Trào lưu bỏ việc về quê "ăn bám", được cha mẹ trả lương 13 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng khiến cho nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách về quê sinh sống. Họ coi chăm sóc cha mẹ như một "công việc thực thụ".
Cuộc sống tại những thành phố lớn đang dần trở nên khắc nghiệt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Điều này khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và quyết định về quê sống với cha mẹ, đồng thời làm "con cái toàn thời gian".
Công việc đặc biệt
Theo SCMP, vì cảm thấy áp lực, mệt mỏi với công việc hiện tại, Nianan quyết định nghỉ việc và trở về quê nhà.
Tại đây, cô làm "con gái toàn thời gian" cho cha mẹ. Cô dành hầu hết thời gian để chăm sóc cha mẹ, đưa họ đi du lịch, nghỉ dưỡng tại nhiều địa điểm khác nhau.
Công việc này giúp cô kiếm được 4.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 13 triệu đồng).
Trước đây, Nianan làm việc tại một hãng thông tấn trong khoảng thời gian 15 năm. Thế nhưng, khối lượng công việc ngày càng tăng lên và cô không thể cáng đáng được.
Thấy con gái làm việc vất vả, cha mẹ Nianan đề nghị cô trở về quê sống cùng họ, đồng thời hứa sẽ chu cấp cho cô một khoản tiền hàng tháng, miễn là cô chấp nhận làm "con gái toàn thời gian".
Được cha mẹ động viên và ủng hộ, cô quyết định nghỉ việc ở thành phố lớn, dành toàn bộ thời gian ở bên gia đình. Cô nói rằng, mình đang làm công việc "ngập tràn tình yêu thương".
Vào mỗi buổi sáng, Nianan dành một tiếng để khiêu vũ với cha mẹ, sau đó đưa họ đi mua sắm ở siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa. Đến tối, cô phụ trách nấu ăn cho cả gia đình.
Cô cũng đảm nhận tất cả công việc liên quan đến sửa chữa đồ đạc, di chuyển hay du lịch. Mỗi tháng, cả nhà cô sẽ có 1-2 chuyến đi chơi xa cùng nhau.
Nianan cảm thấy rất yêu "công việc" mới này, bởi nó khiến cô trở nên bình tĩnh và thư giãn, dù đôi lúc cô cũng có suy nghĩ muốn tìm công việc khác nhiều tiền hơn.
Bố mẹ Nianan hoàn toàn ủng hộ quyết định của con gái.
Họ nói với cô: "Nếu con tìm được công việc phù hợp hơn thì con cứ làm. Còn nếu không muốn làm việc, cứ ở nhà sống với cha mẹ cũng được".
Những công ty cho "thuê người nhà"
Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao là nguyên nhân khiến khái niệm "con cái toàn thời gian" ra đời.
Đây được coi là giải pháp thay thế cho những người ở Trung Quốc đang phải đối mặt với hiện thực khắc nghiệt tại các thành phố lớn.
Các nhân viên phải làm việc theo guồng quay "996" - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần và không có thời gian chăm lo cuộc sống cá nhân. Xu hướng làm việc này đã được các tỷ phú công nghệ như Jack Ma, Richard Liu tán thành.
Tuy nhiên, kiểu làm việc "bán sống bán chết" vấp phải rất nhiều chỉ trích. Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc và Bộ Nhân sự và An sinh xã hội đã ban hành một loạt các quy định để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trường hợp của Nianan là do cha mẹ dư dả tài chính nên mới có thể lo cho cuộc sống của cô. Hai ông bà muốn cô bỏ việc và về quê chăm sóc họ. Đây vừa là cách gắn kết tình thân, vừa giúp con cái đỡ vất vả.
Dưới phần bình luận, nhiều người ủng hộ quyết định của Nianan. Một số người nói: "Nếu cả bố mẹ và con cái đều thực sự cảm thấy hạnh phúc, tại sao lại không đón nhận nó?".
Tuy nhiên, số khác lại phản đối quan điểm này. Họ cho rằng, đó là lối sống của kẻ lười biếng, muốn sống dựa vào cha mẹ, hay nói cách khác là "ăn bám".
Khái niệm "con cái toàn thời gian" bắt nguồn từ thuật ngữ "nội trợ toàn thời gian", chỉ những người vợ chăm lo việc nhà, còn tiền sinh hoạt phí hàng ngày đều do chồng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, làm bà nội trợ thì không có tiền lương.
Tại Nhật Bản cũng có những câu chuyện kỳ lạ như ở Trung Quốc. Một công ty ở Nhật Bản cho phép mọi người "thuê" vợ, chồng, anh chị em hay bất cứ thành viên nào mà họ muốn.
Ishii Yuichi - người đàn ông Nhật Bản - đã thành lập công ty có tên Family Romance vào năm 2010. Ý tưởng nảy ra khi bạn anh - một bà mẹ đơn thân - kể rằng, cô gặp khó khăn khi xin học tại trường mẫu giáo cho con.
Sau nhiều năm thành lập, công ty nhận được hơn 200 yêu cầu cho thuê mỗi tháng. Họ khá tự hào về tỷ lệ hài lòng đạt 98% từ những người từng sử dụng dịch vụ.
Ishii cho rằng, sự cô đơn trong xã hội ngày càng tăng, con người khó kết nối với nhau hơn. Nhiều người không thể chịu được việc một thành viên trong gia đình vắng mặt lâu ngày nên phải tìm giải pháp để thay thế.
Nhờ chạm đúng nhu cầu của người dân địa phương, tháng nào công ty anh cũng làm ăn rất thuận lợi.
Sau Family Romance, một số nơi cũng "ăn theo" mô hình kinh doanh kiểu này. Họ cung cấp mọi thứ: Từ gia đình, bạn bè đến khách dự đám tang và cả người hẹn hò, với quy tắc nghiêm ngặt. Ví dụ như cấm các hành vi thân mật quá đà.
Đối với Ishii, mục đích của việc cho thuê gia đình là để "xoa dịu nỗi khổ của người dân trước một xã hội bất công". Bản thân anh cũng cảm thấy không hay khi loại dịch vụ này bỗng nhiên trở nên cần thiết trong xã hội ngày nay.
Nó cho thấy cuộc sống đang ngày càng trở nên khó khăn, con người dần mất đi tình yêu thương từ chính gia đình mình. Họ cảm thấy tủi thân nên mới tìm đến những dịch vụ "cho thuê người thân".