảm thấy chia sẻ được.
Cuộc gặp gỡ giữa ba mẹ con bà Doãn Ngọc Trâm và Nguyễn Trung Hiếu ra sao?
Hai em gái của Đặng Thuỳ Trâm vui mừng rạng rỡ khi gặp người phiên dịch năm xưa. Cuốn nhật ký sau hơn 35 năm thất lạc, nay lại được trao tận tay người phiên dịch như một món quà tặng, trên có chữ ký trân trọng của gia đình. Họ vui vẻ chuyện trò, ông Hiếu đã can đảm vượt qua nỗi sợ do chứng bệnh dị ảnh để chụp ảnh lưu niệm với chúng tôi.
Cuộc trò chuyện kéo dài từ cuối giờ chiều cho đến quá nửa đêm. Ông Hiếu đã lái xe đưa chúng tôi về khách sạn cách đó hơn 30 dặm. Ông nói đã rất lâu ông không có người chia sẻ…
Vĩ thanh
Sau cuộc tìm kiếm người đàn ông trên đất Mỹ, trở lại Việt Nam, chị nhớ nhất cảm xúc gì?
Tôi nhớ nhất là những con đường nước Mỹ, nhớ cái cảm giác ngồi trên ô tô di chuyển hết con đường này đến con đường khác, từ hành trình này đến hành trình khác, từ điểm này đến điểm khác. Mỗi điểm dừng chân là một sự kiện để mình theo dõi, mỗi sự kiện là một điều mới mẻ mình chưa từng gặp.
Được biết với loạt bài trong cuộc hành trình đầy gian nan ấy chị đã “gặt hái” phần thưởng xứng đáng?
Loạt bài viết về sự kiện cuốn “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” trong đó có sự tham gia của tôi đã đoạt giải A Báo chí toàn quốc năm 2005. Tôi cũng được mời đến nói chuyện với các bạn sinh viên, nói chuyện tại các cơ quan, hội nghị… chia sẻ với độc giả về cuộc hành trình đầy ý nghĩa. Có rất nhiều người tìm đến tôi để hỏi han, thậm chí chỉ để biết mặt mũi cô gái trong chuyến đi ấy trông như thế nào? (cười)
Và sự ra đời của cuốn “Bí mật cuộc đời người Mỹ làm “sống lại” Đặng Thuỳ Trâm” nữa chứ…
Thực ra cuốn sách được hình thành từ ý tưởng của Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị từ trước chuyến đi Mỹ của tôi và chuyến đi Mỹ tìm kiếm nhân vật trong cuốn Nhật ký đóng góp vai trò rất lớn vào sức nặng của cuốn sách. Riêng chuyến đi ấy tôi đã viết loạt khoảng chục bài, đều đã in lại trong cuốn “Bí mật cuộc đời người Mỹ làm “sống lại” Đặng Thuỳ Trâm”. Khi cuốn sách ra mắt đã thu hút nhiều sự quan tâm chú ý của bạn đọc cả nước.
Xin cám ơn và chúc chị gặt hái được nhiều thành công!
Nguyễn Hằng