Triệu phú nuôi trâu Nguyễn Đình Thiện

Giữa thời buổi đa số thanh niên đều cố gắng thoát ly nông nghiệp, Nguyễn Đình Thiện (sinh năm 1987, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) lại từ bỏ công việc “hái ra tiền” từ xứ Nam, về quê lập nghiệp với đàn trâu theo mô hình chăn thả tự nhiên.

Từ lúc bị cả làng bảo là “hâm” cho đến khi được Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam trao bằng khen vào tháng 10/2014, chàng trai 8x đã chứng tỏ được bản lĩnh “khác người” của mình.

 

Ai bảo chăn trâu là khổ?

 

Biệt danh “Thiện trâu” đã gắn liền với chàng trai chăn trâu làm giàu giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Không “bóng bẩy” như nhiều nghề khác mà bạn bè đồng trang lứa lựa chọn, Nguyễn Đình Thiện vẫn gây dựng được một cơ ngơi khiến bao người ao ước từ nghề chăn trâu.

 

“Xã hội phân công mỗi người mỗi nghề, dù chăn trâu hay là gì thì miễn là làm giàu chính đáng bằng sức lao động của mình thôi. Cho dù ai dè bỉu chăn trâu là cực nhọc thì mình vẫn không bao giờ cảm thấy xấu hổ”, Thiện vui vẻ.

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông, thế nhưng Nguyễn Đình Thiện lại được mọi người hướng cho đi làm như các anh trai, bắt đầu từ việc xin đi phụ xe buýt. Không bằng lòng làm công việc đó, cộng với suy nghĩ phải kiếm được nhiều tiền hơn luôn thôi thúc trong đầu, chàng trai 8x quyết định Nam tiến tìm cơ hội cho riêng mình.

 

Học chưa hết phổ thông, Thiện phải trải qua những tháng ngày trông xe, rửa bát không công khi tá túc tại nhà người quen ở xứ lạ. Sau một thời gian, anh bắt đầu kiếm được chút vốn liếng từ nghề bỏ mối phụ tùng xe máy nhờ đam mê kinh doanh từ nhỏ, cộng với duyên bán hàng “trời cho”.

 

Tưởng sẽ ở lại Sài Gòn sinh sống, Thiện lại bị gia đình giục giã về quê vì lo lắng khi thấy con làm ra nhiều tiền, sợ con hư hỏng, phạm pháp. Mang số tiền dành dụm mua hai chiếc máy phay phục vụ dân làng cày ruộng, vụ đầu Thiện kiếm được 100 triệu đồng.
 
Thiện trâu” bên “gia tài” trên đồng cỏ.
"Thiện trâu” bên “gia tài” trên đồng cỏ.

 

Anh mạnh dạn vay thêm vốn, khởi nghiệp bằng đàn trâu 10 con, bỏ qua những ngờ vực của bà con lối xóm. Là người đầu tiên trong vùng chăn trâu với số lượng lớn, anh chia sẻ: “Vì muốn tự mình làm chủ, không phụ thuộc ai nên mình chủ động lập đàn và chọn phương pháp chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ bỏ hoang. Trừ nguồn vốn bỏ ra mua giống thì không phải tốn thêm chi phí nào nữa, lợi nhuận thu lại dễ dàng hơn”.

 

Thời gian đầu, Nguyễn Đức Thiện gặp không ít khó khăn khi đến nhà dân mua trâu thường không được tin tưởng vì…trẻ quá, phải nhờ bố đi cùng. Quá trình chăn trâu đầu tiên cũng gặp nhiều bất lợi do Thiện thiếu kinh nghiệm, không biết cách chăm sóc nên trâu lớn chậm, khi trâu bị bệnh cũng chưa biết cách chữa trị hiệu quả.

 

Tuy nhiên chỉ sau một năm vừa làm vừa học hỏi, anh đã phát hiện ra nhiều “mẹo” chăn trâu, qua mỗi lứa bán lại xoay vốn mua thêm trâu, đến nay đàn trâu đã lên đến con số 70.

 

Triệu phú nông dân

 

Tùy thuộc vào trâu lùng mua từ vùng nào mà Thiện có cách điều chỉnh riêng để chúng thích nghi với môi trường mới. Chăn đàn trâu “khủng” là vậy nhưng Nguyễn Đình Thiện cho biết, ở thời điểm hiện tại anh rất “nhàn”:

 

“Mình tìm mua một con trâu cái khôn để dẫn đàn, do vậy bây giờ không cần phải dắt trâu đi, lùa trâu về. Sáng mở cửa, trâu tự theo con đầu đàn đến bãi cỏ ăn, trưa 11 giờ trâu tự giác kéo nhau về ao tắm, mình chỉ ra đóng cửa chuồng thôi.

 

Khi đã có kinh nghiệm, mình cũng biết cách chọn trâu giống, biết cách chăm sóc kỹ hơn, ví dụ bây giờ đang là mùa lạnh thì phải giữ ấm cho trâu bằng bóng đèn”.

 

Đàn trâu tiền tỷ của anh với 50 con trâu để làm giống, 20 con trâu nuôi lấy thịt mang về lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm khiến phương pháp chăn thả tự nhiên tưởng như đơn giản lại trở thành mô hình chăn nuôi được nhiều bà con học tập.

 

Anh trăn trở về những khó khăn mà những hộ gia đình chăn nuôi hiện nay gặp phải: “Cái quan trọng nhất để kinh doanh là vốn, mà bà con nông thôn lại vô cùng thiếu thốn. Mình mong nhà nước tạo điều kiện nhiều hơn cho những hộ chăn nuôi được vay vốn làm ăn, giúp họ tận dụng sức lao động để thoát nghèo”.

 

Hiện nay thị trường tiêu thụ trâu của Thiện đã mở rộng thêm nhiều. Anh còn nuôi thêm trâu chọi để bán đi thi đấu tại Phúc Thọ, Đồ Sơn. Mặc dù đã thu hồi được vốn 300 triệu đồng bỏ ra lúc ban đầu và hiện nay mỗi con trâu mang về cho Thiện từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng, anh vẫn nung nấu nhiều dự định lớn trong thời gian sắp tới.

 

“Mình đã ngắm được một đồng cỏ bỏ hoang rồi, đợi khi thời tiết ấm áp và lập xuân mình sẽ chăn thêm một đàn 100 con. Việc lập đàn bây giờ không còn khó khăn như lúc ban đầu nữa bởi vì mình đã có vốn và kinh nghiệm sau nhiều năm “lăn lộn” với nghề”.

 

Hình ảnh chàng trai trông “nhếch nhác” bên đàn trâu lớn giữa lòng Thủ đô Hà Nội khiến nhiều người có thêm niềm tin vào những người trẻ dám nghĩ, dám làm.

 

“Đại gia chăn trâu” đã xây được ngôi nhà khang trang cho bố mẹ và hoàn toàn tự chủ về kinh tế, tìm kiếm niềm vui và động lực sống từ những chú trâu trên đồng cỏ quê hương.

 

Theo Trương Linh

Tuổi trẻ thủ đô