Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo

Với mơ ước được khoác trên mình bộ quân phục đóng góp công sức cho đất nước, Khổng Văn Mạnh tốt nghiệp loại xuất sắc, đứng đầu Khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đầu quân cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển thiết bị mạng viễn thông Viettel (VTCore) từ tháng 11/2014...

Ước mơ khoác áo lính

Anh trai của Khổng Văn Mạnh đi bộ đội từ khi cậu mới học lớp 7. Từ khi nhập ngũ, người anh nghịch ngợm, ham chơi, chểnh mảng của cậu trước đây đã thay đổi hoàn toàn. Mạnh tiết lộ, cậu đạt được thành tích cao như hôm nay là do sự dạy dỗ của anh trai. “Hồi đó, mình học rất kém. Anh trai đã dạy mình học và từ đó, mình thích học và thành tích học tập ngày càng tốt hơn”.

Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo

Anh trai thường hay kể về cuộc sống quân ngũ, sự trưởng thành và tình yêu tổ quốc khi khoác trên mình bộ quân phục xanh. Mỗi lần nghe anh kể chuyện, Mạnh đều tự nhủ, sau này, nhất định cậu sẽ phấn đấu để được tự hào giống như anh.“Kỷ luật quân đội đã thay đổi anh trai mình. Và mình cũng muốn tham gia quân đội vì tính kỷ luật, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của người lính” Mạnh chia sẻ.

Tốt nghiệp phổ thông, Mạnh thi trượt Học viện Kỹ thuật Quân sự do thiếu cân. Quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, cậu tìm con đường khác và đã đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thành tích học tập “khủng”

Là một người đam mê khoa học công nghệ, Mạnh đã “dinh” về cho mình “bộ sưu tập” 2 giải nhất và 2 giải ba Olympic quốc gia về Cơ học các năm từ 2011 đến 2013. Với thành tích học tập “siêu khủng”, cậu đã hơn 5 lần nhận được học bổng của Kova, Toyota, Vallet… và 2 bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo...chỉ trong 4 năm rưỡi học tập tại trường Đại họcBách Khoa.

Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo

Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo

Đề án tốt nghiệp của Mạnh là hệ thống Teleoperation (Robot điều khiển song phương theo luật điều khiển PID). Đây là hệ thống gồm hai phần: robot mô phỏng theo các hoạt động thật của người vận hành khi người này đeo thiết bị có kết nối với robot. Sản phẩm được đánh giá là có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như phẫu thuật từ xa, cứu nạn, cứu hộ,...Tiến sỹ Đỗ Đức Nam – Nguyên Phó Viện Cơ khí – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Đây là một đề tài mà nhiều thế hệ sinh viên của Đại học Bách khoa đã chọn nhưng đều thất bại. Lựa chọn đề tài này là một sự liều lĩnh, nhưng Mạnh đã thành công”.

Sau khi tốt nghiệp với danh hiệu Thủ khoa, Khổng Văn Mạnh nhận được không ít lời mời làm việc từ các doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực điện tử viễn thông, khoa học công nghệ.

Sáng tạo để giúp ích cho đất nước

Với suy nghĩ người Việt đi làm cho nước ngoài thì Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển được, Mạnh đã từ chối nhiều lời mời làm việc của các Tập đoàn nước ngoài với mức lương hấp dẫn. Cùng với ước mơ được khoác áo lính, cậu đã thi tuyển vào Trung tâm Nghiên cứu phát triển thiết bị mạng viễn thông Viettel (VTCore) và làm việc cho đến nay. Tại VTCore, Mạnh còn gặp gỡ rất nhiều bạn bè, các anh chị thủ khoa của các trường khoa học công nghệ khác. Có cả những tiến sỹ tu nghiệp ở nước ngoài về đây làm việc.

Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo

Ngoài việc được áp dụng triệt để những kiến thức trong trường, Mạnh còn được thỏa sức sáng tạo thay vì làm theo những yêu cầu cụ thể sẵn có. Hiện tại, Mạnh đang tham gia vào nhóm thiết kế vỏ tản nhiệt của trạm phát sóng 4G Viettel. Cậu cho biết: “Các anh “leader” chỉ giao nhiệm vụ, còn mình được thoải mái sáng tạo, thiết kế sản phẩm, miễn sao đáp ứng được yêu cầu của dự án và thực hiện đúng tiến độ”.

Phát triển 4G là dự án trọng điểm. Nếu thành công, Mạnh sẽ góp phần quan trọng vào việc mang đến cho đồng bào mình những dịch vụ viễn thông tốt nhất.Tham gia dự án này là một niềm tự hào, vinh dự đồng thời cũng là trọng trách đối với mỗi thành viên. “Tuổi trẻ cần được thỏa sức sáng tạo và thật tuyệt vời khi sáng tạo đó giúp ích được cho đất nước” Mạnh chia sẻ.

Chặng đường mới chỉ bắt đầu, nhưng chắc chắn Mạnh sẽ tự hào về con đường mình đã chọn.

Huy Minh