Trải nghiệm dở khóc dở cười của người trẻ khi dùng thử ChatGPT

Nguyễn Hồng Ngọc

(Dân trí) - Hiện nay, mạng xã hội đang lan truyền những hình ảnh hài hước và nhận về nhiều lượt tương tác khi ChatGPT trả lời những câu hỏi của người dùng.

Sau hai tháng trình làng, ChatGPT đã có trên một triệu người sử dụng và con số đang tăng lên hàng ngày. Cùng với đó, mọi người tiếp tục chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị trong quá trình giao tiếp với công nghệ này.

Khi tác phẩm "Tắt đèn" trở thành hành động bảo vệ môi trường

Hiện nay, mạng xã hội đang lan truyền những hình ảnh hài hước và nhận về nhiều lượt tương tác khi ChatGPT trả lời những câu hỏi của người dùng. Theo đó, khi được yêu cầu viết bài văn về tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố, công nghệ này đã đưa ra những câu trả lời khiến cộng đồng mạng phải "cạn lời".

Chẳng hạn như: "Tắt đèn là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh", hay: "Nhà văn Ngô Tất Tố đã qua đời vào năm 1997. Do đó không có cách nào để tắt đèn của ông". Thậm chí là những đoạn văn hoàn toàn "lạc đề" như thế này:

Trải nghiệm dở khóc dở cười của người trẻ khi dùng thử ChatGPT - 1

Câu trả lời gây cười của ChatGPT được cộng đồng mạng lan truyền (Ảnh chụp màn hình).

Sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng tò mò thử nghiệm công nghệ này và bất ngờ với những câu trả lời khác.

Với câu hỏi tương tự, người dùng Ngọc Lương sau khi nhận được câu trả lời đúng đã chia sẻ: "Bản chất của AI (trí tuệ nhân tạo) là tự học và cải thiện dần, có thể do bị hỏi quá nhiều nên nó đã tự điều chỉnh".

Ở bên dưới phần bình luận, nhiều người cũng cho rằng, công nghệ này chủ yếu dùng dữ liệu tiếng Anh để huấn luyện nên phần tiếng Việt có lẽ phải cần thêm thời gian để cải thiện và hoàn chỉnh hơn.

Khi ChatGPT "lấn sân" sang văn học

Phương Thanh (26 tuổi) chia sẻ: "Mình khá là bất ngờ khi ChatGPT không chỉ biết viết luận mà còn có thể làm thơ, dù ngôn từ còn hạn chế và có phần ngây ngô, hài hước. Dễ thấy rằng, lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa thể là miền đất hứa của AI".

Trải nghiệm dở khóc dở cười của người trẻ khi dùng thử ChatGPT - 2

Một tác phẩm của ChatGPT cho thấy AI vẫn còn khá kém khi làm thơ, văn bằng tiếng Việt (Ảnh chụp màn hình).

"Sau khi thử nghiệm, mình nhận thấy khả năng tiếng Việt của ChatGPT còn rất hạn chế. Để làm được đoạn thơ trên, trước hết phải định nghĩa một loạt khái niệm có liên quan đến cách viết, từ ngữ, luật, vần...; các ngữ cảnh có liên quan. Sau đó mới yêu cầu một lệnh để ra được bài thơ đúng ý", chị nói.

Là một người có hiểu biết về công nghệ, chị Thanh chia sẻ với PV Dân trí, nguyên tắc của tất cả mọi loại AI đều như nhau: Dữ liệu đầu vào (Input) tốt, ý tưởng tốt, kỹ năng ra lệnh tốt, đánh giá được chất lượng của dữ liệu đầu ra (Output)... là có thể hoàn chỉnh.

"Nhưng vì phải dịch lại nhiều lần nên từ phần dịch đã sai quy tắc thơ. ChatGPT làm thơ tiếng Anh có thể đúng quy tắc, nhưng sau khi dịch ngược lại thì sai rất nhiều về vần điệu, số từ... Tuy nhiên, khó khăn ở đây là do quá trình dịch thuật chứ không phải AI không thể làm thơ.

Hơn nữa, khả năng code (mã hóa) của ChatGPT rất tốt nhưng lại bị động, người dùng phải ra lệnh mới biết làm, có lẽ phải cần đến những lập trình viên giỏi để AI có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng", chị Thanh giải thích.

Từ làm thơ, xin việc... đến tâm sự cùng người dùng

Trần Nam (27 tuổi) cũng đã chia sẻ quá trình tiếp cận với ChatGPT từ việc bắt đầu với các chủ đề lớn như: y tế, khoa học, giáo dục..., sau đó trao đổi đến những vấn đề khác một cách tự nhiên hơn.

"Là một người làm trong mảng truyền thông, mình thường gặp những thông tin "ngập tràn" trên mạng xã hội về công cụ ChatGPT, từ khả năng làm thơ, sửa lỗi lập trình đến soạn nhạc, viết kịch bản phim..., thậm chí còn biết trả lời khéo léo các câu hỏi như: "Tại sao tôi vẫn độc thân?", "Hôm nay ăn gì?"... như một con người thật sự", anh bộc bạch.

Nam cũng chia sẻ thêm, bản thân anh và đồng nghiệp rất hứng thú với ChatGPT, một công nghệ được cho là đang lăm le đào thải nhân sự của nhiều ngành nghề.

Trải nghiệm dở khóc dở cười của người trẻ khi dùng thử ChatGPT - 3
Trong quá trình nghiên cứu, Nam đã nghĩ ra rất nhiều câu hỏi thú vị và khám phá được các tính năng của ChatGPT (Ảnh: NVCC).

Theo anh Nam, ngay cả việc viết thư xin học bổng, viết tiểu luận, trò chuyện giải trí... cũng không làm khó được "người bạn" chatbot này.

"Bạn chỉ cần cho chatbot một vài dữ liệu liên quan đến tiểu sử, ưu, nhược điểm của bản thân là ngay lập tức, bạn sẽ có được một bức thư xin học bổng như mong muốn, vừa mang đậm tính "học thuật" mà lại rất chân thành.

Còn nếu bạn là sinh viên và đang muốn viết một luận văn. Chỉ cần nêu ra các yêu cầu, kể cả mức độ của nó rồi bạn cho ChatGPT làm. Tức thì nó sẽ cho bạn một bài luận văn đầy đủ", anh nói.

Tuy nhiên, những nhà quản lý ChatGPT đã nói rằng, những gì ChatGPT trả lời đó là các thuật toán AI và các dữ liệu nó đã "học được" không hẳn là cách trả lời chính xác nhất. Nó có thể chưa hoàn chỉnh và đôi lúc thiếu ý nghĩa đối với con người.

Doanh nhân công nghệ Elon Musk cũng cho rằng, ChatGPT là một tiện ích rất tốt nhưng mặt trái của nó cũng rất đáng sợ: "ChatGPT tốt đến đáng sợ. Chúng ta không xa lắm sự hiểm nguy về tính mạnh mẽ của AI".

Các chuyên gia AI và các giáo sư ở các trường đại học lớn cũng cho rằng ChatGPT giống như các công cụ của thời đại như: Google, Facebook, Twitter... vừa có mặt thuận lợi và có cả mặt tiêu cực. Việc sử dụng nó như thế nào là do mỗi người, việc bác bỏ nó thì khó có thể.