Tuổi trẻ với khởi đầu cung đường huyền thoại mới

(Dân trí) - Với tổng chiều dài hơn 10.000km, cung đường tuần tra biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang khi hoàn thành sẽ trở thành đường bê tông dài nhất Đông Nam Á và được coi sánh ngang với những con đường đã thành huyền thoại như đường Trường Sơn hay đường HCM trên biển.

Hơn 5 năm qua, các đơn vị công binh và công ty xây dựng của quân đội đã và đang triển khai xây dựng con đường chiến lược dọc theo tuyến biên giới giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.

 

Vượt qua vô vàn gian khó, trong điều kiện thủy văn hiểm trở, vận chuyển hàng ngàn tấn máy móc, xi măng lên những đỉnh cheo leo hay có những nơi còn sót lại bom mìn thời chiến tranh khiến phải mất 2-3 năm để giải phóng mặt bằng, đã không ít người đã đổ máu và cả tính mạng của mình trong khi xây dựng, những người lính trẻ vẫn cần mẫn, góp sức mình làm nên một cung đường huyền thoại mới.

 

Trong buổi tổng kết 5 năm xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền diễn ra tại TT nghệ thuật Âu Cơ (HN), niềm tự hào và cả lòng quyết tâm được thể hiện cùng với những tâm sự của những chàng trai trẻ đã và đang xung phong trên tuyến đường biên giới bên cạnh những thế hệ người lính đi trước.

 
Tuổi trẻ với khởi đầu cung đường huyền thoại mới - 1
Thượng sỹ Nguyễn Xuân Hưng trong buổi giao lưu về cung đường biên giới.
 

Thượng sỹ Nguyễn Xuân Hưng của công ty 789 (Bộ Quốc phòng), đại diện cho tuổi trẻ nơi cung đường biên cương Tổ quốc chia sẻ:  “Là những thanh niên tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền, chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được đóng góp công sức cho công trình đặc biệt có ý nghĩa này.

 

Mới rời ghế nhà trường, rời khỏi sự chở che của cha mẹ để lên những vùng rừng núi mở đường, anh em ban đầu còn bỡ ngỡ. Nhưng được sự dìu dắt của thế hệ đi trước, anh em cũng sớm hòa nhập.

 

Cho dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng bù lại, anh em công ty 789 có sức trẻ, quyết tâm và lòng yêu nghề. Đặc biệt là sự gắn kết, phát triển đoàn thanh niên với các thôn bản, từ đó giúp ích, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải phóng mặt bằng tại địa phương.

 
Tuổi trẻ với khởi đầu cung đường huyền thoại mới - 2
"Biểu tượng của người lính cụ Hồ thời kỳ mới" đang được triển khai với độ dài 2.000km.
 

Bên cạnh đó, anh em mạnh dạn tham ưu, đề xuất, chủ động tìm tòi nghiên cứu, đóng góp hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đoạn đường giao phó. Ngoài ra, một số đề xuất rút ngắn đường so với kế hoạch 700m, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 3,8 tỷ đồng.

 

Còn nhớ, trong khi thi công, gặp mỏ đá, anh em đã huy động máy móc tận dụng để khai thác làm nguyên vật liệu xi măng tại chỗ, tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng”.

 

Bất chấp những khó khăn và cả mất mát khi bám trụ cung đường, những bản tình ca giữa đại ngàn vẫn vang lên. Thượng sỹ Hưng bật mý ở cung đường công ty anh phụ trách thi công mới đây thôi, một chiến sỹ lái máy ủi đã kết duyên với cô gái Gia Lai sau thời gian thực hiện nhiệm vụ xây dựng đoạn đường tại đây.

 
Tuổi trẻ với khởi đầu cung đường huyền thoại mới - 3

Để có thể trải bê tông, xi măng, người lính trẻ đôi khi mất 2-3 năm giải phóng mặt bằng và phải mang hàng nghìn tấn máy móc, xi măng lên những nơi cheo leo để thi công.
 

Hay câu chuyện về người vợ Lưu Thị Vân “thân gái dặm trường” vượt 400km bằng xe máy để thăm chồng nơi công trường xây dựng đã khiến cho cả khán phòng lặng đi về những câu chuyện tình yêu lãng mạn của người lính cụ Hồ.

 

Lấy nhau được 6 năm nhưng vợ chồng chị Vân - anh Bảy lại không có nhiều thời gian bên nhau do anh phải thường xuyên công tác xa nhà. Và khi biết tin anh đang mở đường tại Kỳ Sơn, chị không ngần ngại một mình đi xe máy vượt 400km tới nơi làm việc để được thăm và chăm sóc anh trong những ngày nghỉ hiếm hoi của mình.

 

Chị khẳng định thay cho hậu phương vững chắc: “Là người vợ cần cố gắng, tin tưởng hơn nữa vào những người chồng đang thực hiện nhiệm vụ vì Tổ quốc. Và các anh cũng hãy yên tâm, ở nhà, chúng em cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của người vợ, người mẹ và con cháu trong gia đình”...

 

Bắt đầu những đoạn đường ngắn từ những năm 1994, đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ mới chính thức phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng Đường tuần tra biên giới đất liền với chiều dài lên tới hơn 10.000km.

 

Với đặc thù chạy dọc tuyến biên giới qua 25 tỉnh từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), cách cột mốc biên giới quốc gia 0-1.000m và được xây dựng theo tiêu chuẩn nền đường rộng 5,5m, mặt đường 3,5m và dày 18 cm, đây được coi là đường bê tông xi măng dài nhất Đông Nam Á.

 

Trong 5 năm đầu thực hiện, các đơn vị công binh và công ty thuộc bộ Quốc phòng đã xây dựng được 2.030 km (trong đó 1.500km đạt tiêu chuẩn đề ra) với chi phí 7 tỷ/km đường (thấp hơn tiêu chuẩn Bộ xây dựng đề ra là 8 tỷ 180 triệu).

 

Cung đường huyền thoại mới, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng, tuần tra biên giới còn thể hiện tình hữu nghị với các nước láng giềng và tạo điều kiện để người dân khu vực biên giới có cơ hội giao hưu, trao đổi về nhiều mặt.

 

Lê Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm