Trung Quốc:
Tranh cãi quanh chuyện “truy nã” người tình trên Internet
Từ ngày 26/9 vừa qua, trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc lan truyền một thông báo nhan đề “Nhẫn nhục sinh con, mong baby thấy mặt cha” của một cô gái có nick là “Âu sầu”.
Cô gái đã kể lại chuyện mình quen biết một chàng trai 24 tuổi, yêu nhau rồi sống chung, mang thai với anh ta. Hai người không thể tiến tới hôn nhân vì gia đình chàng trai phản đối.
Trong lúc đang bối rối thì gã trai bộc lộ bộ mặt Sở Khanh bằng cách lặn mất hút, đến nay vẫn không thấy tăm hơi đâu. Sau khi phải chịu đựng mọi điều tiếng để sinh con và liên lạc với gia đình kẻ phụ bạc để thương lượng không có kết quả, cô gái đã quyết định tìm gã bằng cách “truy nã qua mạng”.
Sự kiện này đã gây chấn động cộng đồng dân mạng.
Kèm bài viết, cô gái post kèm 10 bức ảnh gồm ảnh chụp chung hai người, ảnh chụp họ trong trang phục cưới, ảnh đứa con. Cô còn công bố họ tên, số CMT, quê quán, trường học cũ của gã Sở Khanh: “Lư Tuấn, sinh 11/8/1982, số CMT…, quê Hải An, Giang Tô, tốt nghiệp lớp 011, khoa Tin học, ĐH Công nghiệp Nam Kinh tháng 7/2005”.
Tính đến tối ngày 28/9, trên diễn đàn mà cô post bài lên đã có hơn 2 vạn lượt người truy cập, hơn 1.100 ý kiến. Phần lớn dân mạng đều bày tỏ cảm thông và đồng tình, chia sẻ với cô. Họ kịch liệt lên án hành vi của kẻ Sở Khanh kia, rất nhiều người dùng những lời lẽ lăng mạ thô tục. Có người bắt đầu triển khai hoạt động truy tìm tung tích Lư Tuấn…
Tuy nhiên cũng có một bộ phận không đồng tình với cách làm của “Âu sầu”, cho rằng bản thân cô cũng phải tự chịu trách nhiệm, có người còn lật lại lai lịch trước đây của cô cùng những lời lẽ đầy phóng đãng của cô trên các diễn đàn mạng và nói cô không đáng được đồng tình…
Trong lúc hai phe tranh cãi rất gay gắt, cũng đã xuất hiện những ý kiến bình tĩnh. Một số người cho rằng, hành vi của “Âu sầu” không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm nó nghiêm trọng thêm. “Đứa con là người bất hạnh, đừng bắt nó phải gánh chịu hậu quả của những sai lầm từ người lớn!”.
Giáo sư Tiến sỹ Từ Tường ở khoa Xã hội học, ĐH Nam Kinh cho rằng, kiểu tìm người qua mạng thế này đã biến thành “truy nã trên mạng”, thực ra là một kiểu bạo lực trên net.
Với sự phát triển và phổ cập của Internet, nhiều người đã lợi dụng đặc điểm tự do của nó để phát biểu những ngôn luận trái với đạo đức truyền thống và luân lý xã hội. Những hành vi đó đáng bị lên án, phê phán…
Theo Phương Lan
Tiền Phong