Ứng viên nữ đầu tiên của “Đề án Cần Thơ 150”

Tốt nghiệp loại giỏi ngành Trồng trọt của khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ năm 2005, Phan Hồ Hải Uyên không đi làm ngay mà tiếp tục học Anh văn để tìm học bổng du học thạc sĩ.

Và rồi, "Đề án Cần Thơ 150" được khởi động và Uyên nằm trong số 3 ứng viên đầu tiên được tuyển chọn. Ước mơ du học đã sớm thành hiện thực với Uyên. 

Được tuyển thẳng vào lớp 10 Trường THPT chuyên ban Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), lại được học lớp chọn, Hải Uyên có nhiều lợi thế phát huy khả năng của mình. Từng đi thi học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh và đạt giải ba, mọi người cứ tưởng Uyên sẽ thi ĐH những ngành liên quan đến tiếng Anh nhưng Uyên lại chọn ngành Trồng trọt của ĐH Cần Thơ và ngành Sinh vật của ĐH Đà Lạt để ứng thí.

Uyên cho biết: "Ngoại ngữ chỉ là phương tiện để giao tiếp, học hỏi thêm. Ngay từ năm lớp 10 mình đã thích học môn Sinh vì cô bộ môn có cách dạy rất hay. Càng học mình càng thấy say mê và quyết định thi ngành Sinh, Trồng trọt bởi khoa học cây trồng rất gần gũi với cuộc sống, môi trường sống".

Trúng tuyển cả hai trường Uyên chọn học ĐH Cần Thơ vì điều kiện gia đình không cho phép học tại ĐH Đà Lạt. Càng học Uyên càng thích thú các môn học nuôi cấy mô, vi sinh, ứng dụng công nghệ sinh học... và ngoại ngữ đã góp phần giúp Uyên đọc được các tài liệu, sách hướng dẫn nước ngoài, bổ trợ rất tốt cho kiến thức chuyên ngành của Uyên.

Vừa học giỏi chuyên ngành, Uyên vừa trau dồi thêm năng khiếu ngoại ngữ. Trong hồ sơ nộp vào "Đề án Cần Thơ 150", điểm thi TOEFL của Hải Uyên đạt 573 điểm, số điểm "dư" tiêu chuẩn cũng như khả năng đi du học và Uyên trở thành ứng viên nữ đầu tiên được chọn.

Khoảng tháng 5, đầu tháng 6/2006 Hải Uyên sẽ lên đường sang Bỉ học thạc sĩ ngành Nông nghiệp công nghệ cao tại Trường ĐH Leuve, một trường ĐH hàng đầu tại nước này và mạnh nhất trong lĩnh vực trồng trọt, đúng với chuyên ngành của Uyên.

Hiện tại, thời khóa biểu của Hải Uyên gần như kín mít với lịch học ngoại ngữ, học sâu thêm chuyên môn để chuẩn bị lên đường đi du học.

Năm Bính Tuất này cũng là năm tuổi của Uyên và như nhận xét của PGS.TS Lê Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: "Đây là những người “mở đường” cho cuộc bứt phá của TP Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng sự phát triển của thành phố, góp sức xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế xã hội của ĐBSCL".

Đề án Cần Thơ 150 được khởi động dựa trên ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ trì xem xét chỉ đạo việc thực hiện đề án "Chương trình Mekong 1.000", đưa 1.300 học sinh trong vùng ĐBSCL đi học tập và đào tạo ở nước ngoài (từ năm 2005 đến 2015). 

 

Có 11 ngành nghề được ưu tiên đào tạo: Cơ khí chế tạo; Công nghệ thông tin; Công nghệ chế biến; Công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước; Công nghệ vật liệu; Công nghệ hóa; Công nghệ sinh học; Năng lượng; Lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị; Lĩnh vực tài chánh - thương mại - ngân hàng; Lĩnh vực luật pháp, quản lý, và hội nhập quốc tế.

 

Việc xây dựng và tuyển chọn cán bộ nguồn được thực hiện thường xuyên vào quý II và quý IV hằng năm: Cán bộ nguồn phải là con em của các tỉnh - thành phố ĐBSCL, được chọn từ sinh viên ĐH năm cuối, có học lực khá giỏi và có ngoại ngữ trình độ B trở lên; cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ của các địa phương có tuổi đời dưới 28 tuổi (hoặc dưới 30 tuổi nếu đi học tiến sĩ), cam kết phục vụ lâu dài cho địa phương.

Theo Quốc Dũng
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm