Tưởng Phương Chu - “Thần đồng” của văn học Trung Quốc

Sinh tháng 10/1989, năm nay chưa tròn 16 tuổi nhưng Tưởng Phương Chu đã có 8 tác phẩm và cuối tháng bảy vừa qua, tiểu thuyết đầu tay mang tên “Người cưỡi cầu vồng” đã được xuất bản.

Những trang viết dài hơn tuổi đời

Thiên phú văn chương của Tưởng Phương Chu được “khai phá” bởi người mẹ làm cô giáo. Tưởng Phương Chu kể: “Mẹ bảo rằng qui định của luật pháp bắt buộc học sinh tiểu học phải viết được một cuốn sách. Mỗi cuốn sách không phải chỉ có hai bài văn mà là 80 bài văn và mỗi bài văn phải trên 500 chữ. Tôi sợ quá, thế là ngày nào cũng viết. Từ lời nói dối của mẹ, tôi đã tập thói quen viết lách và niềm đam mê văn học được bồi dưỡng”.

Năm lên 9, tuyển chọn và nhờ mẹ biên tập những bài văn đã viết, Tưởng Phương Chu xuất bản tạp văn Mở cánh cửa sổ. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành truyện tranh, sau đó được Tỉnh ủy Hồ Nam (Trung Quốc) đánh giá có tính giáo dục cao, phát động phong trào đọc trong thiếu nhi.

Năm 2001, sự xuất hiện của tập tạp văn Đến tuổi dậy thì đã gây chấn động dư luận vì nội dung đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm của tuổi dậy thì. Thật không thể tin được những câu chữ như thế này lại được viết bởi một cô bé mới 11, 12 tuổi: “Khi người ta kết hôn, không quá năm năm, người đàn ông không dám nhìn thẳng vào mặt vợ mình; nếu có nhìn thì sẽ không dám nhìn lại lần thứ hai”.

Trong năm 2002, Tưởng Phương Chu phát hành hai tác phẩm Trước khi bước vào tuổi thanh xuân Nhìn về phía tôi. Tháng 11/2003, cô bé đoạt cúp cấp một quốc gia dành cho tác giả thiếu nhi và bắt đầu phụ trách chuyên mục tạp văn trên cả hai báo Nam Phương Đô Thị và Tân Kinh Báo.

Ngày 1/10/2005, Tưởng Phương Chu được bầu làm chủ tịch Hội Nhà văn thiếu nhi Trung Quốc khi mới 15 tuổi và có tổng cộng bảy tác phẩm xuất bản.

Người đi tiên phong của lớp nhà văn 9X

Với tiểu thuyết đầu tay Người cưỡi cầu vồng, Tưởng Phương Chu chứng tỏ mình đã thật sự trưởng thành qua phong cách trẻ trung, hài hước và rất riêng. Thông qua số phận của bốn nhân vật chính là học sinh trung học bỏ nhà đi bụi, cô đã làm bật được tâm trạng cô độc của lứa tuổi mới lớn luôn song hành với tính mộng mơ, lãng mạn.

Nhân dịp tác phẩm phát hành, Tưởng Phương Chu được mạng Làn sóng mới mời giao lưu trực tuyến.

Trên blog của mình, cô từng nhận xét văn chương trào lưu Hàn Quốc là thứ văn chương mị dân. Vì sao thế?

Chắc tại tôi thấy các bạn trong lớp ai cũng đọc những cuốn tiểu thuyết tình cảm rẻ tiền của Hàn Quốc. Ăn theo phim ảnh nên tiểu thuyết Hàn Quốc tràn ngập thị trường Trung Quốc. Đọc qua vài quyển, tôi không sao chấp nhận được khi họ cùng kể một câu chuyện.

Nhân vật chính trong những tác phẩm đó luôn là một cô gái nghèo được năm, ba chàng trai giàu có bu quanh giữa sân trường. Hình ảnh ấy đã tạo cho các bạn gái sự ảo tưởng, khiến họ như thoát khỏi cuộc sống, như thế là có hại. Bởi vậy, tôi cho rằng đó là thứ văn chương mị dân.

Có bao giờ cô nghĩ là mình sẽ đi bụi như bốn nhân vật chính trong tiểu thuyết Người cưỡi cầu vồng không?

Tôi không dũng cảm như các nhân vật của tôi, dù họ đều mang hình bóng của tôi. Tôi không thể rời xa mẹ, dù chỉ là vài bước.

Có thể bật mí tác phẩm kế tiếp của cô?

Đó là một tiểu thuyết với ngôn ngữ văn chương đơn giản hơn nhưng sẽ là một câu chuyện tình rất hấp dẫn. Tôi đã viết được hơn một tháng và bắt đầu cảm thấy yêu nhân vật nam chính của mình.

Có thể sẽ có người cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết ái tình mang nặng mùi thương mại. Không sao, tôi quan niệm: nếu như mình chạm đúng vào tâm tư tình cảm của người đọc thì đó là thành công.

Theo Đơn Dương
Tuổi Trẻ/Mạng Làn sóng mới, Trung Quốc