Trải nghiệm hay thành kiến?
1. Một hôm trong lớp “Văn hoá đa dạng trong truyền thông”, vị giáo sư viết lên bảng 3 khái niệm: Marshall Mathers (tên riêng), Penguin (chim cánh cụt) và Rattlesnake (rắn chuông). Bạn nghĩ gì về 3 khái niệm này?
Marshall Mathers là ai? Làm nghề gì? Nổi tiếng vì cái gì? Thậm chí có tồn tại trên cõi đời này không? Cả lớp ngơ ngác, không ai có câu trả lời. Bà giáo sư mỉm cười và viết thêm “Eminem”. Mọi người à lên, thì ra Marshall Mathers là tên thật của Eminem.
Nhân vật này thì chẳng ai lạ. 30 người tranh nhau kể những điều mình biết về Eminem: rapper da trắng, sống tại Detroit-Mỹ, ly dị vợ, có con gái, đóng phim 8 mile... Thậm chí có bạn còn biết cả tên con gái Eminem là Hailie nữa! Khi giáo sư hỏi: “Bao nhiêu người ở đây thích Eminem?”. Cả lớp giơ tay.
Rắn chuông: một loại rắn độc ở Mỹ, có một vòng sừng ở đuôi. Cả 30 người trong lớp đều ghét nó.
Nhưng điều đáng quan tâm ở đây là trong 30 người đó chưa ai từng bị rắn chuông làm hại, chưa một ai thật sự nhìn thấy nó. Cũng không ai trong số họ đã từng nói chuyện hay nhìn thấy Eminem bằng xương bằng thịt. Thế mới biết, phần lớn chúng ta có khả năng bình phẩm, nhận xét thậm chí yêu - ghét những con người, những sự vật mà ta chưa từng tiếp xúc bao giờ!
Ta cứ tưởng là mình biết nhiều lắm về mọi việc nhưng tất cả những gì chúng ta biết chỉ là “biết” theo lời kể của người này người khác, của sách báo TV, mấy phần trong đó là do ta tự trải nghiệm?
2. Penguin? Bạn thì nói đó là loài chim không biết bay, sống ở xứ lạnh, chuyên môn ăn cá. Bạn đến từ Mỹ thì nói Penguin là tên đội hockey lừng danh: Pittsburgh Penguins. Bạn người Anh thì nói Penguin là tên một loại bánh sôcôla ở Manchester, mỗi phút 40.000 cái Penguin ra lò. Bạn mê phim thì nói Penguin là tên nhân vật ác trong Batman Returns. Bạn mê vi tính lại bảo chim cánh cụt là logo của hệ điều hành Linux.
Chỉ một từ, nhưng mỗi người lại có cách hiểu khác nhau, tuỳ theo kiến thức, văn hoá, quốc tịch, sở thích hoặc những kinh nghiệm sống mà người đó có được. Không ai giống ai, và không có cách hiểu nào là sai cả.
3. Cũng như với rất nhiều bạn, Harry Potter là một bộ sách tuyệt vời nhưng Hiệp hội thư viện Hoa Kỳ (American Library Association) lại xếp Harry Potter vào 100 cuốn sách “hạn chế đọc” trong thập niên 1990-2000, tác giả J.K. Rowling cũng là một trong 10 tác giả bị “hạn chế” trong khoảng 1990-2004. Bởi nhiều người cho rằng Harry Potter làm dấy lên trong đầu trẻ thơ những suy nghĩ về ma thuật, cái ác và sự chống đối người lớn.
Mỗi người là một tinh cầu nhỏ. Không có hai người nào giống hệt nhau. Thế nên cuộc sống này cần lắm những ai biết chấp nhận sự khác biệt của người khác, không thành kiến chỉ trích, không yêu - ghét vội vàng, không cho rằng “người ta khác mình là người ta sai”. Cuộc sống này sẽ vì thế mà bao dung hơn nhiều lắm.
Theo Khánh Ngọc
Sài Gòn Tiếp Thị