Trượt phỏng vấn vì câu hỏi tuyển dụng "1+1 bằng mấy?"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ "đơ tại chỗ", không biết nên trả lời như thế nào khi bắt gặp những câu hỏi tuyển dụng có phần oái oăm.

Trong một số cuộc phỏng vấn, thay vì nhìn vào bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, nhà tuyển dụng lại chú trọng hơn với việc đánh giá trí tuệ, phản ứng, cảm xúc của ứng viên.

Theo đó, nhiều bạn trẻ mới bước chân vào thị trường lao động cảm thấy hoang mang trước những câu hỏi tuyển dụng khác xa so với tưởng tượng của họ. Chẳng hạn như: "Tại sao 1+1 lại không thể bằng 3"; hay "em có đồng ý làm "em gái mưa" của sếp không?"...

Một bạn trẻ chia sẻ trải nghiệm phỏng vấn từng có trong một nhóm Facebook có hơn 194.000 thành viên. Người này viết: "Mình có lịch hẹn phỏng vấn cho vị trí nhân viên content (nội dung). Cuộc phỏng vấn rất ổn và mình nghĩ sẽ chẳng có vấn đề gì quá lớn vì vị trí này không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm.

Trượt phỏng vấn vì câu hỏi tuyển dụng 1+1 bằng mấy? - 1
Bạn trẻ "ngã ngửa" trước câu hỏi tuyển dụng có phần oái oăm (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tuy nhiên, cuối cùng nhà tuyển dụng hỏi mình một câu: "1+1= mấy?", mình thành thật nói ra đáp án bằng 2 thì bị "vặn" ngược: "1+1 có thể bằng 3 mà" rồi họ đánh giá tư duy của mình không sáng tạo, không phù hợp. Thật sự mình cũng không hiểu nổi vì lý do lãng xẹt này mà mình trượt phỏng vấn".

Đa số bình luận để lại đều tỏ ra khá thắc mắc trước câu hỏi có phần không liên quan của nhà tuyển dụng.

Người dùng Bùi Minh bày tỏ: "Bạn có thể trả lời rằng hệ quy chiếu không giống nhau cho ra đáp án khác nhau rồi nhẹ nhàng cười "chốt" - công ty không phù hợp với em chứ không phải em không phù hợp".

Lan Anh an ủi: "Bạn không cần hối tiếc vì trượt những công việc như thế. Bởi nếu bạn trả lời bằng 3 thì vẫn trượt thôi, 1+1= 2 thì tư duy không sáng tạo, 1+1=3 thì thiếu trung thực".

Một số người cũng đưa ra những góc nhìn nhận khác. Tài khoản Nguyễn Thanh Huyền cho rằng: "Người ta không cần bạn trả lời câu hỏi đơn giản của trẻ em mà cần khả năng phát hiện câu chuyện của bạn. Điều này thì tùy thuộc vào yêu cầu riêng của từng công việc, vị trí nhân viên nội dung cần sáng tạo, việc trả lời đơn giản và thành thật cho câu hỏi này là chưa đủ, bạn cần chuyển thế chủ động từ câu hỏi của người phỏng vấn thành thế tự trình bày điểm mạnh của bản thân".

Hà Giang Nam viết: "1+1=mấy?" là câu hỏi về toán (hỏi kết quả) nhưng theo mình thực chất người hỏi đang muốn xem sự hiểu biết xã hội và cách trả lời của bạn có gì mới lạ, đặc biệt".

Gặp câu chuyện tương tự, Nguyễn Hường (26 tuổi, Bắc Ninh) cũng từng không vào được vị trí công việc mơ ước vì câu hỏi oái oăm. Hường nhớ lại: "Hôm ấy, cùng đến phỏng vấn với mình còn có hai ứng viên khác. Người chịu trách nhiệm phỏng vấn tụi mình là một nữ lãnh đạo xinh đẹp nhưng có vẻ mặt rất nghiêm nghị. Sau màn giới thiệu bản thân và trả lời một số câu hỏi chuyên môn, người này bất ngờ hỏi "khi nào thì 1+1=3?" khiến mọi người đều ngơ ngác.

Mình đưa ra đáp án "1+1=2" vì từ nhỏ mình được dạy như vậy. Tất nhiên, có thể trong trường hợp này họ muốn thử tư duy, nhưng dù ở góc độ nào mình cũng muốn tôn trọng sự thật. Kết quả là mình trượt phỏng vấn".

Chị Đặng Thành (phụ trách tuyển dụng tại một công ty ở Hà Nội) cho biết: "Ở một số câu hỏi, nhà tuyển dụng không yêu cầu "chắc cốp" rằng ứng viên phải đưa ra câu trả lời khuôn mẫu, đặc biệt là những vị trí đòi hỏi sự sáng tạo cao. Ngoài đáp án thì phía công ty cũng sẽ quan sát phản ứng và cách mà ứng viên đối diện, giải quyết vấn đề.

Bạn trẻ thường cố gắng để nghĩ ra câu trả lời mà họ cho là hoàn hảo nên đôi khi thể hiện rõ nét mặt hoang mang, lo lắng. Những ứng viên mất sự bình tĩnh bởi những câu hỏi như thế thường khó có thể đưa ra phương án giải quyết khi công việc gặp sự cố".

Angela Copeland - Trưởng phòng Marketing của Recruiter.com khuyên, các ứng viên không nên tự phóng đại và cho rằng bản thân mình được ứng xử một cách kiêu ngạo. Ông chia sẻ: "Bạn vẫn nên nỗ lực hết mình và thể hiện với nhà tuyển dụng bằng sự chuyên nghiệp của bản thân".