Tuyệt vọng tiểu thư
Ngày nay, giao thông bằng xe máy trên đường Hà Nội, có một nỗi khiếp sợ dành riêng cho những trung niên đàn ông. Đấy là mấy thiếu nữ nhí nhảnh mặc hàng hiệu cưỡi xe tay ga, hoặc đi một mình hoặc đi một đôi.
Những cô nàng làm "mất" đi nét kín đáo của thiếu nữ. (Hình ảnh minh họa)
Hai là thiếu nữ bị động, do cổ áo phập phồng khoét quá sâu hoặc quần bò hớ hênh quá trễ cạp, trung niên chăm chú đi song song nhìn sang bỗng tự vấp ổ gà rơi cái "uỵch". Thường ở trường hợp này đàn ông hay gãy răng bởi mồm đang khát khao há hốc. Tuy nhiên, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thiếu nữ sau khi hoặc văng tục hoặc nắc nẻ cười, cũng ân cần chạy lại đỡ người bị nạn dậy rồi vô tư rút một tập tiền đền bù.
Nói chung, tất cả các thiếu nữ kể trên đều xuất thân từ nhà có bố mẹ đang làm to hoặc đang buôn bán lớn. Hồi xa xưa, ở những gia đình đã có sang có giàu lại bất hạnh có cả con gái, thì những cô bé được lớn lên trong nhung lụa ấy luôn được người đời trân trọng gọi là tiểu thư.
Tiểu thư là từ tiếng Tàu, tiếng Tây cũ là demoiselle, vốn dĩ là đặc sản của chế độ phong kiến nên ở ta đương nhiên cũng có. Đã là tiểu thư thì mảnh mai gầy, hiếm hoi béo, mặt hoa da mỏng cho nên thỉnh thoảng nhỡ xéo phải gai mồng tơi bèn đau đớn bật khóc y như ăn mày xổ ruột.
Sáng sáng bọn họ ngủ dậy muộn, mắt huyền mơ màng nhìn xa xa mấy vệt nắng nhạt dang dở trên bậu cửa sổ. Chiều chiều bọn họ ngồi dưới giàn thiên lý mông lung trầm ngâm đọc tiểu thuyết. Vì chẳng bao giờ phải lo kiếm tiền nên họ cực kỳ đa cảm thương người. Khi chứng kiến những cảnh thương tâm, ngoài chuyện sụt sùi đôi hàng lệ ngọc, họ sẵn sàng lấy vòng vàng nhẫn bạc rưng rưng chân thành đưa cho khổ chủ.
"...tinh tế là đức tính hàng đầu để phụ nữ trở thành tiểu thư..."
Ngày ngày, tiểu thư tựa cửa đứng chờ, trong lòng luôn dằn vặt tự trách, chắc mình đã làm gì không phải khiến người ta tổn thương vĩnh biệt. Có thể nói, trên cõi đời này không có gì thanh sạch bằng mối tình đầu của những tiểu thư.
Điển hình lỗi lạc nhất cho các tiểu thư là thiếu nữ Lâm Đại Ngọc trong trường thiên kinh điển "Hồng lâu mộng". Nàng xinh xắn, thanh thoát kiêu sa nhưng thành thực sâu lắng bình dị. Nàng giỏi cả cầm kỳ thi họa nhưng hơn hết ở nàng là tấm lòng mênh mông vị tha bất tận. Có những người như nàng, đàn ông đang tuyệt lộ mới bớt xót xa để mà cố sống. Nàng đã nói là giữ lời, hoàn toàn khác xa cái kiểu thẳng thớm trung thực của những người đẹp dao kéo thời nay.
Cô bé Lida Grigôriepna, tiểu thư nông dân của Puskin cũng là mẫu hình đáng kể. Nàng chủ động đoan trang hoạt bát nhưng không sỗ sàng dối trá. Yêu thì nói là yêu, không bao giờ làm ra cái vẻ đạo đức giả ngúng nguẩy ngây thơ cụ.
Xin hãy nghe một chân chính tiểu thư bộc bạch: "Chàng ơi, em chẳng muốn vượt vòng lễ giáo, nhưng thôi khách sáo làm gì. Chàng có yêu em không. Em biết chắc chàng sẽ trả lời là có và em sẽ tin chàng ngay. Thật vậy, em cũng yêu chàng say đắm. Có lẽ chàng sẽ cho em là dễ dãi nhưng hãy tin em, hỡi người quân tử, em sẽ giấu lòng chung thủy hơn tất cả những kẻ giả bộ kiêu kỳ". (Romeo và Juliet - Hồi 2). Phải là tột đỉnh của chân thành trong veo cao thượng thì người ta mới có thể nói những lời khó nói một cách thanh thoát tinh tế đến vậy. Tiểu thư của những ngày xưa là như thế đấy.
Ở hôm nay, không hiểu sao các phẩm chất cao quý tiểu thư dần dần trở nên hiếm. Nhiều người bị quan cho là bị ảnh hưởng từ sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường hoặc từ sự dung tục đang nhan nhản trắng trợn trên truyền thông. Chẳng phải.
Tiểu thư giống như gấu trúc, đến lúc hiếm là hiếm, cho dù có tốn công nâng niu khoanh vùng nuôi nấng cũng chỉ chới với vớt vát. Hà Nội hồi chiến tranh rồi bao cấp, khó khăn không biết nhường nào, thế nhưng ở đâu đó bất cứ một góc phố cổ, luôn thấp thoáng một vóc dáng tiểu thư. Thi sĩ Phan Vũ rùng mình "Em ơi, Hà Nội phố... Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ". Một căn nhà bom vừa ngổn ngang dập nát, vậy mà vẫn có người lãng mạn thanh tao ngồi đàn piano. Không là tiểu thư thì còn có thể là ai vào đấy.
Các thiếu nữ bây giờ có vẻ xinh hơn, thông minh dư dật hơn nhưng đang kém dần sự lộng lẫy kiêu sa quyến rũ. Trừ những thằng Sở Khanh, chẳng có ma nào đi đấu kiếm vì họ nữa. Phụ nữ mà cùng cục vô cảm dù có cố công học đòi tiểu thư thì vẫn chỉ là cầu kỳ dở hơi, diễn vớ diễn vẩn. Văn hào Anđecxen tâm phục khẩu phục kể về một thiếu nữ tinh tế nhạy cảm đã trằn trọc mất ngủ chỉ vì dưới 18 tấm nệm có gờn gợn một hạt đậu.
Theo ông, tinh tế là đức tính hàng đầu để phụ nữ trở thành tiểu thư. Hầu hết các thiếu nữ ở hôm nay, sau khi xem xong phim truyền hình dài tập thì tất thẩy đều lăn quay ra ngủ, cho dù dưới tấm lưng ong mịn màng của họ là cả một bao tải hạt đậu. Đã thế, rất nhiều nàng lại còn thanh thản ngáy.
Nguyễn Việt Hà
Theo Đẹp