Trèo rào công viên nước: "Cuồng" miễn phí hay "kém miếng khó chịu"?

(Dân trí) - Chuyên gia văn hóa Nguyễn Thị Minh Thái phân tích nguyên nhân và thực trạng xã hội dẫn tới hiện tượng leo rào vào công viên nước để tắm miễn phí.

Người dân leo rào sắt để vào tắm miễn phí tại công viên nước HT, Hà Nội

Người dân leo rào sắt để vào tắm miễn phí tại công viên nước HT, Hà Nội

Sau khi Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) tạm đóng cửa vì quá tải, hàng trăm thanh niên, phụ huynh, trẻ em đã mạo hiểm trèo rào vào trong tắm miễn phí gây nên cảnh hỗn loạn sáng 19/4.

Để được vào chơi trong công viên nước Hồ Tây, không ít người đã bất chấp nguy hiểm, vượt qua hàng rào sắt sắc nhọn để vào bên trong. Thậm chí, nhiều cô gái mặc váy cũng táo tợn leo rào vào công viên nước, mặc kệ bao người "mắt tròn mắt dẹt" bên dưới. Các bậc phụ huynh cũng bế con leo rào, dù những đứa trẻ khóc lóc sợ hãi…

Trước sự việc này, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn cho rằng: “Việc người dân tự làm xấu mình chỉ vì ham miễn phí đã là một hiện tượng không còn mới. Tôi ví dụ như vụ “cướp” sushi miễn phí đã từng xảy ra ở một nhà hàng Hà Nội nhân ngày khai trương miễn phí, hay như vụ hôi bia ở Đồng Nai cũng vậy.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích về vụ leo rào công viên nước (Ảnh: TT&VH)

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích về vụ leo rào công viên nước (Ảnh: TT&VH)

Hiện tượng này liên tục tái diễn là bởi một số người dân ở thành thị có xu hướng hành xử theo thói quen tùy tiện, bản năng. Đây là di tích của thói quen hành xử còn rớt lại từ xa xưa trong xã hội nông thôn Việt Nam, rất thích của trời ơi đất hỡi mà không phải mua bằng tiền, hoặc do tâm lý tiểu nông, thấy người khác có mà mình không có thì tị nạnh, bởi “kém miếng khó chịu”.

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thị Minh Thái, xã hội thành thị hiện đại của chúng ta đang phải chịu sự va đập giữa lối sống tiểu nông xưa cũ và lối sống hiện đại thời kì phát triển và hội nhập. Những va đập đó nằm trong bi kịch của sự phát triển ở Việt Nam, từ một xã hội nông nghiệp, khi tiến lên một xã hội công nghiệp hóa hiện đại hóa và đô thị hóa…

Xã hội Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, dù đã sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, vẫn còn mang đậm thói quen làng xã, chưa hòa nhập hoàn toàn với nhịp sống của một xã hội hiện đại, chính là một thực tế mà bà Nguyễn Thị Minh Thái đã phân tích từ góc nhìn văn hóa và phát triển.

Bà cho rằng, khi thói quen làng xã vẫn còn hiện hữu trong đời sống xã hội hiện đại ở Thủ đô, khiến cho Hà Nội vẫn cứ "giông giống" như một cái làng. Do còn mang nặng “căn tính nông dân” (chữ dùng của GS. Trần Quốc Vượng) nên người dân Thủ đô vẫn còn khá nhiều người mang lối ứng xử “tiểu nông tư hữu”, tham rẻ, tham của cải không mất tiền (miễn phí).
 
Chính vì tham miễn phí cho nên Hà Nội mới xảy ra sự việc như ở công viên nước vừa qua. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng: tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Những vị quản lý công viên nước Hồ Tây cũng không tính toán, đo lường được hậu quả việc miễn phí, nên trong công tác quản lý đã để xảy ra những thảm cảnh về văn hóa như vậy ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, thì người quản lý cũng phải chịu phần trách nhiệm.

Chuyên gia Minh Thái còn so sánh Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh - nơi tiếp xúc với văn hóa đô thị sớm hơn. Theo bà, câu nói “Không thanh lịch cũng là người Tràng An” tới nay đã không còn trọn vẹn ý nghĩa, khi cư dân thành thị ở TP. Hồ Chí Minh có lối ứng xử văn minh hơn.

Nhiều cô gái mặc váy ngắn leo rào công viên nước để được tắm miễn phí

Nhiều cô gái mặc váy ngắn leo rào công viên nước để được tắm miễn phí

“Trong sự phát triển của xã hội với tốc độ nhanh, người dân đô thị có thể chưa kịp thích ứng, chưa kịp thuận theo nếp sống văn hóa mới ở đô thị.
 
Dễ thấy nhất là việc ý thức tham gia giao thông còn kém, rồi sự tùy tiện đối xử với môi trường sống, đi vệ sinh tự do giữa nơi công cộng… Hiện tượng leo rào để tắm miễn phí vừa qua chỉ là một trong số đó. Tôi cho rằng, đó là hành động vô cùng xấu xí”, bà Minh Thái chia sẻ.

Chuyên gia Minh Thái lo ngại rằng, nếu không nhận thức được “tấn bị kịch” xuống cấp về sinh hoạt văn hóa ở các đô thị, đặc biệt là ở Thủ đô thì chúng ta sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả.

Tuy nhiên, bà cũng nhận định, xã hội cần phải trải qua quá trình chuyển tiếp, đào thải, thanh lọc những yếu tố phi văn hóa vì đó là điều tất yếu. Bà lạc quan chỉ ra rằng giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng này thì xã hội sẽ ngày càng văn minh, phát triển hơn.

PGS.TS Minh Thái lấy ví dụ, sau khi xảy ra vụ hôi bia ở Đồng Nai, báo chí đã lên án rất mạnh mẽ hành vi hôi của, dẫn đến nhận thức và hành vi của một bộ phận người dân đã có sự điều chỉnh.
 
Nhờ vậy mà, một số sự việc tương tự xảy ra sau đó như tài xế đánh rơi nông sản, mì tôm trên đường đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Người dân xuống đường nhặt hàng hóa rơi vãi trả lại người bị nạn thay vì hôi của.
 
Thế nhưng những ứng xử văn minh trong các trường hợp như vậy vẫn chưa chiếm tỉ lệ áp đảo trong thực tế xã hội, cho nên chúng ta, nhất là từ cả hai phía, người quản lý đô thị, và người dân đô thị cần phải có nhu cầu đảo ngược vị trí số ít và số nhiều.
 
Những hành vi đẹp cần phải thay thế hành vi xấu xí, thì mới đạt được mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, trước hết phải ở Hà Nội Thủ đô…

Mai Châm (ghi)