“Trút bỏ” của độc trên người
Đến một lúc, những “vết sẹo” của một thời nông nổi, ăn chơi phải lên bàn mổ. Và hậu quả là tốn một mớ tiền và để lại vết sẹo nhớ đời. Xóa <a href="http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/9/139521.vip">hình xăm</a> cũng lắm công phu và nỗi niềm như lúc xăm.
Tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), gặp một thanh niên chừng 35 tuổi, tên Trung, khi anh ta đang ngồi đợi trong khuôn viên của bệnh viện. Nỗi ân hận giày vò Trung vì những hình xăm anh mang trên mình mà không dễ gì thanh minh khi chuẩn bị cưới vợ nên anh đến bệnh viện để tìm cách để xóa hình xăm.
Theo như tư vấn của bác sĩ của Khoa Laser phẫu thuật, hình con rồng xăm ở bắp tay và trái tim nhuộm máu ở ngực của Trung sau khi được xóa bằng tia laser sẽ có khả năng để lại những vết sẹo.
Trung trầm tư: “Giờ tôi đang suy nghĩ, nhưng không trước thì sau cũng phải xóa hết thôi”.
Một trường hợp khác. Trước khi đi lấy chồng, Châu đến Bệnh viện Da liễu quyết định xóa hình những hoa văn xăm quanh bụng như muốn trút bỏ thứ “của độc” mà cô từng hãnh diện. Cô cho biết định sang Thái Lan phẫu thuật, nhưng nghe nói bệnh viện Da liễu có thể làm khá tốt nên tìm đến.
Châu kể: Nghe nói vết xăm có thể tẩy hết nhưng bao giờ cũng để lại sẹo, sẹo xấu hay đẹp, lồi hay lõm là do cơ địa của từng người nhưng “dẫu sẹo còn hơn phải mang hình xăm trên cơ thể”.
Các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân muốn xóa những hình ảnh mà họ đã xăm trong lúc thiếu suy nghĩ chín chắn. Có người từng tự hào về con đại bàng đang tung cánh ở bụng, nay muốn xóa cấp tốc nó đi để làm hồ sơ xuất khẩu lao động hay làm việc ở cơ quan nhà nước. Muốn xóa nhanh, đối với hình xăm quá lớn, cũng không thể nhưng họ cũng đành chấp nhận để trở về hình hài ban đầu.
Mặc dù hiện nay, một số bệnh viện đã áp dụng các phương pháp hiện đại để xóa hình xăm (chẳng hạn như chiếu laser, ghép da) nhưng việc điều trị không dễ dàng, nhiều trường hợp không có kết quả. Nhiều trường hợp bác sĩ phải lắc đầu chào thua.
Chẳng hạn, với phương pháp ghép da, có thể xóa hình xăm cho bệnh nhân mà không để lại sẹo bằng cách lột vùng da xăm rồi thay da vùng khác (của chính bệnh nhân) vào. Nhưng kỹ thuật này chỉ được áp dụng cho những hình xăm có diện tích tối đa bằng bàn tay. Với những hình lớn hơn, bác sĩ không dám mổ vì không thể lột hết vùng da quá rộng, hơn nữa bệnh nhân cũng không đủ da để ghép.
Với những vết xăm quá cũ, xăm bằng máy hoặc dùng mực xăm màu vàng bác sĩ rất khó xóa hết. Thông thường, chi phí cho việc tẩy xóa những hình xăm cao gấp bội chi phí xăm. Giá cả và thời gian tẩy xóa hình xăm thường phụ thuộc vào diện tích (được tính bằng cm) độ sâu cũng như loại màu được sử dụng trong khi xăm.
Ở Bệnh viện Da liễu TPHCM, trước đây xóa hình xăm bằng công nghệ chiếu laser CO2 để lại sẹo do da bị cháy trong quá trình chiếu tia. Gần đây, bệnh viện áp dụng chiếu tia laser Nd-YAG để hấp thu màu mực xăm, không để lại sẹo. Tuy nhiên, với phương pháp mới này, bệnh nhân phải đi lại nhiều lần mới có thể xóa hết, và phải chịu đau trong quá trình điều trị.
Bác sĩ Đặng Hoàng Anh, Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 7 đến 10 ca xóa hình xăm, đa phần ở tuổi 30, là những người chuẩn bị lập gia đình hay tìm được việc làm mới đi xóa.
Ông kể thêm: “Trước đây tôi có xóa hình xăm nguyên một con rồng sau lưng, mỗi ngày chỉ xóa được chừng 10cm, làm hơn một tháng mới xong”. 10 cm xóa hình xăm giá 200.000 đồng, tính ra khách hàng phải tốn trên 5 triệu đồng.
Theo các bác sĩ thẩm mỹ, xăm mình đã để lại những hậu quả khó ngờ mà khi muốn “giải quyết” nó không phải là chuyện ngày một ngày hai. Cho nên các bác sĩ xóa hình xăm mới có lời khuyên rất chuyên ngành: xóa hình xăm cũng là lên bàn mổ, khi đó “niềm tự hào” nhăn nhúm như những vết sẹo.
Theo Sài Gòn Giải Phóng