Tranh cãi gay gắt về trào lưu ăn mặc theo phong cách "dễ lấy chồng"

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Phong cách "dễ lấy chồng" đặt ra những quy định về cách ăn mặc phù hợp với thẩm mỹ của đàn ông hiện gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Thuật ngữ "hao jia feng" chỉ phong cách mặc đồ phù hợp với thẩm mỹ, sở thích của đàn ông đang là vấn đề được bàn luận nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc.

Những chiếc váy có độ dài vừa phải, chất liệu dệt kim và áo khoác có màu trắng hoặc hồng, thường được tô điểm bằng những đường diềm và nơ duyên dáng được phái mạnh Trung Quốc cho là đẹp, phù hợp với nữ giới.

Phong cách này làm nổi bật đường cong cơ thể tự nhiên của phụ nữ, đồng thời thể hiện sự ngây thơ, thuần khiết và dịu dàng - những phẩm chất tốt đẹp của hội chị em - khiến họ trở nên thu hút đàn ông và dễ lấy được chồng.

Tranh cãi gay gắt về trào lưu ăn mặc theo phong cách dễ lấy chồng - 1

Ngọt ngào, nhẹ nhàng được cho là phong cách của phụ nữ được đàn ông Trung Quốc ưa thích (Ảnh: ShutterStock).

Ví dụ điển hình cho xu hướng thời trang "dễ lấy chồng" là nhân vật Saeko trong bộ phim truyền hình Shitsuren Chocolatier - người luôn diện trang phục thanh lịch, ngọt ngào.

Trên nền tảng Bilibili, các blogger Trung Quốc thậm chí còn làm bộ sưu tập gồm 87 bộ trang phục mà nhân vật này sử dụng và chú thích là phong cách "dễ lấy chồng".

Một người nổi tiếng trên mạng xã hội về xu hướng này đã thu hút hơn 600.000 lượt theo dõi bằng cách hướng dẫn phụ nữ trẻ nắm bắt phong cách, đưa ra đánh giá và đề xuất chỉnh sửa trang phục cho phù hợp.

Ngoài nhận xét trang phục, cô còn hướng dẫn về cách chụp những bức ảnh hấp dẫn khi mặc trang phục "dễ lấy chồng" và cách giới thiệu trên mạng xã hội nhằm thu hút các đối tác chất lượng cao.

Tranh cãi gay gắt về trào lưu ăn mặc theo phong cách dễ lấy chồng - 2

Phong cách "dễ lấy chồng" với kiểu trang điểm nhẹ nhàng, ăn mặc nữ tính gây ra tranh cãi trong giới trẻ Trung Quốc (Ảnh: ShutterStock).

Tuy nhiên, khi nhận thức về bình đẳng giới tiếp tục tăng lên tại Trung Quốc, phong cách này đã vấp phải sự chỉ trích.

Các nhà phê bình cho rằng, phong cách ăn mặc "dễ lấy chồng" khuyến khích sự phù hợp với mong đợi của xã hội và ưu tiên sự hài lòng của người khác hơn ý chí cá nhân.

Một người dùng mạng xã hội cho biết: "Tôi từ chối việc bị áp đặt bởi các nguyên tắc. Tôi từ chối ăn mặc theo thẩm mỹ của nam giới. Phong cách "dễ lấy chồng" trói buộc phụ nữ vào những chuẩn mực không căn cứ".

Tranh cãi gay gắt về trào lưu ăn mặc theo phong cách dễ lấy chồng - 3

Không gò bó mình theo chuẩn mực, nhiều người phụ nữ Trung Quốc ủng hộ việc ăn mặc cá tính, theo sở thích của bản thân (Ảnh: ShutterStock).

Trào lưu ăn mặc "dễ lấy chồng" thậm chí còn tạo ra sự đối nghịch là phong cách "khó lấy chồng" với khẩu hiệu: Là cô gái khó lấy chồng, đọc sách, tập thể dục, du lịch, yêu công việc và thích tiêu tiền.

Phong cách đối lập này đề cao sự tự hài lòng, khuyến khích phụ nữ sống thật với chính mình, làm điều bản thân yêu thích. Một cô gái "khó lấy chồng" có thể có trình độ học vấn cao, trang điểm kiểu phương Tây, ăn mặc gợi cảm hay cá tính, ưu tiên sự nghiệp, thích du lịch...

Phụ nữ cũng bày tỏ sở thích của mình về trang phục của nam giới khi hẹn hò, làm dấy lên xu hướng thời trang nam "ting ju feng", được hiểu là phong cách văn phòng.

Tranh cãi gay gắt về trào lưu ăn mặc theo phong cách dễ lấy chồng - 4

Phụ nữ Trung Quốc ưa thích đàn ông ăn mặc kiểu văn phòng (Ảnh: @mutoumt).

Người đàn ông mặc quần tây kết hợp với áo sơ mi hoặc polo (áo cộc tay có cổ) tối giản, khoác áo vest các màu như đen, trắng, xám hay xanh nước biển, thể hiện sự trưởng thành, ổn định và đáng tin cậy.

Nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy rằng, những người đàn ông ăn mặc lòe loẹt trong buổi hẹn hò thường quá coi trọng bản thân và ích kỷ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm