Từ người truyền cảm hứng đến những “Nick Vujicic” của Việt Nam

Nick Vujicic - chàng trai không tay không chân - sẽ đến VN và có buổi nói chuyện trực tiếp đầu tiên trên truyền hình tối 22/5 tại TPHCM. Theo đại diện nhà tài trợ, chi phí cho toàn bộ chuyến đi cũng như các cuộc nói chuyện trực tiếp của anh tại VN đến lúc này đã là 32 tỉ đồng!

Nick trong phim “Gánh xiếc bươm bướm”.

Nick trong phim “Gánh xiếc bươm bướm”.
 

Chi phí khổng lồ

 

Con số này khiến không ít người choáng váng. So với kinh phí dự trù ban đầu cho chuyến đi này thì số tiền đã tăng gấp 3,2 lần! Để mang những cuốn sách của Nick đến với độc giả VN, đơn vị làm sách First News (Trí Việt) đã buộc phải cam kết tổ chức cho được chuyến sang VN của Nick. Muốn làm thế, First News phải liên kết với nhiều nhà đồng tài trợ khác và may mắn là đã tìm được.

 

Giờ đây, người ta bắt đầu nhận ra rằng đây không còn là câu chuyện truyền cảm hứng, truyền lý tưởng sống, khát vọng sống cho thanh niên trong nước. Bởi đằng sau Nick không chỉ là câu chuyện kỳ diệu thay đổi tinh thần và tạo sức mạnh vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt cho hàng triệu triệu bạn trẻ trên thế giới, mà còn là câu chuyện về công nghệ khai thác những tấm gương của ý chí thành biểu tượng sống của thành công, của sức mạnh tâm linh.

 

Điều đó cũng được ghi lại trong cuốn tự truyện thứ ba của Nick, được xuất bản tại VN và phát hành vào ngày 17.5 với tiêu đề “Limitless” - “Sống cho điều ý nghĩa hơn”. 15 tuổi, đọc câu chuyện người đàn ông bị mù trong sách Phúc âm của Kinh thánh, Nick đã nhận ra một khả năng mới trong chính mình: “Tôi không phải là một phận người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa hiển lộ công việc của người qua tôi...”. Và khi lớn hơn, anh nhận ra rằng, khuyết tật của anh sẽ giúp anh mang thông điệp hy vọng đến với nhiều quốc gia, với hàng triệu con người. Đối với Nick, “khuyết tật lớn nhất của con người là quyết định đầu hàng số phận”.

 

Hiệu ứng mà Nick mang đến cho cộng đồng xã hội rất lớn và đến nay, người ta tính ngược từng ngày để mong nhìn thấy anh ở ngoài đời.

 

Những ý chí Việt Nam

 

Bản dịch của Nguyễn Bích Lan đến tay độc giả còn tươi màu mực, còn chị thì phải trải qua nhiều ngày làm việc trong bệnh viện, chống chọi với căn bệnh loạn dưỡng cơ đang trở nặng của mình. Chị cũng sẽ là một trong số 24 “Nick Vujicic” của VN được vinh danh trong đêm giao lưu cùng Nick 22.5 tới đây. “Nếu hai cuốn trước của Nick tôi dịch trong tình trạng sức khỏe ổn định, thì tập 3 này tôi phải làm việc trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe. Nhưng vì muốn theo mạch văn phong và có những việc liên quan đến hai cuốn trước, tôi đã cố gắng dịch cho xong. Tôi và độc giả đang háo hức chờ Nick đến VN, như một nhân vật cổ tích bước ra đời thường” - Bích Lan tâm sự qua điện thoại trong buổi họp báo, vì chị không thể bay vào TPHCM.

 

Cùng với Bích Lan, có 23 nhân vật sẽ được tôn vinh về ý chí nghị lực, như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, chị Nguyễn Ngọc Tâm - người mẹ của những đứa con bị bỏ rơi, chị Võ Thị Hoàng Yến - GĐ Trung tâm Khuyết tật và Phát triển TPHCM, dịch giả Nguyễn Sơn Lâm - người khuyết tật đầu tiên chinh phục đỉnh Phanxipan, anh Nguyễn Công Hùng - hiệp sĩ công nghệ thông tin, Nguyễn Thị Thu Thương - cô gái xương thủy tinh sống có ích cho đời, Nguyễn Thị Sơ Ri với 28 huy chương thể thao, Lê Minh Hiền - mẹ của 70 người con khuyết tật...

 

Họ đã làm được rất nhiều công việc có ích, đã cứu sống không ít những mảnh đời, mà đôi khi không nhận được sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Nói như GĐ First News Nguyễn Văn Phước, “khi Nick đến VN, chúng ta mới có dịp chia sẻ và tôn vinh những con người tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, tâm hồn VN. Lâu nay, chúng ta cũng có những con người như Nick, nhưng chưa được quan tâm, chia sẻ về tinh thần. Vậy cộng đồng có sẵn sàng hỗ trợ những cánh tay để giúp những người như Nick đó có điểm tựa và niềm tin vươn tới thành công? Và điều gì có thể làm thay đổi và hồi sinh được tâm hồn, sức sống VN vốn rất tuyệt vời? Chưa bao giờ chúng ta lại ít được nghe về lòng cao thượng, niềm tin, tình yêu cuộc sống, sự dũng cảm hay lẽ sống như vậy. Đó là câu hỏi đau đáu, thao thức khôn nguôi của rất nhiều người”.

 

Theo Minh Thi

Lao Động