Tuổi 20… “lép vế”
Một thực tế đáng ngạc nhiên ở Hàn Quốc, đó là hiện tượng không chỉ ở lĩnh vực giải trí mà ở các lĩnh vực khác, thế hệ ngoài 20 tuổi cũng bị “lép vế”. Thế hệ tuổi 20 này bị ép lại giữa thế hệ tuổi teen mạnh mẽ và thế hệ tuổi 30 đầy sinh lực.
Hiện nay không dễ gì khi làm một người trẻ ngoài 20 tuổi ở Hàn Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên lên đến 7% trong suốt 4-5 năm qua. Những người trẻ ngoài 20 tuổi ở Hàn Quốc được gọi là “Thế hệ không tốt nghiệp” (lý do là sinh viên trì hoãn việc tốt nghiệp để tránh bị thất nghiệp) và “Thế hệ Kanguru” bởi vì họ phải sống nhờ vào “túi tiền” của cha mẹ khi tốt nghiệp.
Trong lĩnh vực thể thao, những vận động viên tuổi teen như nhà bơi lội Park Tae-hwan, vận động viên trượt băng nghệ thuật Kim Yu-na và tay gôn Shin Ji-yai đã thành sao nổi tiếng khắp nước. Trên truyền hình, những diễn viên tuổi teen như Yu Seung-ho (14 tuổi) và Park Eun-bin (15 tuổi) có nhiều người hâm mộ hơn cả những bạn diễn kỳ cựu nhiều tuổi hơn.
Ở tuổi 30, ca sĩ huyền thoại Seo Tae-ji và Park Jin-young vẫn tiếp tục được công chúng yêu thích. Một điều tra của nhà nghiên cứu thị trường Leespr với 1.319 người từ 13 - 65 tuổi cho thấy 6 trong số 10 nghệ sĩ được yêu mến nhất là những người ngoài 30 tuổi như diễn viên Jang Dong-kun và Bae Yong-joon. Những nữ diễn viên tài năng đang nở rộ như Jeon Do-yeon và Kim Hye-soo vẫn chưa qua thời hoàng kim của mình.
Tất nhiên, vẫn có không ít những siêu sao lứa tuổi 20 như diễn viên-ca sĩ Bi-Rain, ca sĩ Lee Hyori và diễn viên Kim Tae-hee. Nhưng theo một nhân viên của hãng giải trí SM, làn sóng ngôi sao mới đây ở tuổi teen và lứa tuổi 30 thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng hơn.
Không chỉ ở lĩnh vực giải trí mà ở các lĩnh vực khác, thế hệ ngoài 20 tuổi cũng bị “lép vế”. Các doanh nghiệp ngày càng chuyển mục tiêu sang khách hàng tuổi teen (chi tiêu bằng khoản tiền túi) và khách hàng ngoài 30 tuổi (độc lập về kinh tế).
Một ví dụ là các cửa hàng trên mạng Internet vừa tung ra các dịch vụ chỉ dành cho teen. Tháng 8 vừa qua, Auction mở dịch vụ cộng đồng mang tên “Club Teenple” cho các thành viên tuổi teen, D&Shop thì thu hút các khách hàng tuổi teen bằng dịch vụ đặt chỗ trực tuyến tại các hiệu làm tóc hàng đầu.
Lotte.com và Gmarket cũng chuẩn bị tung ra các sự kiện nhắm đến khách hàng tuổi teen. Missha, The Face Shop và các thương hiệu mỹ phẩm giá thấp cũng đang nhìn thấy tiềm năng ở khách hàng lứa tuổi này (chiếm 20% tổng số khách hàng). Quay lưng lại nhóm khách hàng ngoài 20 tuổi, ngành công nghiệp game máy tính cũng đang hướng đến những game thủ ngoài 30 tuổi.
Nhà nghiên cứu Choi Suk-hee ở công ty Truyền thông Daehong nhận định rằng các doanh nghiệp đang dịch chuyển đáng kể về chiến lược marketing - lơ là khách hàng lứa tuổi 20 và nhắm vào các khách hàng tuổi teen và ngoài 30 tuổi vì hai nhóm này chi nhiều tiền hơn.
Những khó khăn lớn nhất của lứa tuổi 20 liên quan đến việc làm. Khủng hoảng kinh tế kéo dài trong 4-5 năm qua ở HQ đã giảm số lượng nghề nghiệp tử tế khiến cho nhiều cử nhân trẻ tuổi bị thất nghiệp. Và nhiều người trẻ ngoài 20 tuổi ở xứ kim chi trở nên phụ thuộc vào cha mẹ về kinh tế.
Chuyên gia tài chính Wu Seok-hun kết luận rằng ở những thanh niên ngoài 20 tuổi kiếm được việc làm thì hầu hết làm những việc không thường xuyên với mức lương tháng trung bình chỉ vào khoảng 880.000 won.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng tiềm năng của thế hệ thanh niên ngoài 20 tuổi ở HQ vẫn rất mạnh mẽ và họ sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động chính khi vấn nạn thất nghiệp dịu đi.
Theo GS. Hwang Sang-min ở trường ĐH Yonsei, những người trẻ thông thạo máy tính sẽ tiếp tục thống trị trong các ngành xã hội và văn hóa của HQ. Còn GS. Kim Jin-wu thì kêu gọi thế hệ Kanguru phải lấy lại sức mạnh của mình. Theo học giả này, điều thiết yếu là HQ phải mở rộng đầu tư doanh nghiệp để tạo thêm việc làm cho thế hệ tuổi 20.
Theo Sinh Viên Việt Nam