Tuổi 17 của Mừng

(Dân trí) - Bố mắc bệnh tâm thần gần hai chục năm nay, mẹ lại luôn đau ốm vì đủ thứ bệnh, em gái còn nhỏ, mười bảy tuổi, Mừng đã là lao động chính trong gia đình, làm việc tự nuôi mình nuôi bố mẹ và em gái ăn học.

Ở khoa B1 (khoa Phổi) nhà số 6 bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ các ông, các bác bệnh nhân đến các bác sĩ y tá không ai không biết Mừng, một nhân viên dọn vệ sinh của công ty Hoàn Mỹ. Mùa hè cũng như mùa đông, cứ 6 giờ sáng em đã có mặt ở bệnh viện, công việc của em chỉ đơn giản là lau chùi tường, sàn trong các phòng bệnh, ngoài hành lang, rồi các ô cửa sổ, các chấn song sắt, đổ rác cho gần hai mươi phòng bệnh. Nhìn cái dáng người nhỏ nhắn yếu đuối tay xách xô nước, tay kia cầm chổi lau dọc hành lang làm nhiều người thấy ái ngại.

 

Trong tổ gần 30 người lao động thì Mừng ít tuổi nhất. “Năm nay em mới 17 tuổi thôi, khi làm hồ sơ xin việc em phải khai thêm cho đủ tuổi thì mới được đi làm”, Mừng thì thầm nói nhỏ như sợ người khác nghe thấy.

 

Gia đình có 4 người, học hết lớp 9 Mừng thi vào học bổ túc ở một trường gần nhà nhưng chỉ được hai tháng thì phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Một người cô họ đang làm trong công ty vệ sinh Hoàn Mỹ xin cho Mừng một chân quét dọn cùng công ty.

 

Thời gian đầu, Mừng làm ở khoa tim bệnh viện Bạch Mai. Chuyển về bệnh viện Hữu Nghị, môi trường làm việc có sạch sẽ hơn, nhưng quãng đường từ nhà em tới bệnh viện lại xa hơn nhiều, tới hơn chục cây số, giấc ngủ của em cũng vì thế mà ngắn đi. Mua 2000đ tiền xôi, một nửa để ăn sáng còn một nửa … để dành ăn trưa. Có những hôm sáng nhịn đói đi làm, một bệnh nhân thấy thương quá, liền cho em mấy nghìn bảo đi mua đồ ăn sáng, biết ơn ông lắm nhưng khi ra khỏi phòng em lại cho số tiền ấy vào túi để dành.

 

Ngày nào cũng đến đúng giờ, lau chùi sạch sẽ các phòng bệnh, không để lại ít bụi nào bám trên ô cửa sổ… Mừng hy vọng cuối tháng sẽ được xếp loại A để không bị trừ đồng nào vào số tiền lương ít ỏi 5.500.00đ.

 

“Thế mấy tháng thì công ty tăng lương một lần?”- tôi hỏi. “Cô em làm 8 năm rồi mà bây giờ lương mới được 700.000đ”. “Em có muốn tìm công việc khác không?” Mừng buồn buồn: “Em mới học hết lớp 9, bằng tốt nghiệp em còn chưa lấy. Xin đâu được việc hả chị? Có chỗ làm ổn định thế này là em mừng rồi. Lần trước có bác bảo xin cho em đi trực điện thoại ở xưởng, đỡ vất vả hơn, nhưng phải đợi em đủ 18 tuổi đã”.

 

Tôi ngỏ ý muốn về thăm bố mẹ và gia đình, Mừng từ chối: “Nhà em xa lắm, chị về sẽ không thích đâu.Với lại xe của em hỏng không đi được hai người”.  Khi không chống chế được nữa em liền bảo: “ Nhìn thấy nhà em chị đừng chê nhé. Nếu thấy bố em chị cũng đừng sợ nhé. Bình thường bố hiền lắm”…

 

Ngôi nhà cấp bốn, rộng hơn một gian do Ủy Ban nhân dân xã cho 10 triệu đồng xây theo chương trình xóa nhà tranh năm 2003, nhưng với điều kiện phải xây xong trong vòng… 20 ngày (?).

 

Bên cạnh là chỗ được gọi là bếp, quây bằng gạch xếp, lợp rạ, lạnh tanh vài cây củi ướt. Khoảng sân trước cửa nền đất chỏng chơ cái xô nhựa vỡ. Thấy có người lạ, con chó từ trong nhà chạy ra sủa ầm ỹ. Mẹ và em gái Mừng ngó ra xem vì từ trước tới giờ nhà hiếm khi có khách. Bạn bè cũng xa lánh em vì nhà nghèo lại là con của người điên.

 

Đế tôi đợi ở ngoài chừng 10 phút, Mừng và mẹ dọn dẹp lại căn buồng bên trong. Tiếng bà vọng ra: “Sao con lại đưa ai về nhà thế này?”. “ Con đã bảo nhà mình nghèo lắm nhưng chị ấy cứ muốn về”. Trong nhà không bàn ghế, không đồ đạc gì đáng giá, ngoài chiếc tivi mấy trăm nghìn Mừng dành cả tháng lương mua hồi trước tết. Vài cái bát sứt được xếp thành chồng, cái nồi mất quai méo mó. Cạnh xoong cơm là rổ rau, bữa tối của cả nhà. Góc tường tại những chỗ nứt, vôi vữa tróc ra để lại những vết nham nhở nhìn rõ từng viên gạch bên trong.

 

Tôi nhìn sang buồng bên cạnh, cửa khóa, tối om, không thể nhìn thấy gì bên trong. Mừng giải thích: “Bố em đang ngủ trong ấy đấy. Phải nhốt bố vào, nếu không, khi tỉnh dậy bố em lại lên cơn, chửi bới đập phá ầm ỹ”.

 

Cha Mừng năm mươi tuổi, ông mắc bệnh tâm thần đã hai mươi năm nay. Cả nhà đã lo chạy chữa nhưng căn bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Cách đây mấy năm gia đình có đưa ông vào Trâu Quỳ, nhưng được một thời gian họ lại trả về, phần vì bệnh đã nặng, phần vì không có tiền đóng góp. Thương bố nhưng cũng buộc phải xích ông lại, nhốt riêng một nơi.

 

Mẹ em, từ ngày bố mắc bệnh, đã trở thành trụ cột trong nhà. Song sự vất vả đã quật ngã bà. Mấy năm nay bà ốm nhiều hơn, sức khỏe giảm sút và mắc đủ thứ bệnh, từ thoái hóa cột sống, bại hông, huyết áp, tim mạch… Chỉ riêng tiền thuốc mỗi tháng cũng ngót 300.000 đồng.

 

“Tháng trước vừa lấy lương em phải trả tiền điện, tiền nước, tiền mua lân đạm bón ruộng đã mất hơn 300.000đ, chưa kể tiền mua thuốc cho mẹ, tiền ăn rồi tiền đóng học cho em Mai hơn 100.000đ nữa”. Ngừng một lát Mừng nói tiếp: “Cuộc sống của gia đình em giờ chỉ mong cho qua ngày thôi” - câu nói được thốt ra từ một cô bé mới 17 tuổi, cái tuổi đáng ra phải hồn nhiên, yêu đời, nhiều mơ ước, nhiều dự định tương lai, khiến lòng tôi thắt lại.

 

Tiễn tôi ra cửa, cả mẹ và em Mừng đều hẹn lần khác tôi vào chơi nhưng có cái gì đó cứ nghẹn lại trong giọng nói người mẹ khiến tôi không thể quay lại nhìn bà. Khi đưa tôi ra tận ngoài đường Mừng bảo hôm trước gặp một bà cụ xem bói, “bà không lấy tiền, còn bảo số em vất vả nhưng nếu cố gắng sẽ có hậu vận”- “Ừ, em hãy cố gắng lên, rồi nhất định cuộc sống sẽ thay đổi”.

 

Lưu Thủy