Trào lưu “dậy thì muộn”
Một cô gái đang dung dăng dung dẻ với bạn trai. Vừa nhác thấy bóng một chú chó, cô gái đã mau miệng “ngây ngô”: “Con gì ngộ vậy?” với anh bạn kia. Đến khi bị chó đuổi, cô mới chịu hét ầm lên “Chó, chó…”.
Câu chuyện “ngây thơ” ấy lại đang được nhiều cô nàng tuổi teen lấy làm bí quyết, tạo nên trào lưu “dậy thì muộn” trong thế giới teen @.
Những nàng teen không chịu lớn
Phương, lớp 10, trường T, vẫn được bạn bè trong lớp yêu quý. Đùng một cái, tác phẩm Mẹ vắng nhà của Nguyễn Đình Thi đã làm “thay đổi cuộc đời Phương”. Chả là từ dạo đóng tiểu phẩm Mẹ vắng nhà xong, đi đâu Phương cũng nũng nịu “em giống má cái mũi con mèo mừ”.
Với những câu nói bình thường, Phương cũng chêm thêm ít nhất là vài tiếng “mừ” nhõng nhẽo hệt như trẻ con. Thoạt đầu, bạn bè trong lớp cũng vui, tức cười nên vỗ tay đôm đốp, nhưng nghe lâu dần bắt đầu “dị ứng”. Không ai đủ kiên nhẫn trước tần số nhõng nhẽo “mừ mừ” quá thường xuyên của Phương.
Minh lại là một tình huống “trẻ con toàn tập”. Tiếp xúc lần đầu với Minh (lớp 11, trường N.D), ai nấy đều lầm bảo, “cái Minh dễ thương thật”. Không lầm sao được khi đã khéo léo biết cách “hòa âm phối khí” giọng nói của mình với một chút xíu “nũng nịu”, rồi “thêm mắm dặm muối” vài câu cửa miệng “ngây thơ” kiểu như “Ơ!”, “Thế à?”, “Sao lạ vậy?”, “Hay nhỉ!”…
Hồi mới quen, ban đầu ai cũng nghĩ không biết thật, nên cười xòa “tư vấn miễn phí” cho cô nàng. Nhưng đến khi “Ơ, sao hay thế?” với cả cái chuyện lau bảng thì cả lớp bắt đầu đâm cáu. Đến phiên trực nhật của tổ, Minh được phân công cầm chổi quét lớp. Chốc chốc, cô nàng lại “xoay ngang xoay dọc... thân người (thay vì thân chổi), vung vài câu vu vơ: “Cầm chổi thế này có phải không vậy?”, “Làm thế nào để quét sạch thế?”, “Ơ, cái gì thế này?”…
Chẳng ai muốn trở thành cái tổng đài 1080 cho Minh thêm một lần nào nữa, nên các thành viên còn lại trong tổ đành “cay đắng” giành luôn phần trực nhật của Minh.
Minh Anh (lớp 12, trường T) thường tâm sự với bạn bè về cái khoản hồn nhiên nhí nhảnh, nai tơ ngơ ngác của mình. Bằng chứng ngay tức thì, Minh Anh tự cho phép mình có quyền “méc” với ba, với mẹ, từ những chuyện con con như “thằng T ngồi trong lớp chê con mũi tẹt” cho đến chuyện bé tí hin như “con L hôm qua vừa giẫm lên chân con”.
Từ dạo đó, Minh Anh dính luôn cái biệt danh “công chúa méc”. Thành tích gần đây nhất của “công chúa méc” là chuyện: “Cô giáo “dám” đem chuyện giới tính ra bàn trước lớp, ngượng quá đi!”
Những “cô bé mẫu giáo” học cấp ba
Tự gạt bỏ của mình cái quyền được lớn, nhiều bạn gái muốn mãi là “trẻ con” để được cưng chiều, quan tâm, để được thấy mình quan trọng, được săn đón.
Trang (lớp 11C, trường N.H.H) mỗi lần đi ăn cùng đám bạn là mấy tên con trai trong nhóm phải tự biết “nghĩa vụ” lột vỏ tôm, cạy ốc ra khỏi vỏ, để sẵn hết ra đĩa cho Trang ăn “cho dễ”, vì “dễ tổn thương”, “mau xúc động”, Trang có thể thút thít ngay cả khi bị kim châm phải tay trong lúc cạy ốc.
Huy (lớp 12, trường N.K) phải hì hụi đạp gần mười cây số ngược đường đến trường, để chở cô bạn Nga cùng lớp, với lý do “trẻ con”: không biết chạy xe. Để rồi sau đó, cu cậu phải mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến cô bạn bệ vệ cưỡi con Attila phóng cái vèo qua mặt mình.
Với Minh Anh, câu chuyện về cô “công chúa méc” ở trên, nơi mà chính những quan niệm sai lầm của bố mẹ đã làm loạn nhịp “trưởng thành” của một cô bạn dễ thương. Sáng, đi học đã có tài xế đưa, trưa, đã có tài xế đón. Học, cũng có người học cùng. Hầu như, cô không còn lấy một cơ hội, dù là nhỏ nhất, có được một khoảng không gian riêng để có thể tự do quyết định lấy những việc mình làm, có thể tự lập, ngang vai phải lứa với chúng bạn, không phải sống bám, dựa dẫm vào quyết định của bất kỳ ai khác.
Nhiều ông bố bà mẹ sợ con cái của mình, nhất là con gái lớn lên, nên không chỉ bao bọc quá mức, mà còn hài lòng khi cô con gái lớn cứ ngây ngây ngô ngô như thế! Vậy là yên tâm khi thấy con mình còn chưa lớn để có thể mắc míu vào những “chuyện người lớn vu vơ”.
Theo Hoa Học Trò