Triết học nơi “đường phố”
Lập ra “triết học đường phố” với mục đích chia sẻ những châm ngôn tâm đắc cho mọi người, cách đây 2 năm, Nguyễn Hoàng Huy (1987) có lẽ không ngờ được rằng trang của mình được nhiều người đón đọc đến thế.
Hóa ra, “cha đẻ” của trang đề cập tới vấn đề tưởng như hàn lâm này lại là người hết sức bình dị với đam mê lớn nhất là “chia sẻ những gì tốt đẹp đến cho mọi người”.
Muốn giới thiệu những châm ngôn chưa ai dịch
Học ngành đồ họa 3D và thu âm nhưng Nguyễn Hoàng Huy lại nảy ra ý tưởng thú vị, độc đáo khi thành lập một diễn đàn triết học. Huy đến với lĩnh vực này cách đây 3 - 4 năm, bắt đầu từ các sở thích cá nhân khi xem các clip, video trên youtube về các kiến thức chính trị, kinh tế, văn hóa...
Triết học đường phố ban đầu được thành lập chỉ là một fanpage trên Facebook vào ngày 1/1/2011, ra đời như một nơi chia sẻ những câu danh ngôn mà Huy tâm đắc.
“Các trích dẫn trên Triết học đường phố đa số đều hiếm và lạ. Danh ngôn nổi tiếng có thể nhiều người biết rồi nên mình muốn giới thiệu cho bạn đọc những châm ngôn chưa ai dịch. Bên cạnh đó, mình còn dịch cả những câu nói hay, ý nghĩa trong phim”.
Anh đã nghĩ rằng: “Lúc đầu mình nghĩ chỉ được khoảng 10.000 thành viên là mừng lắm rồi vì cuộc sống ngày nay người ta dường như không còn thời gian để dừng lại với những suy ngẫm, nghĩ suy nên nếu có cái gì kích thích người ta phải động não thì sẽ không thích”.
Thế nên, ngoài sức tưởng tượng của anh, Triết học đường phố đã trở thành không gian để người trẻ có thể chia sẻ quan điểm về cuộc sống, bàn luận hay thậm chí tranh cãi nảy lửa về các vấn đề xã hội. Có không ít góc nhìn khác biệt từ bài viết đã tạo ra làn sóng phản biện trong cộng đồng người trẻ.
Nguyễn Hoàng Huy - chàng trai lập nên "triết học nơi đường phố".
Hoàng Huy không phải là người nghiên cứu triết học. Anh chỉ là một người thích các triết lý mà thôi. Vì thế, từ “triết học” trong cái tên của trang đã được anh “khoác” nghĩa mới. Với Huy, trong Triết học đường phố thì “triết học” là phụ, “đường phố” mới là chính vì đối tượng muốn nhắm đến, không phải là giới trí thức hàn lâm, mà là mọi thành phần tầng lớp gần gũi trong cuộc sống thường ngày, để ai cũng có thể tiếp cận được.
Huy chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ triết học, triết lý phải cao siêu, phức tạp, khó hiểu nên mình muốn phá vỡ thành kiến đó”.
Giá trị của Triết học đường phố là mang lại cho người đọc những quan điểm, góc cạnh, triết lý về mọi mặt trong cuộc sống, từ đó khích lệ, động viên hay kích thích tư duy. Qua các bài viết, câu nói, website, fanpage cũng đưa ra những gợi ý giúp người đọc giải đáp các câu hỏi rất to lớn, mà các triết học mất cả đời tìm kiếm câu trả lời như: “Tôi là ai?”, “Mục đích cuộc đời là gì?”, “Tôi nên làm gì?”, “Tôi nên sống như thế nào?”, “Chân lý cuối cùng trong cuộc đời này là gì?”... Cho đến những vấn đề rất bình thường trong cuộc sống, về những mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu...
Suy nghĩ khác biệt
Huy học và làm việc ở Mỹ, lại điều hành trang Triết học đường phố nên có điều kiện tiếp xúc với giới trẻ cả hai nước, thấy người trẻ Mỹ có văn hóa tranh luận tốt hơn, biểu hiện rất rõ ở xu hướng sử dụng mạng xã hội.
Anh chia sẻ: “Dựa trên kinh nghiệm và quan sát bản thân, mình thấy người Mỹ đa số không thích những nơi ồn ào, độc lập, tôn trọng sự khác biệt và tranh luận lịch sự. Còn ở Việt Nam, tâm lý đám đông khá rõ nét. Điều này đôi khi cũng cần cho những trường hợp dùng đến sự đoàn kết nhưng cũng có mặt trái nhất định.
Có câu nói vui: “Đoàn kết thì chết hết, chia rẽ thì chết lẻ tẻ”. Tâm lý đám đông không chỉ hại những người xung quanh mà còn hại chính bản thân họ nữa. Ví dụ như sự kiện Huyền chip, tâm lý đám đông lúc bấy giờ là muốn lật tẩy Huyền, đa số còn hùa theo kiến nghị của Trần Ngọc Thịnh đòi cấm phát hành sách.
Mình không bao giờ ủng hộ việc cấm đoán bất cứ cái gì. Tự do mà không cho phép phạm sai lầm thì không phải là tự do đích thực. Nếu chúng ta không có tự do, chúng ta cũng sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Hậu quả để lại là nó giết chết đi những mầm non đang muốn vươn lên, đang muốn khám phá”.
Huy cho biết cách nhìn nhận đánh giá một sự việc của mình phụ thuộc chủ yếu vào những kinh nghiệm, kiến thức, thành kiến, trí tuệ bản thân có ngay lúc đó nên phải luôn nâng cao trí tuệ, kiến thức, tầm nhìn vì khi đã có đủ kiến thức và trí tuệ, sẽ dễ dàng thấy được đâu là sự thật.
Khi tranh luận, trước tiên phải hiểu rõ, nắm vững mọi kiến thức liên quan tới nó và nhận ra được quan điểm được đưa ra như thế nào, với tinh thần tôn trọng, ôn hòa không xúc phạm hay gay gắt.
Thích trải nghiệm nội tâm hơn bên ngoài
Huy cho biết những bài viết, chia sẻ của anh đến với bạn đọc trải qua quá trình chiêm nghiệm thực tế đối với cuộc sống và sách vở. “Một trong những triết lý sống của mình là không ngừng học hỏi, không ngừng tiến bộ, con người của hôm nay tốt hơn con người mình hôm qua nên luôn tự nhủ để bản thân học được điều mới mỗi ngày, phải tự trau dồi kiến thức và trải nghiệm với cuộc sống ngoài đời nhiều hơn”.
Theo Huy, trải nghiệm nhiều hay ít phụ thuộc vào vị trí, môi trường sống, hoàn cảnh sống hiện tại của mình. Nếu không muốn lệ thuộc vào hoàn cảnh, liệu có dám bứt phá không, đó mới là câu hỏi.
Bên cạnh cách trải nghiệm bên ngoài như đi du lịch thật nhiều, không ngừng nắm bắt các cơ hội đến với mình trong cuộc sống, không sợ thất bại..., anh càng đề cao hơn việc trải nghiệm nội tâm bằng các cách như viết, sáng tác, sáng tạo, thiền...
Đam mê của Huy trong cuộc sống này là đem lại những giá trị đến cho mọi người. Anh rất thích câu nói: Hạnh phúc không nằm ở cuối con đường, mà nó nằm trên con đường. Cuối con đường là cái mình sẽ không bao giờ biết được. John Green cũng đã từng viết rằng, "Không có gì xảy ra như tôi tưởng tượng". Quan trọng là mình cứ cố gắng làm tốt nhất những gì trong khả năng của mình ngày hôm nay”.
Theo Hoàng Dung - Hảo Linh
Sinh viên Việt Nam