Từ lớp 2 vào thẳng... lớp 10

Nhiều người, ngay cả bạn học, cũng khó tưởng tượng được một chàng trai tật nguyền từ lúc lên 8, không cần đến lớp mà thi gì cũng đỗ, kể cả thi vượt cấp 1, rồi cấp 2.

Học tại gia, sau khi tốt nghiệp ĐH, trở về với cuộc đời, anh lại chọn nghiệp mưu sinh làm “thầy giáo tại gia”. Anh là Lê Hữu Tuấn,  thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

 

Từ lớp 2 vào thẳng... lớp 10 - 1

Tưởng chừng Tuấn sẽ tiếp tục lên lớp học sau khi đứt quãng trong 6 năm trời chữa bệnh. Nhưng rồi, cũng vì phải học ở nhà do không ai đưa đi học mà Tuấn đã làm được kỳ tích mà ít ai làm được. (Ảnh: Tuấn trong giờ dạy cho học sinh tại nhà)

 

Học tại gia

 

Một ngày đen tối vào năm 1991, lúc đó 8 tuổi, đang học lớp 2, Tuấn lên cơn sốt, đôi chân mất dần khả năng cử động. Cả nhà khóc lặng khi bác sĩ thông báo Tuấn vĩnh viễn tật nguyền.

 

Hai cha con khăn gói ra ăn chực nằm chờ các bệnh viện suốt 6 năm nhưng vẫn không khỏi bệnh. “Lúc ấy, tôi chỉ muốn làm một thứ, giản đơn nhưng sẽ phần nào làm giảm nỗi đau này là quay trở lại học. Chỉ có học, tôi mới quên được mình đã tật và không phải chạy chữa nữa, chân cẳng đã thế rồi thì chữa mãi cũng chỉ tốn thêm tiền”, Tuấn tâm sự.

 

Bố mẹ nhờ bác Long là người bác họ, lúc bấy giờ là giáo viên trường tiểu học xã Đông Thịnh, sang dạy cho Tuấn. Trong 29 buổi thì học xong chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

 

Vào cuối năm 1997, bác Long cùng các thầy cô Trường tiểu học Đông Thịnh đến nhà động viên, "phá cách" cho Tuấn thi học sinh giỏi toán. Kỳ thi ấy, Tuấn đạt giải nhất toán lớp 5 trong sự ngỡ ngàng của cả thầy cô và bố mẹ. Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm học 1997 - 1998, Trường Đông Thịnh đón nhận một học sinh đặc biệt, đó là Lê Hữu Tuấn. Em đạt bằng giỏi (10 toán, 8 văn). 

 

Năm 1998, lên tuổi 15, Tuấn ở nhà,học chương trình lớp 7 (muộn 3 tuổi so với đúng tuổi đi học). Trong tủ sách, các loại sách từ lớp 6 đến lớp 9 đều được cậu “nghiền” kỹ.

 

Tiếng lành đồn xa, bạn bè cùng lứa gần nhà đến nhà học chung cùng Tuấn. Nhiều “anh chị” lớp 9 cũng không ít lần nhờ Tuấn giảng giải các bài ôn thi tốt nghiệp THCS.

 

Tuấn kể lại: “Nhiều bài mình giảng cho các bạn lớp 9 rồi lên lớp làm đúng quá, thầy cô hỏi sao em làm được. Lúc ấy, thầy cô mới biết tôi có giúp giảng hộ các bạn ấy. Không ngờ, chính từ những lần đó, thầy cô đến nhà động viên tôi thi học sinh giỏi huyện lớp 7. Nhưng tôi không chịu, đòi thi toán lớp 9”. Kỳ thi ấy Tuấn được 45,5 điểm trên 6 môn.

 

Việc một cậu trò chưa hề ngồi trên ghế nhà trường, nay vào cấp 3 đã gây nức lòng  con trẻ xã trên xóm dưới.

 

Tuấn cũng cho biết không phải có phép màu nhiệm nào hết, chỉ là anh toàn tâm toàn lực vào học. Chương trình trong sách giáo khoa không khó, tự học sẽ cho hiệu quả rất cao và lúc ấy độ tập trung sẽ ở mức cao nhất. Kiến thức in hằn trong óc nhanh hơn khi ngồi nghe giảng.

 

Kịch bản 2 năm trước lặp lại. Lần này, chỉ đạt giải nhì nhưng Trường THCS Đông Thịnh lại giúp Tuấn hoàn tất hồ sơ để cậu thi vào lớp 10 Trường THPT Đông Sơn I.

 

Đi học: Gắng ở top đầu

 

Hàng ngày. Trường THPT Đông Sơn I thường thấy một học sinh đặc biệt đến lớp học như bao bạn bè khác. Đặc biệt không phải vì được miễn học môn thể dục, mà 8 năm qua, cậu chưa từng ngồi nghe một giờ giảng bài mà đã ẵm trong mình nhiều giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi ở huyện.

 

Với sự định hướng của bố mẹ, năm 2001, Tuấn thi vào Trường ĐH Hồng Đức với số điểm là 25 điểm (8 toán, 8 lý, 9 hoá). Sau khi đỗ, nhà trường chọn ra 44 học sinh với số điểm cao nhất toàn trường để thi vào lớp chất lượng cao (thi môn toán) và cậu đã đạt điểm cao nhất (7,5 điểm) trong số 15 học sinh trúng tuyển.

 

Những năm học đại học thực sự khó khăn. Hai năm đầu, phải học trên tầng 3, việc đi lại rất vất vả, bạn bè khênh xe nhiều. Năm thứ 4 đại học, Tuấn phải xa nhà chuyển ra ĐHQG Hà Nội để học năm cuối. Tại đây, công việc học tập lại vất vả hơn vì xa nhà ,và phải học trên tận tầng 6.

 

“Đối với người bình thường, những lúc buồn có thể lang thang đâu đó. Nhưng với tôi, buồn cũng như vui, chỉ biết bám lấy cái xe lăn. Gia đình ở xa, bạn bè cũng chỉ giúp phần nào, không thể lúc nào cũng bên mình được. May sao có Linh”, Tuấn tâm sự

 

“Cũng tại đây tôi gặp Linh và chúng tôi đã yêu nhau. Đến khi ra trường, chúng tôi đã tổ chức lễ cưới”.
 
Từ lớp 2 vào thẳng... lớp 10 - 2
 
Anh là Lê Hữu Tuấn cùng con gái lúc thảnh thơi
 
Thầy giáo tại gia

 

Khi vừa cưới vợ xong, đang trong thời gian chờ công tác, một số người gửi con đến để Tuấn dạy kèm học lớp 10 (môn toán và lý). Dần dần trong làng, trong xã, khi các em đến xin học đông hơn, Tuấn quyết định thành lập lớp dạy học. “Mặc dù khi ra trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có quyết định nhận tôi đi làm và chỉ chờ ngày nhận công tác”.

 

Bắt đầu là những em con nhà cô dì chú bác rồi sau đó đến con cái hàng xóm. Cứ mỗi buổi chiều, ngồi chật nhà nghe “thầy Tuấn” giảng bài.

 
Công trả thầy Tuấn khi đó cũng rất khác lạ. Cuối năm, mang nhiều giấy khen về cho “thầy” xem. Ai chưa được thì bị làm nhiều bài tập hơn. Tuấn bảo, ở đời ai cũng phải gắn với cơm áo gạo tiền, dù hoàn cảnh có éo le thế nào đi chăng nữa.

 

Một mặt cũng do sức khoẻ nên Tuấn từ bỏ ước mơ làm công chức để chuyển sang dạy học tại nhà. Sáng, chiều là khoảng thời gian các em học trên lớp hoặc học phụ đạo trên trường. Tối tối, bắt đầu từ 18h, thầy trò cùng chong đèn ôn đề. Sân nhà Tuấn luôn chật kín xe đạp, xe máy, còn trong nhà ít khi ngớt tiếng người. Thậm chí, nhiều phụ huynh ngồi nhâm nhi chén trà với gia chủ để đợi con học xong đón về.

 

Đến giờ, lượng học sinh của Tuấn đã lên tới khoảng 300 em, học thêm hai môn toán và lý. Và đã có rất nhiều em sau khi thi đỗ ĐH đều về thăm và báo công với “thầy” Tuấn.

 

Theo Đức Chính
Vietnamnet