Tác giả cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" Thành Phong

Truyện tranh không phải "con sâu đục khoét tâm hồn"

(Dân trí) - Từng bị gia đình phản đối kịch liệt và cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi nhưng hoạ sĩ trẻ Thành Phong vẫn giữ lấy đam mê truyện tranh, rút ra bài học cho mình từ những vấp ngã.

Vốn là người ít nói, hay cười, Thành Phong ít khi ca cẩm về những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy nhiên, trong buổi giao lưu, trò chuyện với các bạn sinh viên chủ nhất vừa rồi, anh bạn đã chia sẻ một cách chân thành về những rào cản trên con đường đến với truyện tranh của mình.

 

Truyện tranh không phải "con sâu đục khoét tâm hồn"

 

Thành Phong chia sẻ, anh đến với nghề hoạ sĩ vẽ truyện tranh không phải là tình cờ. Từ ngày còn bé, anh đã yêu thích những cuốn truyện tranh và quyết tâm theo đuổi con đường này dù mới chỉ manh nha.

 

Khi thi vào trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, bản thân Phong đã xác định tập trung học những môn học có ích cho công việc vẽ tranh sau này như giải phẫu học, điêu khắc... Phong thường dành thời gian rảnh để tìm hiểu về công việc mà anh có ý định theo đuổi sau này: hoạ sĩ vẽ truyện tranh.

 

Anh tiết lộ rằng, trong túi anh lúc nào cũng có quyển sổ kí hoạ để vẽ lại những gì mình thích. "Tôi làm việc bất cứ khi nào tôi cảm thấy hứng thú". Cách làm việc của Thành Phong khá giống với nhiều nghệ sĩ, tự do nhưng chăm chỉ.
 
Họa sĩ Thành Phong trong buổi giao lưu, trò chuyện cùng các bạn HS, SV
Họa sĩ Thành Phong trong buổi giao lưu, trò chuyện cùng các bạn HS, SV

 

Khi được xin lời khuyên từ một bạn sinh viên, Phong nói đơn giản: "Không có lời khuyên nào cả vì hoàn cảnh mỗi người khác nhau. Tôi chỉ lưu ý là khi các bạn cảm thấy đắn đo trước một sự lựa chọn thì hãy nhìn sâu vào bản thân xem mình thực sự yêu thích điều gì chứ đừng làm vì bất cứ lí do nào khác".

 

Một bạn trẻ đã thẳng thắn hỏi hoạ sĩ Thành Phong về quan điểm của anh trước câu nói: "Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Lắng nghe ý kiến của fan, Thành Phong suy nghĩ một chút rồi trả lời rõ ràng: "Tôi nghĩ quan điểm này không chính xác.

 

Vì bản thân tôi rất đam mê truyện tranh. Tôi là một hoạ sĩ và nếu không có tâm hồn thì tôi vẽ ra sao? Truyện tranh là một phương tiện để thể hiện ý tưởng, thông điệp cũng giống như rất nhiều phương thức nghệ thuật khác. Theo tôi là vậy".

 

Với cách trả lời đúng mực và thông minh của Thành Phong, các khán giả trẻ có vẻ hài lòng và chuyển sang đặt câu hỏi ở một khía cạnh khác: những câu chuyện hậu trường đằng sau cuốn sách đình đám "Phê như con tê tê" (trước đây có tên gọi là "Sát thủ đầu mưng mủ").

 
Thành Phong và Miss Teen Thu Trang
Thành Phong và Miss Teen Thu Trang
 

Bị phản đối khi ra mắt "Sát thủ đầu mưng mủ"

 

Cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" sau khi ra đời đã tạo nên làn sóng trong dư luận, người khen cũng có mà người chê cũng không ít. Đây là khoảng thời gian khó khăn với Thành Phong vì dù đã lường trước được phản ứng của dư luận nhưng việc cuốn sách bị thu hồi đã khiến anh tiếc nuối.

 

Bao nhiêu công sức, hi vọng đổ dồn vào đó nhưng cuốn sách lại không được phép đến tay độc giả. Tuy nhiên, với anh, khó khăn này còn không bằng quãng thời gian vất vả để thực hiện, sản xuất cuốn sách. Vì chí ít, cuốn sách cũng đã được công chúng biết tới, bằng cách này hay cách khác.

 

Thời điểm mới ra sách, Thành Phong nhớ lại rằng, có rất nhiều người không quen biết vào blog, Facebook của anh mạt sát, chửi bới là "đầu óc hủ bại", "văn hoá thấp", "làm vẩn đục sự trong sáng của Tiếng Việt"...
 
Anh kí tặng sách cho các bạn trẻ

Anh kí tặng sách cho các bạn trẻ

 

Cuối cùng, sau khi liên tiếp chịu sự công kích của dư luận, cuốn sách của hoạ sĩ trẻ bị thu hồi. Tuy nhiên, lí do thu hồi cuốn sách là do thủ tục xuất bản chưa hoàn tất. Sau này, khi mọi người có cái nhìn thẳng thắn và bao quát hơn, "Sát thủ đầu mưng mủ" lại được ra đời với cái tên "Phê như con tê tê" cùng một số chỉnh sửa cho phù hợp.

 

Tác giả cũng bật mí rằng, câu mà anh thích nhất trong cuốn sách là "Thất bại vì ngại thành công". Đây là câu nói vui anh dành cho những lúc buồn chán, gặp khó khăn trong công việc.

 

Chiến tranh lạnh với gia đình vì theo đuổi nghề hoạ sĩ truyện tranh

 

Lợi thế sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, Thành Phong sớm có điều kiện được học vẽ và thi vào ĐH Mỹ thuật Việt Nam - trường đại học danh tiếng nhất nhì cả nước về đào tạo hoạ sĩ chuyên nghiệp.

 

Thế nhưng chính lợi thế này đã trở thành khó khăn vô cùng khi chàng hoạ sĩ muốn theo đuổi đam mê truyện tranh. Bố mẹ Phong ngăn cấm anh bạn vẽ truyện tranh vì sợ con mắt mỹ thuật của Phong sẽ thay đổi. Hai bác là người theo đuổi nghệ thuật hàn lâm nên cho rằng truyện tranh không thể hiện được tinh hoa của mỹ thuật.

 

"Đã có một thời gian xảy ra chiến tranh lạnh trong gia đình tôi vì chuyện này. Các bạn biết đấy, khi không được gia đình ủng hộ thì tôi không thể làm việc công khai, phải tận dụng mọi cách để có thời gian, không gian vẽ".

 

Cho tới khi Thành Phong được công chúng đón nhận, gia đình anh mới bớt căng thẳng và dần dần ủng hộ con đường anh đã chọn.

  

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm