Tuổi trẻ là những chuyến lên đường

Sút 5 kg, đen nhẻm sau 6 tuần tham gia một dự án giảng dạy văn hóa ở Ấn Độ nhưng chuyến đi ấy đã giúp Phan Đức Anh (năm thứ hai, khoa Kế toán, trường ĐH Kinh tế Quốc dân) trưởng thành hơn rất nhiều.

Đến nay, Đức Anh vẫn nhớ như in từng gương mặt, ánh mắt, giọng nói của những người đặc biệt mà cậu gặp.

 

Giới thiệu văn hóa Việt Nam trên đất Ấn

 

Ngày đầu tiên đặt chân đến Ấn Độ tham gia dự án World View (liên quan đến mảng giáo dục, trao đổi văn hóa), Đức Anh đã ngay lập tức bị sốc bởi nắng nóng đến 40 độ C. Đồ ăn Ấn Độ cũng là một trải nghiệm khó quên với cậu: “Chúng có vị lạ, cay nồng và hơi khó ăn. Thời gian đầu, mình còn phải đi bộ 10 km ra cửa hàng KFC vì chưa thể quen với mùi vị đồ ăn của người Ấn. Nhưng sau thì mình cũng quen dần, ăn nhiều lại đâm ra nghiện”.

 

Nơi Đức Anh đến tình nguyện là các trường học nằm ở ngoại thành tỉnh Chennai. Cùng với cậu, còn có 20 bạn tình nguyện viên quốc tế, đến từ 11 quốc gia tham gia World View, chia ra 2 đội nhỏ, mỗi đội làm việc với 4 trường, trong vòng 4 tuần.

 

Đức Anh cho biết, hầu như các trường học ở Ấn Độ có đủ các cấp học, từ tiểu học cho đến trung học phổ thông. Tại mỗi trường học, trong giờ sinh hoạt ngoại khóa (thường gồm học sinh 2 khối), các tình nguyện viên quốc tế sẽ thực hiện các bài thuyết trình sống động, giới thiệu cho học sinh Ấn Độ về đất nước, con người, các nền văn hóa đặc trưng từ nơi họ đến.
 
Tuổi trẻ là những chuyến lên đường
Đức Anh (đứng ngoài cùng bên trái, hàng thứ hai) và một số tình nguyện viên quốc tế tham gia dự án World View.

 

Đức Anh kể: “Mình mang theo các trang phục truyền thống Việt Nam, như: Áo dài, áo bà ba… rồi hình ảnh, quà lưu niệm để không chỉ giúp buổi thuyết trình trở nên sinh động hơn, mà các em học sinh còn có thể tương tác với mình và các bạn khác một cách dễ dàng hơn, thông qua các trò chơi”.

 

Bình thường, Đức Anh làm việc từ 9h sáng đến 12h trưa, nghỉ trưa một tiếng rồi lại tiếp tục công việc từ 13h đến 15h. Công việc bận rộn, nhiều lúc rất mệt nhưng cậu vẫn cảm thấy rất vui vì học sinh Ấn Độ rất tình cảm.

 

Mỗi buổi tan học, các em đều chạy ra ôm hôn tình nguyện viên và còn tặng các anh chị bánh ngọt hand-made, đặc biệt là rất nhiều vòng tay làm từ cước, len. “Có hôm, các em học sinh tặng nhiều vòng đến nỗi, chúng mình đeo vòng lên tận khuỷu tay. Chỉ cần nhìn các em học sinh, nhìn những cái vòng tay do chính các em đan tặng là mình đã thấy hết mệt rồi”, Đức Anh tâm sự.

 

Học sinh mà Đức Anh ấn tượng nhất là Mahin, cậu bé lớp 7 thông minh và trưởng thành hơn tuổi. Cậu kể: “Mahin là học sinh đầu tiên mà mình nói chuyện khi đến trường St.bede Anglo Chennai. Hôm đó, mặc dù “ông nói gà, bà nói vịt”, nói dăm câu chỉ hiểu được một câu nhưng không hiểu sao hai anh em vẫn ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ.

 

Những ngày sau đó, mình dạy Mahin gấp giấy Origami, biết cậu thích sưu tập tiền xu, mình liền tìm cách thu thập tiền xu từ các bạn tình nguyện viên quốc tế rồi tặng cậu. Ngày cuối cùng tại St.bede Anglo Chennai, Mahin bất ngờ tặng mình một món quà, lúc ấy, tuy rất vui nhưng nỗi buồn thì khó mà diễn tả được, vì đó là ngày cuối cùng mình làm việc ở đây, cũng là ngày cuối cùng mình được dạy cậu bé.

 

Lúc chia tay, mình bảo: “Mahin à, hôm nay là ngày cuối anh dạy ở trường em, có thể sau này, anh em mình không còn được gặp nhau nữa rồi”. Cậu bé lặng người đi, đôi mắt sâu hun hút, đượm buồn: “Anh bỏ em đi thật à? Anh có còn quay lại thăm em nữa không?”.

 

Mình cố gắng kìm nén để không bật khóc và động viên cậu bé: “Anh về rồi nhưng đây không phải là lần cuối anh em mình gặp nhau, đó là lời hứa, anh sẽ quay lại thăm em”. Và trước khi về Việt Nam, mình đã đến nhà cậu, thăm cậu lần cuối…”.

 
Đức Anh đã có những trải nghiệm quý giá khi đi tình nguyện tại Ấn Độ.
Đức Anh đã có những trải nghiệm quý giá khi đi tình nguyện tại Ấn Độ.
 

Những bài học về tình người

 

Xem trên phim ảnh, Đức Anh biết, ở Ấn Độ phân hóa giàu nghèo khá rõ. Nhưng những gì bạn chứng kiến thực tế còn kinh khủng hơn nhiều. Cậu từng đi qua một con phố, bên trái là những căn biệt thự nguy nga, tráng lệ, bên phải là một dãy nhà ổ chuột và người nghèo nằm la liệt trên hè phố.

 

“Khi được cho đồ ăn, họ không đổ thức ăn ra chiếu vì sợ bẩn mà đổ trực tiếp ra đường rồi cứ thế bốc ăn. Mình hay mua thức ăn rồi đem lại cho họ, dù không nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào. Đến bây giờ, ánh mắt sâu thẳm, khuôn mặt khắc khổ, đôi bàn tay run run của họ khi nhận thức ăn vẫn còn ám ảnh mình rất nhiều”, Đức Anh nói.

 

Vào một dịp cuối tuần, Đức Anh và một bạn nữ người Trung Quốc đã về thăm một ngôi nhà dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật… tại Tabaram. Đó là ngôi làng vô cùng nghèo. Người dân hầu như không có nhà, họ chỉ sống trong các túp lều tạm bợ, xiêu vẹo, diện tích chưa đến 10 m2, lụp xụp như thế mà lại tới có 5 – 6 người cùng ở.

 

Trong nhà, chỉ có một tấm chiếu để nằm, quần áo thì xếp đống chứ không có bất kỳ thứ đồ đạc nào giá trị. Điện đường hắt ra những ánh sáng yếu ớt, chiếu vào từng căn nhà, còn phía trong các ngôi nhà, hầu như không có ánh điện.

 

Trong ngôi làng nghèo khổ ấy, có một trại trẻ mồ côi, nuôi dưỡng khoảng 100 em nhỏ lang thang, khuyết tật. Đức Anh kể: “Các em ấy khổ lắm. Cơm ăn ngày 2 bữa, thức ăn không có gì nhiều ngoài cơm trắng và nước sốt thực vật, trộn vào, rồi bốc lên ăn.

 

Với các em ấy, hoạt hình Tom và Jerry là một thứ hoàn toàn mới lạ, xa xỉ. Mình mang laptop đến mở Tom và Jerry cho các em xem lúc nghỉ trưa. Lúc xem xong, các em ấy gần như đã khóc vì không được xem tiếp. Cảm giác mình lúc ấy rất bất lực, buồn và thương các em rất nhiều!”.

 

Chiều hôm đó, Đức Anh và cô bạn kia đi bộ từ trại trẻ mồ côi ra ga tàu để về lại Chennai. Cùng với họ là 10 em nhỏ đi theo để tiễn. Khi chỉ còn khoảng vài trăm mét là đến ga tàu thì Đức Anh thấy một nhóm 7 – 8 thanh niên to cao đang đi ngược chiều.

 

Bỗng nhiên lũ trẻ khựng lại, giơ tay cản không cho cậu và cô bạn đi tiếp. Rồi các em ấy ôm lấy nhau, tạo thành một hàng ngang để che cho cậu và cô bạn kia. Cậu lo lắng hỏi: “Có chuyện gì thế?”, lũ trẻ không biết nhiều tiếng Anh nên không trả lời được, chỉ im lặng, với vẻ mặt cương quyết, rồi ra hiệu cho cậu hãy im lặng và ngồi xuống.

 

Hồi sáng ở trại trẻ, cậu có được nghe các cô giáo kể rằng, ở đây có một nhóm thanh niên cực đoan rất ngổ ngáo, cai trị cả vùng này. Cảm nhận rõ sự sợ hãi trong lũ trẻ, cậu đoán được đám người kia chính là nhóm thanh niên cực đoan ấy.

 

Đức Anh nhớ lại: “Khi nhóm thanh niên ấy tiến lại gần phía bọn mình, mỗi đứa trẻ cầm lấy một cục đá rồi đột nhiên, chúng xếp lại thành một vòng tròn để bao bọc mình và cô bạn ở giữa. Có đứa trẻ đã sợ hãi bật khóc.

 

Nhìn thấy đám thanh niên đô con, bặm trợn, lo lũ trẻ gặp nguy hiểm, mình và cô bạn đứng lên, cố gắng đẩy tay các em ra để tiến lên phía trước nhằm bảo vệ chúng. Nhưng chúng mình không tài nào tách được vòng tay gầy guộc của các em, đang ôm chặt lấy nhau rất cương quyết.

 

Lũ trẻ “giao chiến” với nhóm thanh niên cực đoan bằng tiếng Hindu, gương mặt chưa hết sợ hãi, hòn đá vẫn lăm lăm trên tay. Mình không hiểu hai bên nói gì với nhau nhưng một lúc sau thì đám thanh niên bỏ đi. Lũ trẻ cười rạng rỡ, nhảy lên sung sướng. Cô bạn đi cùng mình vừa ôm lũ trẻ, vừa bật khóc nức nở, một phần vì vui, một phần vì sợ, còn mình thì nước mắt cũng đã rơi tự lúc nào”.

 

“Đoạn đường ấy hoàn toàn vắng vẻ, không có nhà dân. Chúng mình mới tiếp xúc với các em đúng một ngày, vậy mà các em đã dám đặt cược cả tính mạng để bảo vệ chúng mình. Nếu không có các em thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với chúng mình hôm đó nữa”, Đức Anh bồi hồi nói thêm.

 

Với chuyến đi lần này, Đức Anh nhận ra rằng, khi ta thật sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau thì thời gian gặp gỡ dù ngắn hay dài, khoảng cách địa lý dù có bao xa đi chăng nữa thì những người xa lạ vẫn có thể gắn kết chặt lại với nhau.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam