Tự xây... “hình ảnh ảo”
(Dân trí) - Một cậu học sinh lớp 11 tỏ ra rất tự hào khi đi khoe với bạn bè, cậu ấy có đến 1.600 cái nick ở trong list Yahoo Messenger. Con số này, với cậu ấy - là thể hiện của mối quan hệ rộng, nhiều bạn bè.
Nhưng khi được hỏi: “Em liên lạc thường xuyên với bao nhiêu nick trong số này?”, cậu ấy đỏ mặt. Vì quá nhiều nick trong số đó, cậu bé ấy chỉ add vào cho tăng số lượng.
Điều này cũng tương tự với List friends trong blog hay trong danh bạ của Mobile. Thúy (học sinh trường Chu Văn An) kể: “Em thường được rất nhiều bạn, thậm chí cả những người không quen biết, đề nghị xin add blog của em. Lúc đầu thì tưởng bở... là blog của mình hay ho. Nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra là rất nhiều người add blog người khác chỉ để tăng lượng friends”.
Với các bạn trẻ đó, lượng friends trong blog cũng là một cách để thể hiện mình. Thể hiện mình có nhiều bạn bè, nhiều mối quen biết, năng động và tự tin.
Một số bạn khác thì thích tăng tầm quan trọng của mình, sự chú ý của mọi người với mình bằng cách, nhận mình có quan hệ thân thiết, hay thậm chí chỉ là “dây mơ rễ má” với các nhân vật “VIP” - nhẹ thì là “hot boy”, “hot girl” trong trường; hoành tráng hơn thì là ca sĩ, diễn viên này kia
Xu hướng thể hiện mình thái quá, và theo những cách “hình thức” thế này đã được rất nhiều bạn nhận diện và đọc tên ngay khi được hỏi về những xu hướng tiêu cực của giới trẻ - “nhận vơ” (theo đúng kiểu thấy người sang bắt quàng làm họ) hay “chém gió” (nổ, nói phét).
Những thợ bánh... vẽ
Những người “thợ” này thì dường như quá bí bách trong cách thể hiện mình, hoặc dường như tự thấy những gì bản thân mình đang có, chưa dủ đề hấp dẫn. Nên họ phải “tô vẽ”, phải tạo hình ảnh ảo.
Minh học ở một lớp chất lượng cao của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Học giỏi, lại khá xinh xắn và năng động, Minh được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng dường như thế là chưa đủ đối với cô. Cô có một thói quen (cũng có thể là sở thích) thêu dệt những câu chuyện hấp dẫn và đặc biệt để tạo nên hình ảnh nổi bật của mình
Từ năm thứ nhất, Minh đã đi khoe lung tung với bạn bè là đến hè cô sẽ được khoa cho đi du học ở Nhật. Bạn bè thán phục, nhưng cũng hơi băn khoăn: “Học Hán Nôm mà khoa lại cho học bổng đi du học Nhật sao”. Thế rồi mãi chẳng thấy Minh đi, hỏi thăm thì cô bảo cô xin không đi.
I’m me - Hãy là chính mình! |
Đến lúc ra trường, bạn bè còn đang chạy tá hoả để tìm việc thì đã thấy Minh thông báo là cô được đủ chỗ mời. Người thì cô khoe là Bộ Nội vụ mời làm, người thì cô khoe là Bộ Văn hóa thông tin mời làm, nhưng cô từ chối. Chỉ khổ thân cho lũ bạn của cô, gặp nhau thì cãi inh củ tỏi lên là “cái Minh nó bảo tao là làm ở chỗ này, chỗ kia”.
Những người mới gặp Minh vài lần ai cũng choáng ngợp về sự đặc biệt của cô. Cá tính, năng động, giỏi giang, chuyện gì về cô cũng hay ho và thú vị. Nhưng bạn bè chơi lâu thì không chịu nổi. Người nào cố gắng lắm thì coi đó như là một thói quen xấu của Minh.
Thêu dệt chuyện về mình nhiều thành quen, Minh chuyển sang thêu dệt chuyện về bạn bè. Một cô bạn làm đám cưới. Chẳng hiểu Minh nghe ngóng, hay nghĩ thế nào mà chat chít tùm lum với các bạn, khoe là mình biết “vì nó mang bầu trước rồi nên mới phải cưới sớm thế”.
Các cô bạn ngây thơ cứ tưởng thật, lọ mọ đi mua đồ cho trẻ sơ sinh để tặng bạn mình. Cô bạn kia lúc mở quà cưới giật thót mình, nghe mọi người nói chuyện, mới ớ người ra, chẳng biết nên khóc hay nên cười vì cái sự thêu dệt của Minh.
Nghe đâu, dạo này Minh đang ở trong Sài Gòn học tiếng Nhật một năm để chuẩn bị đi du học. Nhưng chẳng ai thấy sốt sắng về thông tin đó nữa, gặp chỉ bảo nhau: “Minh nói thì cứ trừ đi quá nửa phần trăm thêu dệt. Bao giờ nó bước lên máy bay, đi thật, lúc đó mới nên tin”.
Dũng (SV Báo chí) thì luôn thấy thích thú khi bạn bè nhìn anh như một chàng trai Hà Nội biết chơi và “sành điệu”. Mua những thứ đồ hi-tech vừa độc vừa rẻ ở đâu, phải hỏi Dũng.
Đặc biệt là điện thoại di động, Dũng cực sành, chẳng có gì là không biết.
Hà Nội có chốn ăn chơi nào sành điệu, có tiệm ăn, quán nuớc nào ngon, có shop nào hay, phải hỏi Dũng. Vì Dũng luôn miệng chê bai bạn mình, Nam mua cái điện thoại này đắt, “bằng này tiền tao mua được cái đời mới hơn nhiều”, Hùng mua phải đồ rởm, “tại mày không kéo tao đi nên bị chúng nó lừa”…
Dũng lại có cái miệng giỏi nói, nói gì cũng trơn tru như kiểu mình rõ nó mười mươi. Vậy là bạn bè tin sái cổ, thán phục trầm trọng. Nhưng sau vài lần nhờ Dũng đi mua đồ cùng, quân sư cho chỗ ăn chỗ chơi, thì tất cả đều ngộ ra Dũng chỉ “sành điệu” ở cái miệng.
Cậu ta thậm chí còn mù tịt về đồ hi-tech hơn cả những người cần cậu ta quân sư. Chỉ cho mấy chỗ ăn uống thì chẳng ra làm sao, chỉ giỏi chém đẹp làm cậu bạn đang muốn lấy le với bạn gái méo cả mặt.
Với những người thích xây hình ảnh ảo này, hình như, họ quên một điều rất quan trọng, được thể hiện cá tính và khẳng định bản thân mình là một khao khát của những người trẻ đích thực.
Hải Dương