Tranh gạo "có một không hai" của chàng trai 9X

(Dân trí) - Đam mê nghệ thuật từ nhỏ, Hùng đã không theo nghề nông của gia đình mà quyết tìm một nghề đúng đam mê của mình, từ đó những bức tranh gạo lần lượt ra đời do chính tay mình tỉ mỉ sáng tạo nên.

Nhà của chàng thanh niên 9X Hà Việt Hùng (SN 1990) tại ấp Giồng Đình, xã Đại An, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) thời gian qua bỗng trở nên nổi tiếng từ khi Hùng cho ra đời những bức tranh gạo hết sức độc đáo.
 
Nói về quá trình đến với “mối duyên” cùng tranh gạo, Hùng cho biết, sau khi học hết phổ thông, em không về nhà làm nông theo như mong muốn của gia đình mà quyết tâm học tiếp.
 
Hà Việt Hùng bên những bức tranh gạo.
Hà Việt Hùng bên những bức tranh gạo.
 
Năm 2008, Hùng thi vào hệ Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp chuyên ngành đồ họa, quảng cáo ĐH Hồng Bàng (TP.HCM). Sau khi ra trường vào năm 2010, Hùng xin vào làm cho một công ty in ấn, quảng cáo ở TP Cần Thơ.
 
Hùng cho biết, sau khi làm ở công ty in ấn được một thời gian, thấy đồng lương thấp và công việc không mấy thích hợp nên Hùng xin nghỉ về quê tìm hướng đi mới đúng với đam mê nghệ thuật mà em đã nung nấu từ lâu.
 
Hùng kể, hồi học phổ thông, lúc lớp làm báo tường, em thường hay đảm nhận vẽ trang trí cho tờ báo. Rồi lên học trung cấp, được thầy cô dạy thêm nhiều kiến thức về chất liệu vẽ tranh nên càng làm cho Hùng thêm yêu thích môn nghệ thuật này.

Khoảng đầu năm 2011, Hùng bắt đầu tập tành làm thử tranh gạo. Hùng chia sẻ, lúc đầu làm tranh cũng gặp những khó khăn nhất định, cho nên các tác phẩm đầu tay chỉ làm chơi, tặng cho bạn bè góp ý. Hùng cho hay, thời gian đầu không biết cách nên chất liệu gạo không được giữ lâu, thường hay bị mọt ăn hư hại rất nhiều.

Bức thư pháp...
Bức thư pháp...
 
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm tòi cách khắc phục yếu điểm trên, Hùng cho biết, để tranh được bền lâu thì chủ yếu là chất lượng gạo có tốt hay không. Hùng bật mí, loại gạo này được em lựa chọn rất kỹ, có giá từ khoảng 17.000 đồng/kg chứ không thấp hơn. Cũng theo Hùng, công đoạn rang gạo cũng rất quan trọng, màu sắc của gạo dùng cho tranh sau khi rang chủ yếu là vàng và nâu.
 
Với công đoạn chính là ghép tranh, Hùng cho biết, có những công đoạn rất công phu và mất thời gian nên đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn. Để có một bức tranh gạo như ý, việc đầu tiên là chọn chủ đề, đó có thể là cảnh nhà cửa, quê hương, sông nước, con người…
 
Sau khi có ý tưởng đề tài, Hùng bắt đầu phác thảo hình ảnh rồi sắp xếp hạt gạo trên một khung gỗ và phun keo để giữ hạt gạo, sau đó mang phơi nắng cho khô. Để gạo không bị mọt ăn, Hùng cho biết em phải dùng một lớp hóa chất để chống lại sự xâm nhập này. Và công đoạn cuối cùng là lắp tranh vào khung.

...và cầu Mỹ Thuận từ tranh gạo.
...và cầu Mỹ Thuận từ tranh gạo.

Để hoàn thành một bức tranh gạo, Hùng cho biết thời gian mất khoảng 3 ngày tùy theo độ khó dễ của đề tài. Từ khi làm đến nay, Hùng cho hay đã bán được nhiều bức tranh cho khách hàng từ trong và ngoài tỉnh với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó những bức tranh là các câu chữ thư pháp khá được khách ưa chuộng.
 
Mỗi bức tranh được Hùng bán với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, trong đó có những bức được khách đặt hàng thì cao giá hơn. Được biết, Hùng đang bắt đầu thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hộ sản phẩm độc quyền tranh gạo và một số loại hình khác mà em đang nung nấu thực hiện.

Huỳnh Hải