Triệu phú trẻ bản Nà Lé

Mới 27 tuổi, nhưng Hoàng Văn Vấn, dân tộc Tày, thôn Nà Lé, xã Thanh Tương (Nà Hang) đã là chủ của mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thấy quê mình có những khu rừng lau lem rậm rạp, nhiều đồng cỏ hoang xanh non mỡ màng, năm 2006, Vấn bàn với gia đình dốc toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm anh em họ hàng đầu tư mua 6 con trâu sinh sản về nuôi để phát triển kinh tế.

 

Lùa đàn trâu lên rừng cách nhà chừng 5 km, anh cùng gia đình dựng lều lán để lấy chỗ che mưa nắng cho người và đàn trâu. Anh bảo, giữa núi đồi bao la, sương giăng đặc quánh, một mình trong căn lều nhỏ, bao đêm dài không chợp mắt.

 

Tôi lo lắng không biết kết quả ước vọng làm giàu của mình sẽ đi về đâu. Nhất là cái đận do bị nhiễm lạnh, đàn trâu lăn ra mắc bệnh. Gần một tháng lận đận, mất ăn mất ngủ chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm bác sĩ thú y chạy chữa, khi đàn trâu khỏi bệnh tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Cũng từ đó, mình rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá: “Muốn chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao thì không chỉ đơn thuần là bỏ vốn, bỏ sức mà cần phải có kiến thức, có kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh hợp lý; chuồng trại phải được che chắn cẩn thận đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông, nhất là trong những ngày giá lạnh, sương muối phủ kín rừng.

 

Đặc biệt phải thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng… đúng liều, đúng định kỳ”.

 

Hơn một năm vất vả chăm sóc, đàn trâu của Vấn đã đẻ thêm được 4 nghé con. Để có tiền trả nợ anh em họ hàng và mở rộng quy mô chăn nuôi, anh bàn với gia đình bán bớt 2 con trâu trong đàn.

 

Lần đầu tiên trong đời cầm trong tay hơn 10 triệu đồng do chính mình làm ra, món tiền mà cách đó không lâu dù có mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Những dòng nước mắt hạnh phúc cứ chảy dài trên đôi má đen sạm vì nắng gió của anh. Cũng từ đó, khắp làng trên, xóm dưới ai ai cũng nể phục ý chí của chàng trai trẻ.

 

Năm 2008, cùng với việc tiếp tục đầu tư phát triển số lượng đàn trâu sinh sản lên 17 con, Vấn đầu tư nuôi 53 con dê lai, 3 con lợn nái. Anh bảo, sở dĩ mình quyết định đầu tư nuôi dê và lợn bởi những con vật này đều có khả năng thích nghi với đặc điểm khí hậu và điều kiện sống ở quê mình.

 

Dê lai có đặc điểm là ăn tạp, dễ nuôi và chống chịu dịch bệnh tốt, sinh sản nhanh, vốn đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh. Thức ăn của chúng rất dễ kiếm, chủ yếu là các loại cỏ, lá cây sắn, sim mua, lá dâu, thức ăn tinh gồm thóc, ngô, sắn, khoai lang...

 

Để nắm chắc kiến thức trong chăn nuôi, ngoài việc thường xuyên dự những buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, khuyến nông huyện, Vấn còn tích cực đi tìm hiểu các mô hình kinh tế ở các địa phương lân cận, qua sách báo, mạng Internet…

 

Nhờ vậy, đàn gia súc của anh luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Hiện tại từ chăn nuôi, trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh là một trong số ít những triệu phú trẻ tuổi của huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này.
 
Triệu phú trẻ bản Nà Lé  - 1

Chàng trai trẻ Hoàng Văn Vấn làm giàu từ nhiệt huyết tuổi trẻ và ứng dụng khoa học.

 

Năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng theo Chương trình 327 và Dự án 661, anh đã mạnh dạn nhận 4 ha để trồng rừng. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối mịt, Vấn cùng gia đình cần mẫn phát dọn 4 ha đất rừng đã nhiều năm chỉ để cho cỏ lau mọc rậm rạp.

 

Ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày này qua ngày khác lúc nào dân làng Nà Lé cũng thấy anh tất bật công việc. Hơn 1 tháng ròng như thế, cuối cùng anh cũng phủ xanh được 4 ha đất trống đồi núi trọc bằng 400 cây lát, 250 cây keo, trên 500 cây xoan.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng cây uốn lượn vắt ngang sườn đồi, Vấn phấn khởi bảo: “Thấm thoắt rừng cây đã được 3 năm tuổi rồi các anh ạ! Nhiều cây đường kính được 40 cm, chỉ 2 đến 3 năm nữa thôi rừng cây này sẽ cho thu về vài trăm triệu đồng”.

 

 Nuôi nhiều trâu, dê, lợn lại thêm việc chăm sóc 4 ha rừng, Vấn và gia đình làm không xuể nên anh thuê thêm 50 lao động theo thời vụ. Khi cái nghèo không còn “níu áo”, Vấn sẵn sàng chia sẻ để cùng bà con vượt khó, xóa nghèo.

 

Năm 2010, anh được bầu giữ chức Bí thư đoàn xã Thanh Tương, anh có thêm điều kiện tiếp xúc và hướng dẫn bà con những kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt của mình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh, nhiều hộ gia đình đoàn viên thanh niên, như: Đoàn Văn Quân, thôn Yên Thượng; Đoàn Văn Tâm, thôn Nà Đồn... đã xây dựng được mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 

Cùng với đó, anh vận động  đoàn viên thanh niên trong xã tham gia chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn; duy tu bảo dưỡng đường thôn, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương nội đồng, giúp đỡ các gia đình chính sách sửa chữa nhà ở; vận động các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số giữ vệ sinh môi trường; bảo vệ an ninh thôn bản, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

 

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và trong hoạt động đoàn, anh được Tỉnh Đoàn, UBND huyện Nà Hang tặng giấy khen “Thanh niên làm kinh tế giỏi; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI cho những nhà nông trẻ tiêu biểu về phát triển kinh tế khu vực phía Bắc.

 

Theo Đào Thanh

TQĐT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm