Tủi lòng thiếu nữ “chân đất”

(Dân trí) - Hôm nay, biết bao bạn gái đang háo hức chờ đợi những món bất ngờ, hoặc còn được quyền ra “yêu sách” với người thân, bạn trai. Nhưng với những thiếu nữ “chân đất” đang vật lộn mưu sinh ở Hà Nội, 8/3 vẫn là kiếm sống và kiếm sống kèm theo nỗi tủi lỏng...

Tủi lòng thiếu nữ “chân đất” - 1
Khắp Thủ đô Hà Nội có rất đông lao động nữ từ các tỉnh đổ về làm đủ các nghề tự do để mưu sinh, trong đó không ít người ở độ tuổi đôi mươi. Vì gánh nặng mưu sinh, họ đã không được sống đúng với tuổi của mình.
 
Hơn 11 giờ đêm ngày 7/3, cô gái Nguyễn Thị Xuân mới kết thúc ngày làm việc của mình tại một cửa hàng ở chợ đêm tại khu vực Hàng Đào. Công việc của Xuân là chờ cuối ngày, xếp hàng hóa đẩy về cửa hàng cho chủ cách đó một cây số. Xuân biết mai là 8/3, cô đã tính sẽ “tự thưởng” cho mình một nửa ngày để thỏa thích ngủ nhưng lúc chiều, một chủ hàng bún miến ngan tại khu vực này đã “đặt việc” vào ngày mai.
 
Xuân năm nay19 tuổi, nhà ở Vĩnh Phúc, bỏ học từ năm lớp 8 theo bạn bè xuống Hà Nội kiếm sống. Mới đầu Xuân bán trứng vịt lộn rong nhưng không có chỗ bán, hôm nào cũng ế nên được gần hai tháng, cô chuyển qua làm “cửu vạn” tự do ở khu vực chợ Đồng Xuân, ai gọi gì làm nấy.

Xuân nói: “Công việc thất thường, lúc ngồi chơi cả ngày, có hôm làm không hết nhưng dù sao mình chỉ bỏ sức chứ không bỏ vốn nên không lo lỗ lãi, được đồng nào hay đồng ấy”.

Nhắc đến ngày 8/3, Xuân ngại ngần: “Em biết chứ. Lao động như chúng em không để ý đến ngày tháng nhưng nhìn không khí là biết. Quanh năm thức khuya dậy sớm, em tính “ngủ một hôm cho đã” nhưng lại không được rồi. Bà chủ hàng ăn nói ngày mai đông khách, phải ra nhặt hành, đun nước, rửa bát đĩa từ sớm”. Rồi Xuân bồi hồi: “Lúc còn đi học ngày này náo nức lắm, tấp nập đến nhà cô giáo chơi. Lúc đó gia đình cũng khổ nhưng mình đã biết gì mà lo”.
 
Tủi lòng thiếu nữ “chân đất” - 2
22 tuổi, Liên đã "bám" Hà Nội kiếm sống được hơn 13 năm.
 
22 tuổi nhưng chưa một lần Liên, quê ở Yên Thành, Nghệ An có khái niệm về ngày 8/3. Nghỉ học từ năm lớp 4, Liên ra Hà Nội bế em thuê, hơn 13 năm “bám” Hà Nội kiếm sống, Liên đã trải qua đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ, bán vé số... và hiện tại Liên bán hoa quả dạo trên đường Hoàng Hoa Thám.

Liên kể: “Em vừa có bạn trai hồi năm ngoái, ở cùng xóm trọ ngoài Xuân Đỉnh. Lẽ ra ngày này năm nay phải khác trước nhưng…”. Liên không dễ dàng nhắc đến việc hồi trước Tết, bạn trai Liên, công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long bị thất nghiệp. Giờ anh đang về quê…

“Nhìn người ta quà cáp mà em tủi thân quá. Một bó hoa của họ bằng tiền làm việc cả tháng của mình. Công việc long đong, chuyện tình cảm chắc không đến đâu. Nhiều người nói em về quê làm ruộng kiếm tấm chồng nhưng em đi hơn chục năm trời, về ai người ta chịu lấy…”.

Tuy nhiên, Liên cũng hớn hở cho hay cô sẽ không phải trải qua 8/3 “chay” như các năm trước. Những bạn nữ trong xóm trọ của Liên đã lên kế hoạch cùng chung tiền nấu một ăn một bữa thật thịnh soạn, còn mua chung một bó hoa về cắm trong phòng để chúc mừng nhau. “Chiều nay bán đến 4 giờ là em về để chuẩn bị nấu nướng”. Liên nói: “Hôm nay trời mưa nên ế hàng quá.  Điều em mong nhất hôm nay là bán hết hàng”.  
 
Tủi lòng thiếu nữ “chân đất” - 3
Sau ngày 8/3, Thuận sẽ nhận được món quà là một chiếc xe đạp do mình… tặng.
 
Bán bỏng ngô, bánh dạo bằng đôi gánh trên vai, quê ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên), chưa đến tuổi 20 nhưng Thuận cũng đã có thâm niên làm việc ở Thủ đô gần 6 năm trời. Thuận cho hay, cố gắng khoảng 2 năm nữa cô sẽ về quê lấy chồng, bạn trai Thuận đang đi xuất khẩu lao động ở bên Tiệp.
 
Cũng như mọi năm, có bao giờ biết đến 8/3 nhưng năm nay, Thuận đã tích cóp được một khoản tiền sắm một chiếc xe đạp, để không còn phải “lội bộ” trong phố mỗi ngày hàng chục cây số. “Xem như mình cũng có quà vậy, dù đó là quà của mình…”.
 
Tủi lòng thiếu nữ “chân đất” - 4
Bao giờ họ có ngày dành cho mình?
 
Tuy vậy, Thuận vẫn không giấu được nỗi buồn:  “Nếu như không có ngày phụ nữ, chắc những người như chúng em còn ít nghĩ ngợi và đỡ tủi thân hơn. Thấy người ta như thế, tối về bạn gái nào cũng có nỗi niềm nhưng không ai nói ra”.

Thuận còn cho biết, ở chỗ trọ lao động của cô trên đường Nguyễn Khang, bên cầu Yên Hòa (Cầu Giấy) có 7 người dưới độ tuổi 22 nhưng chưa ai có bạn trai. “Ai cũng lo chẳng rồi cuộc đời sẽ đi về đâu. Bạn trai em hẹn hai năm nữa về làm đám cưới nhưng đâu nói trước được…”.  

Bài và ảnh: Hoài Nam