Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Trân trọng quá khứ để hướng tới tương lai

Trò chuyện với Nguyễn Trần Ngọc Phương (Bí thư Đoàn ĐH Công nghệ TPHCM), Trương Hoàng Thông (năm thứ tư, ĐH Luật TPHCM), Nguyễn Thị Tuyết Hương (nhân viên công ty) và Nguyễn Hoàng Lộc (du học sinh ĐH Monash, Melbouren, Úc) để cùng ôn lại bài học lịch sử về mùa Thu Tháng Tám và Tết Độc lập.

Lịch sử không bị lãng quên

 

Các bạn nhìn nhận như thế nào về thái độ của người trẻ hôm nay đối với lịch sử đất nước, đặc biệt là lịch sử Cách mạng?

 

Nguyễn Trần Ngọc Phương: Mình thấy phần đông giới trẻ không thờ ơ với lịch sử. Các bạn vẫn rất quan tâm đến các địa chỉ đỏ, các khu di tích như: Núi Dinh, địa đạo Củ Chi, Ngã Ba Giồng…

 

Nguyễn Trần Ngọc Phương
Nguyễn Trần Ngọc Phương

 

Nguyễn Thị Tuyết Hương: Ngày trước, mình đi học một buổi ở trường, buổi còn lại đi học thêm hoặc phụ giúp gia đình làm việc nhà; cuối tuần, được cho đi tham quan bảo tàng thì vô cùng háo hức. Còn bây giờ, ngoài học tập và làm việc, người trẻ có cơ hội để tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mình vẫn tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, lịch sử dân tộc vẫn có sức hút mãnh liệt đối với người trẻ.

 

Trương Hoàng Thông: Chúng ta có thể học lịch sử qua sách vở, báo chí, phim ảnh hay qua những hoạt động cộng đồng. Qua vụ giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta có thể thấy, những vấn đề của đất nước chưa bao giờ bị người trẻ thờ ơ mà nó luôn nằm đâu đó trong trái tim mỗi người. Khi cần, truyền thống hào hùng và lòng tự hào dân tộc sẽ trỗi dậy và biến thành những hành động quyết liệt, mạnh mẽ.

 

Nguyễn Hoàng Lộc: Hình ảnh mà mình thích thú nhất khi đến bảo tàng là các em nhỏ được thầy cô đưa đến đây tìm hiểu lịch sử của dân tộc. Nhiều em say mê nghe thuyết trình, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa… Như vậy, điều quan trọng là chúng ta biết cách nuôi dưỡng tình yêu đó để nảy nở thành những hành động đẹp.

 

Có ý kiến cho rằng, trong chiến tranh bảo vệ đất nước, thanh niên chỉ có lựa chọn giữa sự sống hoặc cái chết. Còn trong trong thời bình, chúng ta lại có quá nhiều lựa chọn. Các bạn nghĩ sao về ý kiến này?

 

Nguyễn Trần Ngọc Phương: Mình không hề bị dao động trước các thông tin trái chiều. Điều cơ bản nhất góp nên thành công của một con người là ý chí. Mình học được bài học lớn nhất từ lịch sử là ý chí bền vững, son sắt. Vì vậy lựa chọn của mình là sẽ quyết tâm thực hiện cho được những mục tiêu mà tôi đã lựa chọn: Xây dựng và định vị bản thân, đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cống hiến nhiều hơn nữa cho hoạt động chuyên môn.

 

Nguyễn Thị Tuyết Hương: So với thời trước, hoàn cảnh có thể khác nhưng bản chất thì vẫn chỉ có 2 mặt: Tốt hoặc xấu, tích cực hoặc tiêu cực. Trong cùng một sự việc, mình luôn có gắng quan sát cả hai mặt của vấn đề. Nhưng khi hành động, mình chọn suy nghĩ tích cực. Từ suy nghĩ tích cực, mình sẽ có hành động theo hướng tích cực.

 

Nguyễn Thị Tuyết Hương
Nguyễn Thị Tuyết Hương

 

Trương Hoàng Thông: Trước các luồng thông tin, ta nên bình tĩnh, xem xét toàn diện các mặt của vấn đề để hiểu thấu đáo. Sự thật thì chỉ có một. Thế nên, khi được phép lựa chọn, mình vẫn chọn thông tin thật của vấn đề. Nếu mình sống đúng với lý tưởng thì không phải ngại tích cực hay tiêu cực mà sẽ tự tìm thấy con đường đi của riêng mình.

 

Nguyễn Hoàng Lộc: Cũng giống như nhiều du học sinh khác, chuẩn bị tốt nghiệp, mình cũng đứng trước nhiều lựa chọn: Ở lại hay về Việt Nam lập nghiệp. Nhưng rồi tình yêu quê hương, sự gắn kết với gia đình đã khiến mình mạnh dạn về nước, sau ngày tốt nghiệp. Mình nghĩ, mọi thông tin đều mang tính chất tham khảo, còn việc vận dụng thì phải xem xét và cân nhắc kỹ. Mỗi cá nhân biết sống có trách nhiệm sẽ kết nối thành một xã hội tốt.

 

Giới trẻ sẽ quyết định tương lai đất nước

 

Làm thế nào để các bạn trẻ có thể lập nghiệp, làm giàu và khẳng định được bản thân?

 

Nguyễn Trần Ngọc Phương: Có rất nhiều yếu tố làm nên thành công của một người. Bạn phải có các kỹ năng cần thiết, hoàn thiện bản thân. Hiệu quả nhất là tham gia phong trào Đoàn – Hội để rèn luyện nhận thức, các kỹ năng gắn kết tập thể, vì cộng đồng…

 

Nguyễn Thị Tuyết Hương: Mình có cơ hội gặp gỡ với khá nhiều anh chị là những người trẻ thành đạt trong công việc và cuộc sống. Mình quan sát và nhận thấy ở họ sự đam mê công việc, thái độ sống tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

 

Mình nghĩ, thái độ sống tốt là nền tảng của sự thành công. Ngày nay, thách thức luôn đi cùng với cơ hội, nếu người trẻ không đủ bản lĩnh và không tìm được cho mình mục tiêu phấn đấu sẽ rất dễ bị sa ngã. Thế nên, dù đã bước ra ngoài xã hội hay còn ngồi trên ghế nhà trường, người trẻ phải cố gắng xác định mục tiêu phấn đấu. Như thế, bạn mới có được ý chí tiến lên, rời xa các cám dỗ.

 
Trương Hoàng Thông
Trương Hoàng Thông
 

Trương Hoàng Thông: Chỉ còn vài ngày nữa là mình tốt nghiệp đại học và bắt đầu chặng đường tiếp theo. Mình cũng nhiều lần tự trả lời các câu hỏi: Tại sao mình cảm thấy khó khăn khi hòa nhập vào thị trường lao động, nên làm như thế nào?… Cuối cùng, mình nhận ra rằng, để mình và những bạn đang ở tuổi mình bắt đầu sự nghiệp một cách vững vàng, trước hết, bản thân mỗi người cần làm chủ tri thức. Khi bắt đầu khởi nghiệp, ta nên làm việc với nhiệt huyết và sự cầu tiến của tuổi trẻ. Có nhiều cách đi để đến đích nhưng thời gian thì có hạn. Do đó, mỗi bước đi cần phải cân nhắc để đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Nguyễn Hoàng Lộc: Có nhiều thước đo khác nhau để đánh giá một con người: Quan điểm sống? Số tiền anh kiếm được một tháng? Ở đâu? Đi xe gì? Làm vị trí nào? Bằng cấp ra sao? Chúng ta sẽ bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm như vậy. Việc cần làm là phải xác định được mục tiêu, kiên định, không ngại học hỏi, không ngại sai và chăm chỉ. Dám nghĩ, dám làm, cộng thêm chút may mắn thì sẽ thành công.

 

Đã gần 30 năm đổi mới nhưng đất nước vẫn còn nhiều vấn đề nhiều trì trệ. Mỗi bạn trẻ cần làm gì để đưa đất nước đi lên?

 

Nguyễn Trần Ngọc Phương: Sống tử tế, tạo dựng hình ảnh bản thân bằng những hành động cụ thể, thiết thực và có đạo đức. Trang bị nhiều kiến thức về hội nhập và kiến thức về lịch dử dân tộc để nuôi dưỡng lòng tự hào. Cần trang bị tác phong công nghiệp. Mình không đồng ý khi so sánh sự yếu kém của đất nước với các quốc gia khác. Phải nhìn nhận vào xuất phát điểm, vào tình hình thực tế của từng nước mà đánh giá. Bản thân mỗi người trẻ, nếu thấy đất nước còn hạn chế thì phải tìm nguyên nhân rồi đề xuất xây dựng, cải tiến chứ không phải chỉ biết chê bai. Vị trí, trách nhiệm của giới trẻ sẽ quyết định tương lai của đất nước.

 
Nguyễn Hoàng Lộc
Nguyễn Hoàng Lộc
 

Nguyễn Thị Tuyết Hương: Mỗi cá nhân cần sống trách nhiệm với bản thân, có ích gia đình và tử tế với người xung quanh. Quan trọng chúng ta giữ thái độ sống tích cực, chủ động. Nhiều cá nhân xuất sắc sẽ tạo nên sức mạnh của tập thể.

 

Trương Hoàng Thông: Muốn đưa đất nước phát triển, cần một quá trình và sự chung tay của các thế hệ. Muốn đóng góp cho đất nước, trước hết người trẻ chúng ta nên làm thật tốt vai trò của mình. Sau đó, tùy theo sức của mỗi người mà ta có thêm các hoạt động cho cộng đồng. Muốn xã hội phát triển, đầu tiên chúng ta đừng tự biến mình thành gánh nặng cho xã hội.

 

Nguyễn Hoàng Lộc: Mình nghĩ, việc cần làm của mỗi bạn trẻ là đoàn kết và đẩy tinh thần đất nước lên cao. Người Việt Nam hiếu học, chăm chỉ nên nếu biết đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ đưa đất nước đi lên.

 

 

Theo Nguyễn Quang

Sinh viên Việt Nam