Trò trêu ghẹo "Giả làm người quen" làm tổn thương trẻ nhỏ?

Nguyễn Hoàng Hà

(Dân trí) - Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video của một nhà sáng tạo nội dung trên Youtube thực hiện trào lưu "Giả làm người quen" để trêu cậu bé bán nước gây tranh cãi trong dư luận.

Mới đây, một tài khoản Youtube có hơn 1,2 triệu lượt theo dõi đã đăng tải một video với chủ đề "Mang thịt về bảo bố nấu cơm, tí chú qua ăn".

Cụ thể, nam Youtuber giả làm người quen của những đứa trẻ bất kỳ trên đường phố, sau đó sẽ đưa thực phẩm cho đứa trẻ đó và dặn: "Về bảo bố mẹ nấu cơm, tí chú qua ăn". Đáng chú ý, trong video có một đoạn trò chuyện giữa nam Youtuber với cậu bé bán nước đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng.

Cuộc trò chuyện đó có nội dung như sau:

Nam Youtuber hỏi trêu cậu bé: "Bố gọi về mà không biết à". Cậu bé bán nước ngập ngừng đáp: "Bố… bố mất rồi". Sau đó, Youtuber hỏi tiếp là mẹ đang làm gì thì cậu bé trả lời mẹ bán nước trà đá.

Trò trêu ghẹo Giả làm người quen làm tổn thương trẻ nhỏ? - 1
Nam Youtuber đang trò chuyện, trêu đùa cậu bé bán nước đang ngồi trên xe đạp. (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngay sau khi đoạn video được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội đã gây ra những phản ứng trái chiều. Nhiều người bày tỏ sự thương cảm trước hoàn cảnh tội nghiệp của cậu bé bán nước. Bên cạnh đó, nhiều người chỉ trích, phê phán nội dung video của nam Youtuber là thiếu nhân văn khi đem trẻ con ra làm trò cười cho thiên hạ.

Không hiểu trò này có gì hay mà trở thành trào lưu

Tài khoản Facebook Nhà Của Cam đã bình luận sau khi xem xong video: "Không hiểu cái trò này có gì hay mà có thể trở thành trend được, thấy nó rất vô duyên. Hỏi lần đầu nghe bé nói vậy đáng ra nên xin lỗi, đằng này lại còn hỏi đi hỏi lại".

Cùng quan điểm, tài khoản Facebook Màu Hồng chia sẻ: "Tôi chả hiểu cái trò này có gì vui mà từ người lớn đến trẻ con hùa chạy theo. Bạn chẳng biết người bạn đùa là ai, đang có vấn đề gì. Bạn chỉ quan tâm đến cái vui đùa mà lôi người lạ, vào trò đùa của bạn".

Bên cạnh đó, tài khoản Facebook Quyt Quyt đã bày tỏ niềm thương cảm trước hoàn cảnh tội nghiệp của cậu bé: "Thương em. Tuổi em ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà em lại vất vả mưu sinh rồi. Cầu chúc em những điều tốt đẹp nhất".

Hành vi "Giả làm người quen trêu trẻ lạ" có thể làm tổn thương tâm lý trẻ nhỏ

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Nguyễn Đức Duy - cử nhân ngành Tâm lý Giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hành vi trên có thể gây tổn thương tâm lý trẻ nhỏ.

Những trò đùa này có thể làm tổn thương trực tiếp tới trẻ em. Khi các em xuất hiện trên mạng xã hội, trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, nhất là các bạn trên trường học thì các em dễ bị bạn bè trêu đùa, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của bạo lực học đường.

Trò trêu ghẹo Giả làm người quen làm tổn thương trẻ nhỏ? - 2
Nguyễn Đức Duy - cử nhân ngành Tâm lý Giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Theo anh Duy, các nhà sáng tạo nội dung làm các video với nội dung "Giả làm người quen để trêu trẻ em lạ" là đang vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Anh chia sẻ, về mặt luật pháp, mỗi đứa trẻ đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Việc những người làm sáng tạo nội dung tự ý sử dụng hình ảnh của trẻ em là đang vi phạm nghiêm trọng tới quyền trẻ em.

Anh Duy chia sẻ: "Những nội dung "Giả làm người quen trêu trẻ em lạ" như vậy rất độc hại và có thể khiến các em đối mặt với nguy hiểm. Khi các nội dung này được đăng tải trên mạng xã hội, vô tình sẽ để lộ thông tin cá nhân của trẻ như: thông tin cá nhân, khu vực sinh sống thậm chí lộ cả tên bố mẹ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện những hành vi trái pháp luật như: Bắt cóc tống tiền, xâm hại hoặc lợi dụng trẻ nhỏ làm việc xấu".

Từ thực trạng này, anh chỉ ra những thiếu sót trong giáo dục kỹ năng sống của trẻ em hiện nay. Anh cho rằng, trẻ em đang thiếu những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử với người lạ. Các em chưa nhận thức được các hành vi, mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh để từ đó có thể ứng phó.

Anh đưa ra lời khuyên: "Nhà trường và phụ huynh cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để ứng phó với những tình huống thực tế.

Trước tiên, cần giáo dục trẻ nhận thức được những tình huống nguy hiểm đang rình rập. Sau đó, hãy giải thích nguyên nhân và hậu quả của nguy hiểm cho trẻ, để trẻ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc phòng tránh.

Kế tiếp, cần hướng dẫn trẻ cách phòng tránh nguy hiểm. Nhà trường và bố mẹ cần giáo dục cho trẻ nhỏ cách phòng tránh nguy hiểm như: Không tiếp xúc hay vội tin lời của người lạ, tuyệt đối không nhận đồ ăn hay vận chuyển đồ giúp người lạ,…

Cuối cùng, nhà trường cần tổ chức các buổi huấn luyện và giảng dạy về đào tạo kỹ năng sống cho trẻ. Từ đó, trẻ sẽ nhận thức rõ ràng hơn và sẽ biết cách phòng tránh".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm