Trí thức trẻ và bệnh thừa thời gian

“Thừa thời gian” và rảnh rỗi chân tay, đầu óc đang là căn bệnh của hầu hết các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh. Kiến thức cứ rơi rụng dần và họ cũng không có điều kiện giao tiếp, cập nhật với những thông tin thời sự xã hội.

“Bệnh” thừa thời gian

Vừa về nhận việc ở văn phòng Ủy  ban nhân dân huyện, Thu đã được nhắc nhở phải sắm ngay một chiếc vợt cầu lông thật xịn để vui với cả phòng. Chiều nào cũng vậy, gần 3 giờ là cả phòng tíu tít thay áo, đi giày, kéo xuống sân cầu lông xây ngay sau dãy nhà cao tầng, cứ đôi một chia ra để luyện.

Sân cầu lông của huyện ủy thoáng, rộng nên không chỉ "dân" ủy ban mà công chức bên viện kiểm sát, ngân hàng, các phòng ban lân cận cũng kéo sang tập cùng.

Thời gian đầu, Thu chưa dám tham gia, sợ bê trễ công việc. Cô thậm chí còn treo một thời gian biểu ở ngay bàn làm việc, lên kế hoạch những việc cần làm trong ngày và tự nhủ sẽ "gương mẫu". Nhưng "lính mới", việc trọng đại nhất trong ngày là tập trung đánh mấy văn bản phải chuyển về xã và đầu ngày thì chịu khó đến sớm chè nước cho cả phòng.

Về làm việc được bốn tháng, Thu chưa một ngày phải dùng đến kiến thức của 4 năm học Luật. "Gia tài" hữu ích nhất mà cô vận dụng đúng chỗ là kỹ năng gõ văn bản Word, Exel tranh thủ học trong mấy tháng chờ việc.

Vì thế, dù đi làm rồi, lại "được tiếng" là làm ở một cơ quan đầu não của huyện, nhưng Thu còn rảnh rang hơn cả thời gian chờ việc, phải ở nhà làm oshin.

Trang, giáo viên dạy Sử ở một trường cấp ba, mỗi tuần cũng chỉ phải lên lớp đúng 18 tiết. Trường học hai ca. Trong tổ, hầu như ai cũng cố thu xếp để mỗi người chỉ chuyên dạy một ca, hoặc sớm, hoặc chiều và dồn tiết để  mỗi tuần chỉ phải lên trường vài ngày. Thời gian còn lại gọi là để "tái tạo sức lao động".

Với những người có gia đình, càng nhiều thời gian rỗi càng tốt, nhưng với "cánh" giáo viên trẻ, hầu như ai cũng xung phong dạy hai ca, và rải đều các ca trong cả tuần để mỗi ngày còn được xách xe ra khỏi nhà và "được" đi làm việc. Hết tiết, ai nấy nán lại ở văn phòng để tán gẫu đợi tan ca mới về. Vì có về cũng chẳng biết đi đâu, làm gì.

Không mê thể thao, cũng dị ứng với các trò tán gẫu, Huy, cử nhân triết học, làm văn phòng ở Huyện ủy lại chỉ thích "ngủ". Cứ 7 giờ sáng đến cơ quan điểm danh, đưa công văn đi các phòng và ngồi duyệt báo với anh em xong là dúi vào một xó "ngủ".

Hỏi vì sao ngủ mãi không chán, thì Huy than, cả năm cũng chỉ bận rộn theo thời vụ dăm ba tháng, công việc cứ đều đều, lại không thích tụ tập chè chén nên vẫn duy trì được tính thích ngủ từ hồi sinh viên. Huy coi đó là cách để "giữ mình trong sạch".

"Thừa thời gian" và rảnh rỗi chân tay, đầu óc đang là căn bệnh của hầu hết các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh, đặc biệt cơ quan cấp huyện.

Những kiến thức đại học cứ dần rơi rụng và họ cũng không có điều kiện giao tiếp, cập nhật với những thông tin thời sự xã hội.

“Hẹp hầu bao”

Đang nhận mức lương của một công chức vừa hết tập sự tròm trèm chín trăm, nhưng Quân (làm việc ở phòng Khuyến nông huyện) vẫn sắm cho mình một chú dế chỉ để bạn bè tiện gọi nhau đi nhậu. Tổng thời gian Quân làm việc trong ngày chưa đầy 4 tiếng (đầu giờ sáng và chiều) nên hễ anh em đang ngồi ở đâu, chỉ "nháy" máy là vọt xe đi ngay.

Chưa vợ con, lại ở với bố mẹ, nên tiền lương, thưởng..., Quân dành để vỗ béo mấy bà chủ quán bia và nuôi dế. Ngày nào hội của Quân gồm mấy công chức trẻ đang làm việc trong các phòng ban hoặc dạy học loanh quanh thị trấn huyện..., cũng la đà quán xá và là khách ruột của mấy quán Karaoke trong thị trấn.

Không đêm nào Quân về nhà trước 24 giờ. Chưa kịp tự hào vì xin được cho con trai về làm việc gần nhà, bố mẹ cậu đã tá hỏa lo đi kén con dâu về để có người cai quản cậu con trai ham chơi.

Văn phòng của Thu hàng tháng ngoài tiền lương cứng còn được "trợ cấp" thêm 4000 đồng tiền chè/tháng. Tháng nào nhận lương thấy hụt mất tiền chè là chị em trong phòng lại kéo nhau đi... kiện.

Có điều, tiền chè lĩnh rồi nhưng chẳng ai xuất hay góp quỹ để mua. Hễ thấy hộp chè trên bàn ngót, Thu lại được các chú nhắc nhở chạy ra quán chè chén đầu cổng mua tạm một ấm. Tuần nào cũng vậy, tiền chẳng là bao nhưng khiến cô lúc nào cũng ức chế.

Văn phòng Thu thường xuyên phải tiếp khách dưới xã lên làm việc nên, để cải thiện, mọi người nghĩ ra một loại quỹ, thu hàng tháng gọi là "phí giao dịch".

Thu trẻ nhất, được cử làm thủ quỹ đứng ra quản lý mọi khoản chi tiêu tập thể. Khổ nỗi, quy ước thu quỹ 10.000 đồng/xã nhưng không giải thích được rõ ràng là thu vì lí do gì nên cuối tháng, thấy cán bộ xã lên làm việc, phải đưa sổ sách ra giải thích này nọ sao cho người ta phải móc hầu bao ra nộp đủ 10.000 đồng là Thu "tê" hết cả mặt.

Khoản 10.000 đó, cả phòng góp nhóp làm một bữa tươi cải thiện cuối tháng. Và Thu chẳng bao giờ có mặt trong những bữa ăn tươi đó. Cô thấy mình sắp biến thành một công chức "hành là chính" mà mình vẫn thường cười khẩy khi đọc trên báo chí thời còn là sinh viên Luật.

Chẳng riêng gì Thu, trong buổi họp lớp đại học vừa rồi, đem niềm tâm sự về những chuyện tủn mủn, vụn vặt khi làm việc ở cơ quan cấp huyện ra kể với một cô bạn thân cũng là công chức trẻ đang tập sự ở cơ quan cấp huyện thuộc tỉnh P.T, thì Thu nhận ngay được thái độ đồng cảm.

Cô bạn tên Phương, tốt nghiệp Đại học Luật nhưng cũng không đủ "cơ" để xin vào Tòa án, Viện kiểm sát, đành chấp nhận làm trái nghề ở phòng thủy lợi.

Non kinh nghiệm nhất phòng, nên ngoài việc mỗi ngày phải cắm mặt vào đống văn bản hệ thống tưới tiêu gõ cho cả phòng, Phương phải làm chân chạy chọt in ấn, photo tài liệu, giấy tờ các loại.

Cả phòng có một cái máy in và máy photocoppy nhưng mỗi lần cần xử lý tài liệu, dù chỉ là dăm bảy trang, cũng phải làm giấy xin phép, chạy lòng vòng đi xin chữ ký của trưởng phòng, xin giấy của văn thư rồi mang đến đồng chí phụ trách máy móc...

Mà không phải trưởng phòng lúc nào cũng ngồi ở cơ quan. Một ngày thậm chí phải in đến dăm ba lượt, mà thủ tục vẫn y nguyên. Để được việc, Phương đành bỏ tiền túi xách xe chạy ra ngã tư huyện photo. Lương tập sự dăm ba trăm, lại bị thâm thủng ngân sách vì việc công khiến cô không khỏi "tấm tức" "chỉ biết đợi đến lúc nào có lính mới về phòng để trút gánh nặng".

Dịp 8/3 vừa rồi, Phương thay mặt cả phòng đi nhận tiền cho chị em. Về mở ra, phong bì xấp xỉ 200 nghìn đồng. Phòng có 11 người. Chia mỗi người 20.000 vẫn thiếu một suất. Thế là tất cả hùa vào nhau, bảo Phương trẻ trung xinh xắn nhất phòng, tạm thời chưa được chia. Cứ chịu khó chạy lên xin sếp "mừng tuổi" cho đủ suất.

Phương bộc bạch: "Tiền không đáng là bao nhưng cách hành xử với đồng tiền nhỏ mọn quá khiến em thấy nhếch nhác và vụn vặt".

Cô cho biết, ngoài lương chính, hầu như không ai có thêm khoản phụ thu nào. Trong khi đó, ai mới có gia đình trẻ thì lo nuôi con cái học hành, ai lớn tuổi lại lo gom góp tiền đi "mua việc" cho con. Ai cũng phải tằn tiện và chắt bóp trong cái vòng luẩn quẩn ấy.

Theo Lê Nhung
Vietnamnet