Trên bầu trời có tên một phụ nữ Việt

Kết quả nghiên cứu của cô khiến cả giới khoa học Mỹ phải kinh ngạc... Người ta đã quyết định lấy tên Jane Lưu đặt cho thiên thạch mà cô khám phá ra bên ngoài Thái Dương hệ.

Bắt nguồn từ một sự đam mê

 

Năm 1951, một nhà thiên văn người Mỹ gốc Hà Lan đã đưa ra giả thuyết rất quan trọng là có một dãy vật chất nằm bên ngoài hành tinh xa nhất trong Thái Dương hệ của chúng ta. Giả thuyết này được đặt theo tên ông Kuiper là dãy Kuiper (Kuiper Belt). Thế nhưng sau đó hầu như chẳng ai quan tâm đến giả thuyết này cho tới khi nó hấp dẫn một nhà thiên văn trẻ người Việt vào năm 1987.

 

Khi ấy đang là sinh viên năm thứ nhất cao học tại Viện đại học MIT (Massachusset), Jane Lưu nhớ lại: “Lúc ấy, mọi người nói với chúng tôi dãy Kuiper là một ý tưởng hoang đường, và chính vì thế, chúng tôi không được hỗ trợ, giúp đỡ cho việc tìm kiếm dãy Kuiper”.

 

Jane Lưu và người hướng dẫn của cô David Jewitt quyết định tự bỏ tiền túi ra để trang trải cho công việc nghiên cứu này trong thời kỳ khởi đầu. Jane Lưu và David Jewitt đã chứng minh cho những người hoài nghi về giả thuyết Kuiper Belt là họ đã sai lầm.

 

Trong vòng 10 năm liền, cứ vào mỗi mùa hè giáo sư thiên văn học trẻ Jane Lưu bay đến Hawaii ba tuần lễ. Mỗi đêm, cô leo lên đỉnh núi lửa đã tắt, ở độ cao 4.000m trên mực nước biển, để quan sát các vì sao qua kính thiên văn cực mạnh trên đỉnh ngọn núi lửa đã tắt. Và khi mặt trời lên ở phía đông thì cô xuống núi và trở về trại. Tại đó, cô phân tích các dữ kiện được khám phá trong đêm qua rồi sau đó mới đi ngủ, để khi mặt trời lặn lại tiếp tục leo lên núi.

 

Nhẫn nại và đam mê trong 10 năm liên tiếp, một phần thưởng lớn đã đến với cô vào năm 1992, khi cô khám phá ra một thiên thạch đầy đá và băng đá quay xung quanh mặt trời ở ngay bờ mép của Thái Dương hệ, nơi tiếp xúc giữa Thái Dương hệ của chúng ta và vũ trụ bên ngoài.

 

Khám phá độc đáo và quan trọng

 

Tiến sĩ Jane Lưu, nhà thiên văn học Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, được cha dạy tiếng Pháp từ nhỏ, học ở một trường Tây.

Jane Lưu theo gia đình định cư tại Mỹ từ năm 12 tuổi.

Hiện cô đang công tác tại Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ).

Nếu bạn thích cái gì, bạn sẽ nghĩ ngợi thường xuyên tới nó, theo dõi sát sao nó, rồi một ngày ý nghĩ thiên tài sẽ bật ra trong đầu bạn. Nếu bạn kiên trì với công trình của mình, bạn sẽ sáng tạo ra cái gì đó. Nếu bạn có niềm đam mê thì bạn đã đi được nửa quãng đường. Tôi thích nhất là câu châm ngôn của Thomas Edison: “Vĩ nhân chỉ 1 phần trăm thiên phú còn lại 99% là mồ hôi”.  

 

Khám phá này rất quan trọng vì nó không chỉ là kết thúc câu chuyện huyền thoại về dãy Kuiper mà còn tạo ra một hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ của chúng ta.

 

Thiên thạch mà giáo sư Jane Lưu phát hiện là thiên thạch đầu tiên trong dãy Kuiper - một vùng không gian chứa đầy những mảnh vụn thiên thể được xem là những mảnh vụn khi Thái Dương hệ của chúng ta hình thành.

 

Sau khi nhà thiên văn trẻ tuổi khám phá ra thiên thạch đầu tiên trong dãy Kuiper thì các nhà thiên văn và những nhà khoa học khác bắt đầu lao vào công cuộc săn tìm các thiên thể và sự hình thành của dãy Kuiper, mà từ đó, tạo ra những ý tưởng mới giải thích sự hình thành Thái Dương hệ. Cho đến nay, trên 60 thiên thạch đã được khám phá trong dãy Kuiper, nhưng các nhà thiên văn và khoa học ước đoán có tới khoảng 70.000 thiên thạch trong dãy Kuiper này.

 

Cuộc săn tìm những bí ẩn trong dãy Kuiper trở thành một cuộc săn tìm kho báu trong vũ trụ mà trong đó người “thợ săn” tiên phong Jane Lưu là một tên tuổi lớn, bởi vì dãy Kuiper đang ẩn chứa những dấu vết bí mật của nguồn gốc hình thành Thái Dương hệ.

 

Khám phá của giáo sư Jane Lưu về sự hiện hữu của dãy Kuiper mà trước đó bị hoài nghi là rất quan trọng, mang tính chất cách mạng, bởi nó làm thay đổi nhận thức thế nào là hành tinh, về sự hình thành, về thế giới vật chất xung quanh và ngoại vi Thái Dương hệ. Khám phá của cô gái người Việt được đánh giá là đi vào lịch sử của những phát hiện lớn của nhân loại.

 

Theo Thanh Niên, Người Viễn Xứ