Tránh bị lừa khi làm thêm dịp Tết

Còn khoảng một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhiều sinh viên nghèo học tập ở Hà Nội bắt đầu đi làm thêm, kiếm tiền ăn học. Cơ hội việc làm lớn, tuy nhiên cần phải cảnh giác với nhiều trung tâm núp bóng giới thiệu việc làm để lừa đảo.

Giáp Tết, thị trường lao động ở Thủ đô Hà Nội nhộn nhịp hẳn bởi nhu cầu tuyển dụng tăng cao, lao động thời vụ khan hiếm. Các công việc thời vụ đang tăng cao như: lau dọn nhà, bán hoa, cây cảnh Tết, làm ở các quán ăn, siêu thị, trông nhà và vật nuôi, tiếp thị tại các nhà hàng, làm bảo vệ…

Nguyễn Huy Lê, quê Nghệ An, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội vừa kiếm được công việc ở một nhà hàng lớn trên đường Chùa Bộc. “Dịp Tết, nhà hàng, siêu thị đông khách, nhân viên cũ làm không xuể hoặc nghỉ việc nên dễ tìm việc làm với mức tiền công cao gấp 3-4 lần ngày thường. Hiện mình đang trông xe, sẽ cố gắng làm đến 29 Tết mới về quê”, Lê chia sẻ.


Quang Thái Điệp đang muối măng sạch mang từ Quế Phong (Nghệ An) ra Hà Nội.

Quang Thái Điệp đang muối măng sạch mang từ Quế Phong (Nghệ An) ra Hà Nội.

Sôi động việc làm

Lê Thị Huyền, quê Hà Giang, sinh viên năm 2 Trường ĐH Hà Nội đang lên lịch lau dọn nhà dịp Tết vì khách gọi khá đông. “Ngày thường, công việc này chỉ được trả thù lao 30-40 nghìn đồng/giờ. Thời điểm Tết sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đó là chưa kể nếu gặp gia chủ tốt còn được thưởng, lì xì thêm. Chịu khó làm mấy ngày Tết sẽ bằng cả tháng làm thêm bình thường”, Huyền nói.

Hiện nhiều sinh viên các trường đại học tại Hà Nội chọn đặc sản quê làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết. Trần Mạnh Quân, quê Thái Nguyên, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tập trung kinh doanh chè. Quân cho biết, chủ yếu bán hàng qua Facebook và hướng đến đối tượng khách hàng là người quen, bạn bè cùng lớp. “Mình lấy chè giá gốc tại vườn, rồi gửi xe khách đem xuống Hà Nội. Chè sạch, đảm bảo và bán theo giá thị trường dưới này mỗi cân lãi 80 nghìn đồng”, Quân chia sẻ.

Quang Thái Điệp, quê huyện Quế Phong, Nghệ An kinh doanh mặt hàng măng khô và măng chua muối. “Măng nhà mình mẹ bẻ trong rừng. Sau đó phơi khô nên hợp vệ sinh và không có chất bảo quản. Biết được nhiều người Hà Nội có nhu cầu ăn thực phẩm sạch, chất lượng trong dịp Tết nên mình lấy hàng ở quê ra bán, ai có nhu cầu mình muối sẵn luôn. Đắt khách lắm!”, Điệp khoe.

Tết về cũng là dịp nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của các bạn trẻ tăng cao. Vì thế, các “phó nháy” là sinh viên các trường báo chí hoặc có đam mê chụp ảnh cũng bội thu. Nguyễn Mạnh Phong, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội hiện đã kín lịch đi chụp ảnh thuê.

Phong cho biết, vừa chụp ảnh được cho bạn bè vừa trau dồi kỹ năng nghiệp vụ nên cậu chỉ lấy giá “hữu nghị” so với thợ ảnh. Nếu chụp đơn, đôi, giá được tính 200.000 đồng/buổi; chụp nhóm người giá dao động 300-400 nghìn đồng/buổi. Phong cho biết, dịp giáp Tết năm 2016, cậu thu về hơn 20 triệu đồng.

“Với những người môi giới việc làm mà lấy tiền đặt cọc, các bạn sinh viên cần thận trọng để không bị lừa. Dịp Tết, có nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên đây cũng là dịp nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bạn trẻ nhẹ dạ cả tin”.

Ông Phạm Văn Thanh, nguyên Trưởng phòng Lao động Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội)

Cảnh giác chuyện lừa đảo

Nguyễn Ngọc Mai, quê Yên Bái, sinh viên năm nhất ĐH Hà Nội và 2 người bạn vừa trở thành nạn nhân của một trung tâm môi giới việc làm. Mai kể, thi xong học kỳ, cô với bạn lên kế hoạch làm thêm kiếm tiền mua sắm Tết. Tìm trên mạng, Mai đọc được tin tuyển nhân viên tiếp thị cho các nhà hàng lớn ở Hà Nội với mức lương 500 nghìn đồng/ngày, có địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Mai rủ 2 bạn nữ cùng phòng đến nộp hồ sơ. Tại đây, Mai và bạn được yêu cầu nộp mỗi người 500 nghìn tiền chi phí môi giới.

“Chỉ nghĩ nếu kiếm được 500 nghìn đồng/ngày là mức khá hấp dẫn nên bọn mình đồng ý nộp tiền. Nhưng đợi cả tuần không thấy trung tâm này gọi đi làm, khi thắc mắc, họ cho biết đủ người rồi nên chờ dịp sau và không đồng ý trả lại tiền. Lúc đó mới biết mình bị lừa”, Mai búc xúc.

Nguyễn Thị Thiện, quê Cao Bằng, sinh viên một trường sư phạm ở Hà Nội vừa bị một công ty đa cấp ở đường Cầu Giấy (Hà Nội) lừa đảo. Thấy nói lợi nhuận cao, Thiện đồng ý nhận hàng bán Tết. Không có tiền, Thiện được người của công ty đem đến hiệu cầm đồ cắm thẻ sinh viên, CMND vay 10 triệu đồng.

“Mang hàng đi bán, mình mới biết đang làm cho một mạng đa cấp. Bởi trước đó, có nhiều anh, chị khóa trước từng bị lừa nên phải gánh nợ hơn 50 triệu đồng. Mình có đến đòi lại tiền nhưng công ty không cho, còn dọa đánh”, Thiện nói.

Anh Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến cáo: Thực tế, nhu cầu làm thêm của nhiều sinh viên giáp Tết nhiều. Đây là nhu cầu chính đáng của sinh viên, đặc biệt với các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, có những công ty, trung tâm lợi dụng việc giới thiệu việc làm thêm và tung ra nhiều “chiêu” trò như việc nhẹ, lương cao, trả tiền công theo ngày, không yêu cầu cao về học vấn… để lôi kéo sinh viên.

“Các bạn sinh viên có nhu cầu làm thêm cần cảnh giác, đặc biệt tìm hiểu kỹ việc mình làm thêm, thông tin công ty trên website, tránh xa các hệ thống bán hàng đa cấp. Tránh cầm cố giấy tờ tùy thân khi làm thêm”, anh Kiểm khuyến cáo.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thanh, nguyên Trưởng phòng Lao động Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội) cho biết, các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi phương thức mới với kịch bản tinh vi nên không thể cảnh báo trước. Trong khi đó, nhiều sinh viên lại thiếu cảnh giác. Những nơi tuyển dụng dễ dàng, công việc nhẹ nhàng mà trả lương cao càng phải thận trọng, vì nếu không sẽ bị sập bẫy lừa.

“Tốt nhất là các bạn sinh viên nên tìm các công ty lớn, uy tín hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, không qua trung gian để tránh bị lừa. Việc không có mà lại bị mất tiền oan”, ông Thanh nói.

Theo Quang Lộc

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm