Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực

Hồng Minh

(Dân trí) - Xuất phát từ câu chuyện ở Thái Lan, khi một shipper gây tranh cãi vì yêu cầu khách nữ mặc áo ngực, nhiều cô gái hiện đại, cá tính chia sẻ góc nhìn riêng đậm chất nữ quyền về vấn đề này.

Tình huống một shipper Thái Lan yêu cầu khách nữ mặc áo ngực khi ra nhận hàng đã làm dấy lên nhiều luồng tranh luận về bình đẳng giới và nữ quyền.

Người cho rằng tin nhắn của shipper chứa nội dung nhạy cảm và hoàn toàn không phù hợp, nữ giới có quyền lựa chọn trang phục cho mình. Người lại cho rằng đó là một tình huống "đỏ mặt" khi gặp phải phái nữ quá thoải mái, ngoài khía cạnh lịch sự thì còn có phần kích thích sự gia tăng các tội phạm về quấy rối tình dục.

Nhân cơ hội vấn đề nữ quyền này đang nóng hổi, nhiều bạn trẻ đã đưa ra quan điểm của riêng mình. Phóng viên Dân trí ghi nhận quan điểm của nhiều bạn trẻ một cách khách quan và thẳng thắn.

 Không áo ngực (Nobra) là để thoải mái, không phải để khêu gợi

Phan Nguyễn Trúc Phương đang là sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, làm thêm công việc người mẫu ảnh và kinh doanh thời trang. Cô chia sẻ: "Em thấy vấn đề về việc Nobra (không áo ngực) hiện nay là nó dần được mọi người có cái nhìn thoáng hơn.

Những người theo đuổi phong cách này không đáng phải nhận lại mấy lời khiếm nhã, cơ thể của họ và họ mới có quyền và biết phải làm gì trên cơ thể của mình. Em ủng hộ phong trào Nobra nhưng không đi quá mức độ, không phải để khoe hay mang tính chất khêu gợi."

Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực - 1

Phan Nguyễn Trúc Phương theo đuổi phong cách quyến rũ, phóng khoáng.

Về phía bản thân mình, Trúc Phương cho biết, khi ở nhà cũng không mặc áo lót, vì nó thoái mái. Bên cạnh đó, khi đi du lịch, dã ngoại, đi chơi, cô cũng cho phép bản thân mình được thoải mái, thả lỏng cơ thể hết mức.

Tuy vậy, nữ sinh giữ cho mình sự linh hoạt, khi xuất hiện trước truyền thông, đi học hoặc tham gia các sự kiện mang tính trang trọng, lịch sự, cô vẫn sẽ lên đồ một cách trau chuốt.

"Tất nhiên khi không mặc áo ngực, em cũng sẽ gặp phải những ánh mắt kì thị, hoặc phản ứng khó chịu của những người xung quanh. Em thấy đó là điều bình thường và cũng có phản hồi lại bằng việc nêu lên quan điểm của mình, tôn trọng quan điểm của họ và cũng hy vọng họ tôn trọng cái nhìn của em. Đây không phải vấn đề được quy định trong luật, vì thế không một ai có quyền bắt người khác phải chạy theo quan điểm và suy nghĩ của mình."

Một tấm áo không nói lên nữ quyền

Từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, Vũ Ngọc Linh - Du học sinh Trường Đại học New South Wales, Australia ngành giáo dục và nghệ thuật có góc nhìn bao quát về vấn đề này.

Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực - 2

Vũ Ngọc Linh là du học sinh tại Australia, ngành giáo dục và nghệ thuật.

 "Trong câu chuyện ở Thái Lan, anh shipper cũng hơi nhạy cảm, vì trang phục là quyền tự do mỗi người. Với quan sát của cá nhân mình, xã hội văn hóa châu Á chưa cởi mở như các nước phương Tây.

Nếu thấy thoải mái với ánh mắt nhìn, suy nghĩ trái chiều của số đông xã hội (kể cả nam lẫn nữ) thì mặc thế nào mình thấy thoải mái là được. Thực sự, khi gặp một người phụ nữ mặc đồ hớ hênh, phản cảm, không phải mỗi nam giới thấy bối rối, mà mình cũng thấy nhiều phụ nữ không muốn bị những hình ảnh như vậy "đập vào mắt" lắm.

Còn nếu không thấy thoải mái khi bị chú ý, soi mói thì nên mặc nội y đầy đủ. Cá nhân mình thì không thích các loại áo ngực truyền thống, nên dùng các loại nội y cách tân như miếng dán, body-tape...

Còn vấn đề nữ quyền, theo mình là quyền bình đẳng trong giáo dục, công việc, vị trí và phúc lợi xã hội chứ không phải là đòi quyền không mặc áo ngực. Hiện nay đã là thời đại 4.0, mỗi người đều có quyền đưa ra lựa chọn của riêng mình, miễn không vi phạm pháp luật." - Ngọc Linh bày tỏ.

"Cơ thể của tôi - Lựa chọn của tôi!" - Khẩu hiệu cần được hiểu đúng

Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực - 3

Ngô Quỳnh Chi là một nhà thiết kế thời trang tại Hà Nội. Cô cho rằng mỗi vấn đề luôn có nhiều hơn 1 khía cạnh, mọi người cần hiểu rõ, cặn kẽ thông điệp của khẩu hiệu: "Cơ thể của tôi - Lựa chọn của tôi" để không làm nên sự phản cảm tới người khác.

 Ngô Quỳnh Chi (sinh năm 1996) là một nhà thiết kế, kinh doanh thời trang tại Hà Nội. Vốn là một người theo đuổi phong cách thời trang quyến rũ, 9x bày tỏ góc nhìn trung lập của mình ở cả 2 hướng suy nghĩ:

Thứ nhất, trong câu chuyện của shipper Thái Lan, mình thấy không nhất thiết phải triệt đường sống của một người tới tận cùng như vậy. Anh này đã sai khi nhắn tin cho khách hàng, vì anh có quyền từ chối không nhìn nếu thấy bối rối. Nhưng cái "sai" này đến từ sự cổ hủ từ giáo dục và định kiến xã hội nên không đáng bị dồn ép, xử phạt.

Thứ hai, "my body, my choice" - Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi là một khẩu hiệu đã được sử dụng từ lâu, để nói về quyền cá nhân. Quyền tự do của mỗi người là không chạm đến quyền tự do của người khác.

Mọi người nên bình thường hóa việc phụ nữ chụp ảnh không mặc áo ngực, phụ nữ không mặc áo ngực ở những nơi không quan trọng (không ảnh hưởng tới bộ mặt và công việc của cả một tập thể lớn). Tại sao ngực lại là bộ phận nhạy cảm cần phải che đậy? Tại sao không áp dụng quan điểm này cho đàn ông, tại sao không xem việc đàn ông ở trần là phản cảm?

Nhưng cần cân bằng giữa quan điểm cá nhân và bối cảnh xung quanh. Bạn không thể mặc đồ hở, hớ hênh để đi đến chùa, nhà thờ, các buổi họp, nơi có người lớn tuổi, trẻ em hay mặc sexy hơn cô dâu trong một đám cưới... Ăn mặc chỉnh tề cũng là cách tôn trọng người đối diện, trừ khi bạn nghĩ giá trị và cái tôi của bạn nó to hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Đó là một suy nghĩ "nữ quyền độc hại".

Nữ quyền hay bình đẳng giới thì cũng đều đấu tranh cho quyền con người, cụ thể là quyền tự do thể hiện, quyền lựa chọn của bản thân. Phái nữ có quyền tự chủ chính bản thân mình - không lệ thuộc vào phái mạnh, có thể giúp đỡ, nâng đỡ những người phụ nữ yếu thế khác. Và nó thuộc về nhận thức, lựa chọn cá nhân mỗi người, hiểu rõ cái mình đang đấu tranh chứ không hô hào một cách sáo rỗng."

Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực - 4

Nhiếp ảnh gia và người mẫu ảnh tại Hà Nội, Tiêu Hạ - Nguyễn Hà Phương.

 Trước khi có được cái nhìn bình đẳng, mỗi người cũng cần tự bảo vệ mình

Là một cô giáo, nhiếp ảnh gia và người mẫu ảnh tại Hà Nội, Tiêu Hạ - Nguyễn Hà Phương chia sẻ ý kiến có phần trái với những bạn gái trên. Cô cho rằng dù xã hội đang kêu gọi sự bình đẳng, tôn trọng quyền tự do của mỗi người, thì bản thân mỗi cá nhân vẫn cần phải biết cách tự bảo vệ mình.

"Bất kể cá nhân nào (dù là nam hay nữ) thì đều có quyền tự do cơ bản trong vấn đề trang phục cá nhân và hiện tại chưa có luật lệ nào yêu cầu một người cần phải mặc quần áo như thế nào trong từng trường hợp cụ thể cả, nếu thực sự mặc đồ quá phản cảm thì mới đáng lên án.

Trong tình huống như nhận - giao hàng với khoảng thời gian rất ngắn thì cũng không thực sự ảnh hưởng, có chăng thì xuất phát từ suy nghĩ không tốt ở phía anh shipper và anh này hoàn toàn không được phép cách nhắn tin riêng cho khách hàng như vậy, hành động này cũng có thể coi là quấy rối.

Tuy nhiên mọi người cũng nên tự biết cách bảo vệ mình, bởi những nguy cơ tiềm ẩn vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống. Nếu có thể thì dù là nam hay nữ cũng nên tự biết chọn cách ăn mặc sao cho lịch sự và phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể" - Tiêu Hạ nói.

Cần đặt quyền cá nhân trong sự tôn trọng người khác

Cử nhân trường ĐH Luật Hà Nội Phạm Thanh Tâm cho rằng. nội y không phải là một vấn đề to lớn, mà sự tranh cãi đến từ sự khác biệt văn hóa cũng như quan điểm cá nhân của mỗi người.

Tranh cãi khi shipper yêu cầu khách nữ mặc áo ngực - 5

Phạm Thanh Tâm là cựu sinh viên ĐH Luật Hà Nội.

"Có thể nói, hầu hết các bạn nữ đều muốn cởi bỏ áo ngực khi ở nhà vì sự thoải mái hơn và tốt cho ngực nữa. Nhưng khi ra ngoài, tham gia các hoạt động tập thể hay gặp gỡ mọi người, nội y giúp chúng ta mặc trang phục đẹp hơn, tiện cho các hoạt động thể dục thể thao và hơn hết là thể hiện được sự tôn trọng mọi người xung quanh. Có nhiều loại nội y hiện đại cho chúng ta lựa chọn mà.

Mình nghĩ rằng việc mặc áo ngực có liên quan rất nhiều đến quan niệm và nền văn hóa của nước mình sinh sống nữa. Nếu như đất nước chú trọng giáo dục giới tính cho trẻ em từ bé và có cái nhìn cởi mở về việc tôn trọng quyền cá nhân, không áp đặt qua trang phục thì mọi người đều sẽ rất thoải mái khi không mặc áo ngực ra đường.

Nhưng nếu đất nước có suy nghĩ phụ nữ phải ăn mặc kín đáo thì tất nhiên phụ nữ sẽ sinh ra tâm lý ngại khi không mặc áo ngực mà tiếp xúc với người khác. Bản thân mình vẫn suy nghĩ theo hướng tôn trọng người khác, không muốn người khác cảm thấy ngại hay khó chịu vì mình để họ vô tình nhìn thấy bộ phận nhạy cảm của mình.

Tóm lại, chúng ta có quyền với cơ thể của mình, tuy nhiên cũng cần đặt cái quyền đấy trong sự tôn trọng quyền của người khác nữa." - cựu nữ sinh bộc bạch.

Cô cho rằng vấn đề gây tranh cãi không đến từ nội y, mà là quan điểm cá nhân, sự khác biệt văn hóa đối với quyền tự do của mỗi người